Hội đàm với Tập Cận Bình: 7 đề nghị gửi ông Trump

Quan hệ Mỹ-Trung đặc biệt phức tạp, bởi thế Washington cần có chiến lược đối phó với sức mạnh đang lên của Bắc Kinh, cần thiết lập các ưu tiên, dự kiến các phản ứng của Trung Quốc (TQ) và phát triển các đối sách phù hợp.

Chuyên gia Doug Bandow ở Viện Nghiên cứu Cato (Mỹ), nguyên trợ lý đặc biệt của Tổng thống Ronald Reagan, nhận định như trên nhân sự kiện Chủ tịch Tập Cận Bình thăm chính thức Mỹ trong hai ngày 6 và 7-4.

Trong bài viết đăng trên tạp chí The National Interest, chuyên gia Doug Bandow đã đưa ra bảy đề nghị đối với Tổng thống Trump:

• Mỹ không thể chiếm mọi ưu thế: Tổng thống Donald Trump cần xác định đâu là vấn đề quan trọng nhất: Hạn chế hàng xuất khẩu TQ, loại trừ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, ngăn chặn hành động hung hăng của TQ ở biển Đông và biển Hoa Đông, tăng cường hậu thuẫn đối với Đài Loan, kìm hãm đà phát triển kinh tế của TQ ở châu Phi hay vấn đề nào khác.

• Đối đầu và dọa nạt quân sự không dẫn đến kết cục tốt đẹp:Quân đội Mỹ chắc chắn mạnh hơn quân đội TQ nhưng TQ lại đang chiếm ưu thế đối với các nước trong khu vực nên sẵn sàng chi tiêu và liều lĩnh bảo vệ lợi ích. Ngoài ra, xu hướng dân tộc chủ nghĩa trong giới lãnh đạo Bắc Kinh vẫn đang gia tăng. Như vậy Tổng thống Trump cần học tập kinh nghiệm của Tổng thống Andrew Jackson (1829-1837), đó là thể hiện ý chí sử dụng sức mạnh bảo vệ lợi ích sống còn bằng giải pháp ngoại giao.

• Nhanh chóng áp dụng nghệ thuật ngoại giao: TQ có thể giảm cách thức tiến hành yêu sách chủ quyền ở châu Á-Thái Bình Dương nhưng cần đánh đổi bằng cái gì đó. TQ bực bội trước thái độ của Bình Nhưỡng nhưng để thúc ép TQ gia tăng thêm sức ép với CHDCND Triều Tiên, Mỹ phải xoáy vào các lợi ích và mối quan tâm của TQ.

• Tách rời lợi ích của Mỹ và các đồng minh: Các nước đồng minh phải là phương tiện để Mỹ đạt được mục đích. Mỹ không nên bảo vệ các đồng minh như hành động bác ái.

Tổng thống Donald Trump điều chỉnh chính sách kinh tế theo biếm họa của Nate Beeler (báo The Columbus Dispatch).

Ví dụ: Lợi ích chủ yếu của Mỹ đối với Nhật và Philippines là bảo đảm độc lập cho các nước này chứ không phải kiểm soát các đảo không quan trọng đang thuộc đối tượng tranh chấp. Nói chung, ít có vấn đề đáng để đối đầu với TQ.

• Các nước bạn bè phải làm nhiều hơn nữa: Mỹ cần phải điều chỉnh chính sách để các nước bạn bè tập trung bảo vệ lợi ích riêng của họ nhiều hơn. Nếu Philippines muốn đương đầu với TQ thì cần xây dựng hải quân hiệu quả hơn thay vì trông cậy vào hạm đội Mỹ. Nhật cũng phải sử dụng lực lượng hải quân riêng của mình.

• Nhập khẩu giá rẻ có lợi như xuất khẩu giá đắt: Tổng thống Donald Trump cần phải nhìn nhận điều này. Có nhiều vấn đề cần đàm phán song phương, ví dụ như rào cản của TQ đối với vốn đầu tư Mỹ. Do đó, nỗ lực cân bằng thương mại là điều buồn cười và không có lợi.

• Phát triển quan hệ dân sự hợp tác Mỹ-Trung: Các dị biệt là điều không thể tránh khỏi nhưng xung đột thì không nên. Bắc Kinh phản đối vai trò thống trị của cường quốc Mỹ gần biên giới TQ. Điều này không hẳn là mối quan tâm lớn đáng để tuyên chiến với TQ.

Cuộc hội đàm đầu tiên vào tuần tới giữa Tổng thống Donald Trump với Chủ tịch Tập Cận Bình là thời điểm ngoại giao then chốt. Hai nhà lãnh đạo không thể ngăn cản xung đột phát sinh nhưng cả hai đều hy vọng sẽ đạt được tiến triển và thiết lập quan hệ cho những giải pháp tương lai.

Theo chuyên gia Doug Bandow, để đạt được thành công, Tổng thống Donald Trump phải trở thành một chính khách thông tuệ, điều mà ông chưa từng đạt được, vậy nên mọi việc sẽ tùy thuộc vào khả năng thay đổi bất ngờ của ông.

Tổng thống Trump ký hai sắc lệnh mới

Chiều 31-3 (giờ địa phương), Tổng thống Donald Trump đã ký hai sắc lệnh thể hiện quyết tâm kéo giảm thâm hụt thương mại Mỹ vốn là nguyên nhân dẫn đến mất việc làm ở Mỹ. Ông Trump tuyên bố từ Phòng Bầu dục: “Chúng ta phải bảo vệ ngành công nghiệp của chúng ta và cuối cùng đem lại công bằng cho người lao động Mỹ”.

Sắc lệnh thứ nhất yêu cầu trong 90 ngày chính phủ phải rà soát lại các thỏa thuận thương mại hiện hành và lập danh sách các nước thủ lợi từ các thỏa thuận này qua tăng cường xuất khẩu hàng sang Mỹ và cản trở hàng nhập khẩu Mỹ. Báo cáo rà soát sẽ được dùng làm cơ sở ban hành các biện pháp đáp trả cụ thể hơn.

Sắc lệnh thứ hai liên quan đến các biện pháp chống phá giá nhằm thu đầy đủ tiền phạt đối với các nước được cho là đã bán phá giá ở Mỹ. Tổng số tiền thất thu từ năm 2001 đến 2016 lên đến gần 3 tỉ USD liên quan đến các doanh nghiệp của khoảng 40 nước.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross đánh giá hai sắc lệnh nêu trên đánh dấu bước khởi đầu một chương hoàn toàn mới trong quan hệ thương mại của Mỹ với các đối tác. Báo chí quốc tế nhận định hai sắc lệnh mới ban hành nhằm đối phó với các quốc gia là nguồn gốc dẫn đến thâm hụt thương mại Mỹ, đứng đầu là TQ. Ngoài ra còn có Đức, Pháp, Thụy Sĩ, Nhật, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ, Đài Loan, Indonesia, Mexico, Ireland và Canada.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm