Hội nghị đặc biệt Mỹ - ASEAN: Mở rộng sự gắn kết

(PLO)- Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ - ASEAN diễn ra trong bối cảnh Mỹ tìm cách tăng cường hợp tác với ASEAN và hỗ trợ khả năng phục hồi của khối khi khu vực phải đối phó với những cú sốc toàn cầu - như biến đổi khí hậu và COVID-19.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong hai ngày 12 và 13-5 (giờ địa phương) tại Mỹ diễn ra Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ - ASEAN. Đây là kỳ hội nghị thượng đỉnh đặc biệt lần thứ hai của các nhà lãnh đạo Mỹ - ASEAN kể từ hội nghị đầu tiên năm 2016 tại bang California khi ông Barack Obama làm tổng thống Mỹ.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen (trái) tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính tại thủ đô Washington D.C. (Mỹ) ngày 11-5. Ảnh: VNA

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen (trái) tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính tại thủ đô Washington D.C. (Mỹ) ngày 11-5. Ảnh: VNA

Bàn nhiều vấn đề sát sườn

Viện Hòa bình Mỹ (USIP - một tổ chức liên bang của Mỹ có nhiệm vụ thúc đẩy giải quyết và ngăn chặn xung đột trên toàn thế giới, nghiên cứu, phân tích và đào tạo về ngoại giao, hòa giải và các biện pháp xây dựng hòa bình) ngày 11-5 đã chia sẻ thông tin về lịch trình kỳ hội nghị.

Ngày 12-5 (giờ địa phương) sẽ diễn ra cuộc gặp giữa các lãnh đạo ASEAN với Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và các nghị sĩ Mỹ cấp cao cả hai đảng, với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ, hội đàm với Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo. Tối 12-5, các lãnh đạo ASEAN sẽ dự tiệc cùng Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Ngày 13-5 (giờ địa phương) tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ, các lãnh đạo ASEAN sẽ hội đàm với Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Kỳ hội nghị sẽ kết thúc sau phiên họp toàn thể giữa các lãnh đạo ASEAN với Tổng thống Joe Biden.

Theo thông tin từ báo South China Morning Post thì Tổng thống Joe Biden sẽ gặp riêng từng lãnh đạo ASEAN.

Ngày 11-5, Viện Hòa bình Mỹ đã tổ chức một cuộc trò chuyện với ông Kurt Campbell, Điều phối viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AĐD-TBD), về các chủ đề dự kiến phía Mỹ sẽ bàn đến trong hội nghị với phía ASEAN, các mục tiêu của hội nghị thượng đỉnh đặc biệt này và các cơ hội hợp tác chặt chẽ hơn giữa Mỹ với ASEAN.

Nội dung thảo luận tại hội nghị tập trung vào hợp tác hàng hải, khắc phục đại dịch, thương mại, cơ sở hạ tầng, khả năng chống chịu của chuỗi cung ứng, biến đổi khí hậu và tính bền vững. Các thách thức khí hậu cộng hưởng mạnh mẽ ở Đông Nam Á, một khu vực hàng hải đặc biệt dễ bị tổn thương do mực nước biển dâng cao và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.

Kỳ hội nghị này không chỉ là cơ hội để các lãnh đạo ASEAN gặp trực tiếp Tổng thống Mỹ Joe Biden mà cả gặp trực tiếp lẫn nhau - một việc không dễ thực hiện trong bối cảnh đại dịch.

Người phát ngôn chính phủ Thái Lan
THANAKORN WANGBOONKONGCHANA

Tăng cường hợp tác

Hội nghị thượng đỉnh diễn ra sau khi Nhà Trắng công bố chiến lược AĐD-TBD, trong đó nhấn mạnh sự ủng hộ của Mỹ đối với một ASEAN mạnh mẽ và độc lập, đóng vai trò trung tâm trong các vấn đề khu vực, theo Viện Hòa bình Mỹ. Mỹ cũng đang tìm cách tăng cường hợp tác với ASEAN, hỗ trợ khả năng phục hồi của khối, trong bối cảnh khu vực đang phải đối phó với những cú sốc toàn cầu - như biến đổi khí hậu và COVID-19 - và một số vấn đề địa chính trị.

Ông Campbell cho biết tại kỳ hội nghị này, Tổng thống Joe Biden hy vọng có thể chuyển tải đến các lãnh đạo ASEAN rõ ràng hơn mong muốn của Mỹ cam kết mở rộng sự gắn kết với các nước ASEAN.

Ông Campbell lưu ý rằng “trước đây, quan hệ với ASEAN do các chuyên gia, các nhóm nhỏ từ Bộ Ngoại giao, USAID (Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ) và có lẽ một số cơ quan khác quản lý và gắn kết”. Song “những gì chúng tôi đã cố gắng làm cho kỳ hội nghị này là mở rộng ra toàn thể chính phủ Mỹ, mọi quan chức lớn đều tham gia vào các sự kiện và các cuộc gặp mặt”, ông Campbell chia sẻ khi trao đổi với Viện Hòa bình Mỹ.

Trong khi đó, báo Nation Thailand dẫn lời người phát ngôn chính phủ Thái Lan Thanakorn Wangboonkongchana cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh trực tiếp này cho phép các nhà lãnh đạo ASEAN và Mỹ trao đổi quan điểm về nhiều vấn đề khác nhau để thực hiện định hướng của mối quan hệ giữa ASEAN và Mỹ trong tương lai. Kỳ hội nghị này sẽ “thúc đẩy hợp tác về phục hồi sau COVID-19 và tăng trưởng bền vững ở ASEAN, cũng như thúc đẩy vai trò sáng tạo của Mỹ trong khu vực”, theo ông Thanakorn.•

Triển vọng các nước ASEAN tham gia IPEF

Trao đổi với Viện Hòa bình Mỹ ngày 11-5, ông Kurt Campbell, Điều phối viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ tại AĐD-TBD, cho biết sau kỳ hội nghị này một số nước ASEAN có thể sẽ ký kết vào Khuôn khổ kinh tế AĐD-TBD (IPEF).

Sáng kiến IPEF được chính Tổng thống Joe Biden giới thiệu vào tháng 10-2021 và có thể được chính thức đưa ra trong tháng này nhằm khuyến khích hợp tác giữa Mỹ và khu vực trong các lĩnh vực: Thương mại, chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng, các nỗ lực khử carbon và chống tham nhũng.

Tại hội nghị ASEAN - Mỹ được tổ chức vào tháng 10-2021, Tổng thống Joe Biden đã công bố các sáng kiến trị giá 102 triệu USD nhằm hỗ trợ khu vực khôi phục sau đại dịch, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, kích thích tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy bình đẳng giới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm