Theo ý kiến của PGS Jason Tan thuộc Viện Giáo dục quốc gia Singapore: “Các bậc cha mẹ đều có suy nghĩ thiên hạ nháo nhào cho con học thêm nên mình cũng phải đua theo. Nếu không con họ sẽ bị bỏ lại sau lưng”.
Ở Việt Nam, theo khảo sát của một tờ báo lớn vào năm 2014, có nhiều lý do để phụ huynh cho con đi học thêm. Trong đó, 56,9% nêu lý do là để củng cố kiến thức căn bản trong chương trình và bổ sung kiến thức nâng cao ngoài chương trình, còn 22,3% cho con đi học thêm vì thấy con thua kém bạn bè. Trong khi đó tại Singapore, quốc gia có nền giáo dục tiên tiến, tình trạng học thêm cũng đang nhức nhối. Theo khảo sát của tờ Straits Times, đa số phụ huynh Singapore cho con đi học thêm để giúp trẻ có được thành tích học tập tốt hơn. Bên cạnh đó, cũng theo Straits Times, còn có các bậc cha mẹ cho con học thêm vì muốn con mình “bằng bạn bằng bè”, không muốn chúng bị “bỏ lại” phía sau.
Trong một bài báo đăng trên The Newsbolg vào ngày 7-7 gần đây, Zoya Altaf, một chuyên gia truyền thông nổi tiếng của Pakistan, cho rằng dạy thêm, học thêm đang trở thành một vòng tròn luẩn quẩn với trách nhiệm được chia đều cho học sinh, các bậc cha mẹ và cả giáo viên. Tờ Straits Times nhận định để phá được “vòng vây” học thêm, chính phủ cần phải vào cuộc thực hiện và phổ biến những nghiên cứu cho thấy “học thêm chỉ có hại” để tác động đến nhận thức của các bậc phụ huynh lẫn các em học sinh. Cũng theo Straits Times, ở Hàn Quốc, nhà chức trách thậm chí đã bắt đầu ban hành lệnh giới nghiêm đối với các trung tâm dạy thêm, cử người đi tuần tra để đảm bảo các “lò luyện thi” hay còn gọi là “hagwon” để đảm bảo các em học sinh không bị ép học quá sức.
NGỌC NHƯ