Những năm gần đây, tuyến đường Rừng Sác (dài 36,5 km từ phà Bình Khánh đến nút giao 30-4) đã bị hư hỏng nặng. Mặt đường bị bong tróc tạo thành những rãnh sâu lổm chổm nhựa đường, đất đá khiến việc di chuyển của người dân khi lưu thông qua đây gặp nhiều khó khăn.
Vá chồng lên vá
Khảo sát thực tế của PV vào những ngày cuối tháng 11 cho thấy ở nhiều đoạn trên tuyến đường Rừng Sác đơn vị quản lý đã tiến hành duy tu, sửa chữa nhiều lần với hình thức chắp vá dày đặc. Nhiều mảng đường được vá chồng lên nhau tạo thành độ chênh giữa mặt đường lúc đầu và vị trí vá khiến người đi đường, nhất là người đi xe máy gặp nhiều khó khăn.
Anh Mai Văn Công, tài xế xe khách dịch vụ, cho biết việc đi qua lại đoạn đường Rừng Sác rất khó khăn. Do ổ gà quá sâu, xe thường xuyên bị đụng gầm và vào những ngày mưa, mặt đường ngập nước rất dễ bị sụp ổ gà.
“Khi đường Rừng Sác khánh thành giúp thời gian di chuyển từ Cần Giờ tới trung tâm TP được rút ngắn chỉ còn 30 phút thay vì đường cũ phải mất hơn 1 giờ. Tuy nhiên, một khoảng thời gian sau đường lại xuống cấp nghiêm trọng khiến nhiều người đi đường gặp khó” - anh Hoàng Thái Sơn, một người dân lưu thông qua đường Rừng Sác chia sẻ.
Theo quan sát của PV, từ phà Bình Khánh đến cầu An Nghĩa là đoạn đường phẳng phiu, thẳng tắp, xen kẽ với đường trên là những đoạn có mặt đường bong tróc, lổm chổm đất đá như từ cầu Lôi Giang đổ về cầu Vòng Xoay. Từ cầu Vòng Xoay gần tới đường Hàu Vỏ là đoạn có mặt đường chắp vá, được người dân Cần Giờ gọi vui là “đoạn đường chắp vá nhiều nhất TP.HCM”.
Hư hỏng nghiêm trọng nhất là đoạn đường cách đường Hàu Vỏ 500 m (trạm tăng áp số 3) dài khoảng 2 km. Cả hai hướng đường tại khu vực này đều xuống cấp.
Đường Rừng Sác sau khi được đơn vị quản lý duy tu, dặm vá những ổ gà trên mặt đường. Ảnh: T.TRINH
Một xe máy bị lủng bánh xe khi lưu thông qua Rừng Sác được đội cứu hộ vá giúp. Ảnh: T.TRINH
Hạn chế nguồn vốn
Đường Rừng Sác được Sở GTVT phân cấp cho Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (thuộc Sở GTVT) từ tháng 1-2017.
Đại diện Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ cho hay do thiết kế tuyến đường trước đây không được xử lý lún và là đường láng nhựa. Vì vậy, sau năm năm sử dụng (từ năm 2012 đến 2017) có rất nhiều vị trí bị bong tróc, nhồi lún, ổ gà, đọng nước. Gần 70% diện tích còn lại của tuyến đường đa số đã bị rạn nứt, oằn lún và xuống cấp rất nhanh khi có mưa.
“Trong quá trình theo dõi, toàn bộ tuyến đường Rừng Sác bị lún khoảng 50 cm (theo đánh giá của địa phương tại thời điểm bàn giao năm 2017) so với thời điểm công trình được nghiệm thu đưa vào sử dụng (đặc biệt khu vực Hàu Vỏ - dài khoảng 300 m, hằng năm bị lún trung bình 20 cm) thì hiện nay các đoạn đường hư hỏng nặng, gây mất an toàn giao thông đã được khắc phục sửa chữa” - vị đại diện này nói.
Mặt khác, đơn vị quản lý cho rằng do nguồn vốn sửa chữa thường xuyên hằng năm bị hạn chế và mỗi vị trí duy tu chỉ có giới hạn trong khi diện tích hư hỏng nhiều nên đơn vị chỉ sửa chữa các vị trí hư hỏng nặng.
Nói về hướng khắc phục tuyến đường xuống cấp trong thời gian tới, vị đại diện cho hay đơn vị sẽ thường xuyên kiểm tra, thực hiện phát quang, cắt cỏ, khơi rãnh để thoát nước hai bên đường và hạn chế đến mức tối đa việc ứ đọng nước làm hư hỏng mặt đường.
“Khó khăn nhất trong quá trình nâng cấp, mở rộng đường Rừng Sác hiện nay là do tốc độ lún của tuyến đường này nhanh đã làm cho rất nhiều đoạn bị đọng nước sau khi mưa. Ngoài ra, nguồn vốn sửa chữa thường xuyên hằng năm chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu thực tế” - vị đại diện nói.
Theo ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, hiện nay đơn vị quản lý gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn duy tu, UBND huyện đề xuất Sở GTVT tăng nguồn vốn duy tu cho đơn vị quản lý.
Theo ông Dũng, trước thực trạng đường Rừng Sác xuống cấp, Phòng quản lý đô thị UBND huyện đã thường xuyên kiểm tra, rà soát, sau đó báo cáo, đề xuất cho UBND huyện phương án khắc phục.
“Gần đây nhất, ngày 26-11 UBND huyện đã kiến nghị với Sở GTVT lắp đặt đèn tín hiệu giao thông trên tuyến đường Rừng Sác nhằm giải quyết những bất cập trong công tác tổ chức, đảm bảo an toàn giao thông và tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra” - ông Dũng nói.
Tuyến đường Rừng Sác có chiều dài 36,47 km bao gồm cả tám cầu trên tuyến đường, rộng từ 15 m đến 24 m; tổng diện tích mặt đường là 755.025 m2(không tính diện tích tám cầu). Công trình nâng cấp, mở rộng đường Rừng Sác - Cần Giờ được triển khai từ năm 2002 với tổng kinh phí thực hiện hơn 1.500 tỉ đồng, trong đó hơn 280 tỉ đồng dành cho công tác giải phóng mặt bằng. Sau ba năm quản lý thì Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ đã thực hiện dặm vá, duy tu rải rác toàn tuyến (chỉ thảm nhựa); thực hiện các dự án nâng cao mặt đường bằng kết cấu đá và bê tông nhựa nóng. |