'Hôi của' sẽ bị xử lý như thế nào?

Mới đấy, tối 16-7 mạng xã hội đã đăng tải hình ảnh nhiều người dân có hành vi được cho là “hôi của” từ một xe tải chở bia không may lật đổ trên tuyến QL1A.

Cụ thể, thời gian xảy ra vụ việc trên là khoảng 22 giờ. Khi xe lật đổ đã có nhiều người đến phụ giúp tài xế thu gom bia để lên lề đường, nhưng cũng không ít cá nhân thừa cơ hội xe đổ để “hôi bia”.

Trước đó, tối 11-7 tại cầu vượt Trạm 2 (quận Thủ Đức), hướng về Đại học Nông Lâm, một xe tải chở nước ngọt gặp phải sự cố làm hàng trăm thùng nước ngọt rơi xuống đường. Và những người “hôi của” lại xuất hiện.

Những vụ việc trên một lần nữa đã dấy lên sự bất bình cho cộng đồng. Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi: Hành vi “hôi của” có bị xử lý?

TS Huỳnh Tấn Đạt, Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP.HCM, cho biết: Nhiều trường hợp chủ tài sản, tài xế lái xe khi thấy tài sản của mình bị “chiếm đoạt” ngay trước mắt nhưng ngoài tầm kiểm soát và không thể ngăn cản được. Tình huống này người “hôi của” có thể xem là công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác. Đây không chỉ là hành vi đáng lên án về mặt đạo đức mà ở góc độ pháp lý, hành vi “hôi của” có thể bị xử lý về mặt hành chính hoặc hình sự.

Trong trường hợp giá trị tài sản chiếm đoạt dưới 2.000.000 đồng thì người thực hiện hành vi trên sẽ bị xử lý hành chính theo Điểm b khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013 về vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác. Theo quy đinh này, người có hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác thì bị xử phạt tiền từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng.

Về mặt hình sự, Theo Điều 172 Bộ luật Hình sự 2015, người có hành vi “hôi của” có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác. Theo đó, người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc các trường các trường hợp sau thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

- Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 173, 174, 175 và 290 của Bộ luật hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

-  Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

Mặc khác, khung hình phạt tù cao nhất của tội danh trên là 20 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm