Trong “Giấy xin bảo lãnh hội viên” nêu rõ các bị cáo là những người đã theo tiếng gọi của Đảng, chiến đấu trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Khi hoàn thành nghĩa vụ vẻ vang với đất nước lại tiếp tục tham gia xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội.
Trước khi bị bắt tạm giam, các bị cáo đều đang sinh hoạt hội tại chi hội Cựu chiến binh thôn, chấp hành tốt điều lệ của hội, có thân nhân tốt và có nơi cư trú ổn định, rõ ràng.
Bị can Đỗ Mạnh Hùng, Vũ Tất Đắc, Hoàng Văn Sần, Nguyễn Nam Thái hiện tuổi đã cao, sức khoẻ yếu, các bị cáo còn lại đều là lao động chính trong gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.
Có hai cựu chiến binh phải đi cấp cứu khi bị tạm giam. Ảnh: CTV
Vì vậy, Thường trực Hội cựu chiến binh tỉnh Đắk Nông kính đề nghị chánh án TAND tỉnh Đắk Nông nghiên cứu, xem xét và giải quyết cho các bị cáo nói trên được thay thế biện pháp tạm giam bằng biện pháp bảo lãnh.
Hội cựu chiến binh tỉnh Đắk Nông cam đoan sẽ quản lý, giám sát chặt chẽ và động viên các bị cáo khai báo thành khẩn, chấp hành tốt mọi hoạt động tố tụng, không có bất kỳ hành vi nào gây cản trở hoặc gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án.
Như đã thông tin, theo cáo trạng, tại cuộc họp tháng 1-2015, cho rằng rừng đã bị lấn chiếm nên Chi hội Cựu chiến binh thôn 6 đã thống nhất phát dọn rừng để lấy đất trồng cây keo gây quỹ. Trong hai ngày tháng 1-2015, bảy cựu chiến binh đã chặt những cây bụi, cây nhỏ, dây leo với diện tích 0,4 ha, hai ngày của tháng 4-2015 dọn tiếp 0,38 ha (thiệt hại hơn 42 triệu đồng).
Tháng 4-2016, TAND thị xã Gia Nghĩa xử sơ thẩm lần đầu đã phạt bảy bị cáo 6-7 tháng tù về tội hủy hoại rừng. Bảy bị cáo kháng cáo kêu oan cho rằng thời điểm dọn dẹp thì đã không còn rừng.
TAND tỉnh Đắk Nông xử phúc thẩm hủy án. Tại tòa, đại diện VKS tỉnh cũng đề nghị hủy án vì cho rằng tháng 3-2015, Chi cục Kiểm lâm thị xã Gia Nghĩa xác định cả khu rừng 0,98 ha (nơi các bị cáo phát dọn 0,78 ha) bị hủy hoại đã thiệt hại 100%. Đến tháng 9-2017, xử sơ thẩm lần hai, tòa vẫn kết luận bảy bị cáo đã hủy hoại tổng cộng 0,78 ha rừng và phạt họ 6-7 tháng tù.
Gia đình các cựu chiến binh thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Ảnh: CTV
Pháp Luật TP.HCM có loạt bài phân tích rằng hành vi của bảy cựu chiến binh này không cấu thành tội phạm. Cụ thể, nhân chứng khai trước ngày các bị cáo dọn dẹp cây bụi thì đã không còn rừng nhưng tòa đã không làm rõ nội dung này.
Cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm thị xã có văn bản vào tháng 3-2015 xác định 0,98 ha rừng (nơi các bị cáo phát dọn 0,78 ha) bị hủy hoại, đã thiệt hại 100%.
Như vậy, nếu cơ quan tố tụng chứng minh được các bị cáo có hành vi hủy hoại 0,4 ha (4.000 m2) rừng sản xuất trong hai ngày tháng 1-2015 đi chăng nữa thì cũng chưa đủ định lượng để khởi tố mà chỉ có thể xử phạt hành chính họ với số tiền 30-50 triệu đồng theo khoản 5 Điều 20 Nghị định 157/2013.
Điều đáng nói, bất ngờ vào ngày 23-8 vừa qua, TAND thị xã Gia Nghĩa ra lệnh bắt tạm giam các bị cáo trước khi phiên toà sơ thẩm lần hai được diễn ra. Bảy cựu chiến binh bị khởi tố thì có 5 người thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Một cựu chiến binh qua đời trước khi toà ra lệnh bắt, hai cựu chiến binh có sức khoẻ yếu phải đi cấp cứu khi đang ở trại tạm giam. Vì vậy gia đình các bị cáo đã xin cho chồng, cha được tại ngoại nhưng vẫn chưa được giải quyết.