Học thêm theo tổ hợp môn để định hướng thi cử!?

Theo thông tin phản ánh của một số phụ huynh, dù đã học ở bên ngoài nhưng hầu hết HS vẫn học thêm trong trường theo thông báo tăng tiết của giáo viên. Chỉ khác là HS phải đăng ký học theo khối thi A1, A hoặc D mới được học, 4-5 môn, chủ yếu các môn thuộc khối tự nhiên, không được đăng ký ít hơn.

Học từ sáng đến tối

“Cách làm này không khác nào ép HS học thêm trong nhà trường. Những em chỉ yếu 1-2 môn hoặc gia đình nghèo cũng phải cho con học hết năm môn là không cần thiết. Đáng nói HS sáng học chính khóa lớp nào thì chiều học thêm lớp đó chứ không được chọn lớp và chọn giáo viên để học. Nếu giáo viên dạy theo nâng cao thì thiệt cho những em trung bình trở xuống và ngược lại, như thế học thêm không có hiệu quả gì” - phụ huynh HC bức xúc nói.

Tương tự, chị VB có con đang học lớp 11 trong trường cho biết hầu như ngày nào con chị cũng phải đi học từ sáng đến tối vì con đăng ký học thêm ở trung tâm buổi tối từ cuối tháng 8. Sáng học chính khóa và chiều học tăng tiết ở trường, trừ những giờ trống tiết thì được nghỉ.

 “Lúc đầu con tôi chỉ muốn học hai môn trong trường và ba môn ở trung tâm, giờ không khác nào học tám môn. Khi tôi thắc mắc, cô giáo chủ nhiệm còn nói những cháu nào học ít môn thì có thể học ở nhà thầy cô giáo cho tiện đi lại hơn” - chị B. than thở.

Phụ huynh đón con sau ca học thêm buổi chiều trước cổng Trường THPT Gò Vấp. Ảnh: PHẠM ANH

Nhà trường nói gì?

Tiếp xúc với PV, bà Tô Hạ Uyên, Hiệu trưởng Trường THPT Gò Vấp, thừa nhận đúng là trường tổ chức cho HS học thêm đồng loạt tổ hợp môn theo khối thi chứ không theo số môn các em đăng ký. Cụ thể, lớp 10 và 11 dạy theo tổ hợp bốn môn  khối A (toán, lý, hóa, tiếng Anh), riêng khối 12 dạy tổ hợp môn theo khối A1 với bốn môn (toán, văn, lý, tiếng Anh), khối A với năm môn (toán, văn, tiếng Anh, lý, hóa) và khối D với bốn môn (toán, văn, tiếng Anh và một môn tự chọn theo nguyện vọng của HS).

Theo bà Uyên, trường làm vậy để định hướng thi cử cho các em. Nhờ đó giáo viên có thể hướng dẫn, củng cố và nâng cao kiến thức cho các em hơn. Trường cho các em đăng ký theo danh sách giáo viên đưa xuống và phụ huynh ký tên vào ngày họp đầu năm trước khi các em bắt đầu học từ ngày 5-10. Mức thu theo thỏa thuận với phụ huynh, một tiết là 7.500 đồng. Khối 12 tăng 12 tiết theo khối cơ bản; khối 10 và 11 tăng 11 tiết; khối 10 và 11 đóng 330.000 đồng/tháng, khối 12 đóng 360.000 đồng/tháng.

 “Nếu các em đăng ký ít môn thì trường rất khó trong công tác tổ chức. Những em nào đã đăng ký bên ngoài thì cũng không ép học trong trường. Vì thế phần lớn các em đều học trong trường và học cùng lớp, cùng thầy cô do nhà trường phân công” - bà Uyên cho hay.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết Sở cho phép các trường tổ chức dạy thêm theo nhu cầu và năng lực của các em nhưng phải trên tinh thần tự nguyện. Giờ học chính khóa và giờ học thêm là hai lớp biên chế phải khác nhau hoàn toàn, kể cả tên gọi lớp. Học sinh được đăng ký theo học lực và chọn học thầy cô giáo mà các em thích. Nếu các em đăng ký không phù hợp với cách tổ chức của trường thì có thể học bên ngoài chứ nhà trường tuyệt đối không ép buộc, gây áp lực đối với HS.

Sẽ thanh tra

Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết UBND TP đã chỉ đạo Sở có kế hoạch thanh tra Trường THPT Gò Vấp trong thời gian tới. Ngoài việc dạy thêm học thêm, đoàn sẽ làm việc về một số nội dung khác liên quan tới ban giám hiệu nhà trường. Nếu thực sự trường có sai phạm thì Sở sẽ có hướng xử lý sai phạm đó theo quy định.

Ông NGUYỄN VĂN HIẾU, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm