Hời hợt trồng người

Những cây gãy đổ là những cây được trồng chừng 3-4 năm, xanh tốt xum xuê, cao 4-5 m, đường kính vài chục phân nhưng phần rễ khi tróc lên thấy chỉ có một túm và hầu như không có rễ cái, bởi cây giống vốn được trồng trong các bao bọc nên rễ cái không phát triển được và rễ con cũng chỉ bó tròn trong bọc đó. Cây được nuôi lớn rồi mới đem trồng, chằng giữ một thời gian trông tươi tốt nhưng cái gốc thiếu rễ nên chỉ cần một vài cơn gió mạnh là gãy đổ, trốc gốc.

Chuyện trồng cây thiếu rễ làm nhiều người liên tưởng đến chuyện trồng người. Cũng trong thời điểm đầu năm học mới này, bao nhiêu chuyện về giáo dục, từ tiểu học đến đại học, đang được đem ra bàn thảo sửa đổi loạn xạ, nên từ các bậc phụ huynh đến học sinh đều chóng mặt không biết đường nào mà lường. Liên tiếp nổ ra các cuộc tranh luận về ba phương án cho kỳ thi “ba chung” của học sinh cuối cấp THPT. Bỏ thi THPT hay bỏ thi đại học? Có nên giao địa phương tổ chức thi tốt nghiệp? Rồi vừa qua lại thêm chuyện đề án sách giáo khoa điện tử, mua máy tính bảng cho học sinh lớp 1-2-3 ở TP.HCM đã gây những luồng phản ứng mạnh mẽ trong xã hội, bởi hiện nay nhiều gia đình ở ngay TP.HCM còn lo chạy ăn từng bữa, đầu năm học lo chạy mấy trăm ngàn đóng học phí và mua sách giáo khoa cho con đã toát mồ hôi. Chưa nói đến chuyện tác hại đủ thứ khi giao máy tính bảng cho trẻ con sáu, bảy tuổi! Không thể hiểu nổi chuyện “trăm năm trồng người” sao lại dồn dập đề xuất, ồ ạt tranh luận vào cùng một thời điểm vậy?

Một tin nhỏ trên báo chí nhưng thực ra không nhỏ, mà đó là điều đặc biệt nghiêm trọng đáng báo động liên quan tới giáo dục: Vào đầu năm học mới này, rất nhiều đồ dùng, thiết bị học tập của học sinh bị sai lỗi, phản giáo dục, mang tính bạo lực bày bán nhan nhản trên thị trường. Những hộp dụng cụ học sinh in từ tiếng Anh sai be bét, in những hình người xăm mình cầm súng, cầm gươm chĩa vào nhau đằng đằng sát khí, bút viết hình đầu lâu, mặt quỷ rất ghê rợn… Cả những loại đồ chơi nguy hiểm, bạo lực, độc hại - cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen vì chúng được làm với những chất phụ gia cực kỳ nguy hiểm - cũng được bày bán tràn lan trước các cổng trường, cả trong các nhà sách mà không có một cơ quan nào ngó tới. Hầu hết là hàng xuất xứ từ Trung Quốc. Thiết nghĩ dù đó là hàng nhập chính ngạch, tiểu ngạch hay nhập lậu gì cũng cần gom đem tiêu hủy và phạt thật nặng những người nhập, cũng như nhắc nhở, cảnh cáo người phân phối, mua bán về những tác hại nguy hiểm của những món hàng này. Đây là việc mà cả xã hội phải cùng chung tay “tổng vệ sinh” và càn quét mối nguy hại này cho con cháu chúng ta. Muốn vậy phải có sự phối hợp chặt chẽ của các ngành văn hóa, giáo dục, công an, quản lý thị trường… cùng ra tay đồng loạt, liên tiếp nhiều đợt thì may ra mới làm sạch được môi trường nguy hại khó lường đối với các cháu.

Những nhà hoạch định chính sách, những chuyên gia giáo dục - và cả những kẻ cơ hội nhằm ăn theo con heo sữa ngân sách giáo dục - đang lo tranh luận về những chuyện vĩ mô mà bỏ quên những tác hại không lường trước được từ những yếu tố ngoại lai đối với giáo dục. Có nghĩa là thiếu sự quan tâm đến những điều cơ bản nhất trong giáo dục nhân cách - dạy trẻ “học làm người”. Bởi suốt một thời gian dài, nền giáo dục của ta chỉ lo chạy theo thành tích, bằng cấp mà thiếu đầu tư từ căn bản, cũng giống mấy cái cây cành lá xum xuê nhưng thiếu rễ cái trốc gốc vừa rồi, nên chỉ cần một cơn gió lạ, như “cơn gió” thời trang, âm nhạc, phim ảnh Hàn Quốc tràn qua là đã cuốn phăng theo bao lớp trẻ. Điều dễ thấy là hiện nay không chỉ các diễn viên phim truyền hình, ca sĩ, người mẫu Việt, mà cả một bộ phận không nhỏ thanh niên nam nữ ở các đô thị lớn, từ cách ăn mặc, đầu tóc, cử chỉ trông cũng na ná các sao Hàn!

PHẠM CHU SA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm