Các vụ tham nhũng có yếu tố nước ngoài ở ta rất khó bị phát hiện và hầu như các vụ xử lý được đều do phía nước ngoài điều tra trước. Nhân nghi án Công ty Tenma đưa hối lộ,Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với TS Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh tra Chính phủ. Ông Minh nói: Rất khó phát hiện vì bên đưa lẫn bên nhận đều có lợi nên ít khi có chuyện bên nọ tố bên kia để tìm câu trả lời.
Phá để lấy
. Phóng viên:Dư luận đang rất quan tâm đến nghi án Công ty Tenma (Nhật) đưa hối lộ 25 triệu yen cho các cán bộ thuế, hải quan Bắc Ninh,ông đánh giá sự việc này thế nào?
+ Ông Đinh Văn Minh (ảnh): Chúng ta chưa khẳng định được điều gì nhưng nếu đó là sự thật thì tệ quá, vì “ăn một, phá mười”! Theo thông tin ban đầu thì họ đưa cho cán bộ, công chức khoảng 5 tỉ đồng nhưng Nhà nước mất tiền thuế hàng trăm tỉ. Ở nước ngoài, người ta thường phân biệt giữa “lấy” và “phá”, còn ở Việt Nam thì “phá để lấy”, tức là phá rất nhiều nhưng lấy không được bao nhiêu. Đây là sự thật rất tệ hại.
Về vụ này, tôi cho là không quá khó để xác minh. Điều tra các vụ án tham nhũng có cái khó nhưng cũng có điểm thuận tiện là đa số hành vi tham nhũng đều là việc lấy tiền của Nhà nước. Mà tiền bạc của Nhà nước được quản lý chặt chẽ qua các thủ tục, quy trình, thường có sổ sách, chứng từ.
Tôi nghĩ với nghiệp vụ của thanh tra, họ sẽ tính ngay được lẽ ra doanh nghiệp (DN) phải nộp thuế bao nhiêu, thực tế nộp bao nhiêu. So sánh mức chênh, ít nhất sẽ xác định anh làm thất thoát của Nhà nước bao nhiêu tiền. Tiếp theo, chuyện anh nhận hối lộ thế nào, cơ quan điều tra sẽ chứng minh...
. Đưa, nhận hối lộ là câu chuyện tham nhũng rất điển hình nhưng lại rất khó phát hiện. Vì sao vậy, thưa ông?
+ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong một lần tiếp xúc cử tri từng chia sẻ: “Các vụ án lớn phát hiện chậm, kéo dài, lúc đầu to bằng voi rồi xử bé như chuột”. Nguyên nhân vì sao? Vì cả bên đưa lẫn bên nhận đều có lợi cả nên ít khi có chuyện bên nọ tố bên kia.
Hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, quản lý thị trường, thuế, hải quan... thường xảy ra chuyện: Khi phát hiện ra sai phạm thì có sự mặc cả và các công chức thoái hóa nhận tiền, biến vi phạm to thành vi phạm nhỏ, điều này càng khiến cho tham nhũng khó bị phát hiện.
Tôi nhớ có vị nguyên là đại biểu Quốc hội từng nói: Nếu chỉ nhìn vào những con số thì Việt Nam là nước trong sạch nhất thế giới vì một năm chúng ta chỉ xử trên dưới 10 vụ đưa, nhận hối lộ. Giờ nhiều hơn nhưng so với những gì đã và đang xảy ra thì con số đó vẫn là rất ít. Cảm nhận chung của xã hội là tình trạng đưa, nhận hối lộ ở Việt Nam xảy ra khá nhiều và ở hầu hết mọi lĩnh vực.
Ông Huỳnh Ngọc Sĩ (nguyên phó giám đốc Sở Giao thông công chính, nguyên giám đốc Ban quản lý dự án Đại lộ Đông - Tây và Môi trường nước TP.HCM) hầu tòa năm 2010 về tội nhận hối lộ. Ảnh: HTD
“Đầu tư cho tương lai”
. Nhiều người nhận số tiền hối lộ rất lớn nhưng họ đều nói đó là quà, là tiền “cám ơn” của đối tác, họ không bàn bạc, thỏa thuận hay vòi vĩnh. Phải chăng văn hóa tặng quà của chúng ta đang tiếp tay cho tham nhũng?
+ Ở Việt Nam và một số nước châu Á có chuyện lẫn lộn giữa quà tặng và của đưa hối lộ. Nhiều trường hợp người ta nói đó là quà tặng. Tại tòa, cựu bộ trưởng Trương Minh Tuấn khai nhận số tiền 200.000 USD vì nghĩ đó là quà tặng ông trúng cử vào Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Đó là câu chuyện rất khôi hài.
Tất nhiên, cũng có cái khó là người Việt có thói quen hay quà cáp vào mỗi dịp sinh nhật, lễ tết… nhưng lồng vào trong đó yếu tố vụ lợi. Người ta đưa quà đến hàng trăm ngàn USD, khó có thể chỉ mang yếu tố tình cảm.
Tôi từng nghiên cứu đề tài chuyên về hối lộ. Ở Việt Nam, người ta không hối lộ theo vụ việc mà gọi đó là khoản “đầu tư cho tương lai”. Một ông ở vị trí quản lý cao, có ảnh hưởng lớn tới hệ thống đó. Cứ lễ tết, ông đều được “chăm sóc” rất chu đáo, từ chuyện ăn, chơi, học hành của con đến khám chữa bệnh... Sau này, khi được nhờ vả, ông ấy chắc chắn sẽ can thiệp hoặc bao che cho những hành vi phi pháp. Đây là việc cực kỳ khó phát hiện.
Cũng cần nói thêm, chúng ta dùng tiền mặt nhiều quá. Ai lại biếu nhau cả triệu USD để trong va ly bao giờ. Mà như thế, ai chứng minh được tiền của ông nào. Pháp luật của ta cũng có những quy định về phòng, chống rửa tiền nhưng thực tế không làm được bao nhiêu.
. Những lý do trên lý giải việc nhiều vụ hối lộ chúng ta không tự phát hiện được mà do phía nước ngoài điều tra trước?
+ Ở nước ngoài, không chỉ khu vực công mà ngay cả khu vực tư, người ta cũng rất coi trọng việc phòng, chống hối lộ. Bản thân các DN đấu tranh với nhau và đấu tranh ngay trong nội bộ từng DN. Có những DN phải trả giá rất lớn, giá trị thương hiệu giảm sút rất nhiều do đã dùng tiền để hối lộ quan chức. Vì vậy, khi nghi ngờ có việc đưa, nhận hối lộ, họ sẽ làm rất mạnh tay.
Tăng cường “máy làm thay người” Theo ông Đinh Văn Minh, để ngăn chặn hành vi đưa, nhận hối lộ có yếu tố nước ngoài, cộng đồng DN phải xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không sử dụng các biện pháp “đi đêm”, hối lộ để tạo ra lợi thế cạnh tranh. DN cũng cần nắm rất chắc quyền và nghĩa vụ, các quy định liên quan và chống tham nhũng trong nội bộ. Nhà nước thì tạo cơ chế và lắng nghe phản ánh từ DN. Các thủ tục hành chính cũng được công khai, áp dụng tin học hóa. Khi máy móc làm thay thì khó “ăn gian” và camera giám sát đặt khắp nơi cũng khó dúi tiền cho cán bộ, công chức... |
Đưa hối lộ vì phải “nhập gia tùy tục”?
. Thực tế, phần lớn các công ty bị phát hiện đưa hối lộ cho công chức Việt Nam có công ty mẹ ở Nhật, một đất nước vốn có tính liêm chính rất cao. Ông bình luận gì về việc này?
+ Chuyện hối lộ dù bất cứ quốc gia nào cũng có nhưng ở các mức độ khác nhau tùy thuộc vào nền quản trị khả năng đến đâu, độ liêm chính của quan chức cũng như trong văn hóa kinh doanh thế nào… Khi xảy ra việc như thế sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh công quyền, thậm chí khiến các nhà đầu tư do dự khi cân nhắc quyết định đầu tư.
Do vậy, quan trọng hơn câu chuyện “có xảy ra việc đưa, nhận hối lộ” hay không là cách ứng xử của chúng ta thế nào để xử lý vụ việc. Và qua cách xử lý vụ việc, chúng ta lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư.
. Nhưng ông có cho rằng các công ty Nhật buộc phải “nhập gia tùy tục” không? Quan trọng hơn, việc xử lý hành vi đưa, nhận hối lộ có yếu tố nước ngoài của ta đang có kẽ hở?
+ Cần nhìn nhận vấn đề trách nhiệm từ hai phía. Thứ nhất, bản thân các công ty nước ngoài phải chủ động tìm hiểu quy định của pháp luật Việt về việc này để có ứng xử phù hợp. Thứ hai, người ta hay nói “nhập gia tùy tục” cũng có lý của họ. Khảo sát PAPI những năm qua cho thấy DN vẫn phải có chi phí “bôi trơn”.
Đúng là các bạn nước ngoài vào Việt Nam cũng phải “nhìn trước, ngó sau”, “nhập gia tùy tục”. Họ có nhu cầu muốn hiểu Việt Nam để làm sao có ứng xử đúng, phù hợp với văn hóa của người Việt nhưng phải làm sao tránh việc núp dưới vỏ bọc văn hóa để tìm cách quà cáp hối lộ. Nhiều DN hỏi chúng tôi họ muốn mời quan chức đi ăn cơm, lễ tết muốn biếu chai rượu có được không... Những điều này pháp luật đã quy định rõ ràng, ngoài ra còn có hệ thống các quy tắc ứng xử. Ví dụ, việc tặng quà phải được công khai, quà tặng riêng cá nhân thì giá trị tối đa thế nào, vượt quá giá trị đó phải xử lý ra sao...
Xử lý vấn đề đưa, nhận hối lộ có yếu tố nước ngoài không quá khó, bởi pháp luật của ta đều có quy định. Chúng ta đã tham gia công ước của Liên Hợp Quốc về phòng, chống tham nhũng và nội luật hóa nhiều quy định của công ước.
Đương nhiên, các biện pháp càng có nhiều thì hành vi diễn ra cũng ngày càng tinh vi hơn. Nhưng chúng ta hiện đã làm tốt hơn rất nhiều và hoàn toàn xử lý được hành vi này.
. Xin cám ơn ông.
Một số vụ đưa, nhận hối lộ có yếu tố nước ngoài - Năm 2010: Vụ ông Huỳnh Ngọc Sĩ nhận hối lộ 262.000 USD của quan chức PCI (Nhật) liên quan việc đấu thầu các gói hợp đồng của dự án đại lộ Đông - Tây. - Năm 2014: Vụ Công ty JTC (Nhật) “lại quả” 80 triệu yen cho một số công chức Việt Nam để nhận được hợp đồng cho các dự án ODA. - Năm 2014: Nghi án Công ty Bio-Rad (Mỹ) hối lộ ngành y tế Việt Nam 2,2 triệu USD, tuy nhiên đến nay vụ việc này vẫn chỉ là nghi án. |