Ngày 23-9 (giờ địa phương), hội nghị thượng đỉnh LHQ về biến đổi khí hậu đã khai mạc tại TP New York (Mỹ). Hội nghị do Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon chủ trì.
Hơn 120 nguyên thủ quốc gia cùng các nhà lãnh đạo các doanh nghiệp, tổ chức tài chính và xã hội dân sự tham dự hội nghị.
Theo trang web của LHQ, mục đích của hội nghị nhằm kêu gọi nguồn lực và hành động để giảm khí thải nhà kính, củng cố khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và tập hợp ý chí chính trị cho mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 2°C vào cuối thế kỷ này so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Điểm nhấn của hội nghị là một số nước có lượng khí thải nhà kính cao tuyên bố chương trình hành động riêng để cắt giảm khí thải CO2.
Trung Quốc dự kiến sẽ đưa ra lộ trình cắt giảm khí thải từ năm 2020. Ấn Độ sẽ công bố một số biện pháp như thúc đẩy sử dụng công nghệ xanh và phát triển năng lượng tái tạo.
Cảnh sát bắt giữ người biểu tình phản đối các công ty gây thương tổn môi trường ở phố Wall Street tại New York (Mỹ) ngày 22-9. Ảnh: REUTERS
Báo Christian Science Monitor (Mỹ) nhận định hội nghị lần này ít có cơ hội mang lại kết quả khả quan ngoài những phát biểu hùng hồn cảnh báo.
Lý do: Các nước phát triển và đang phát triển vẫn còn tranh cãi nước nào chịu trách nhiệm chính gây ra hiệu ứng nhà kính và nước nào phải chi trả cho các biện pháp chống biến đổi khí hậu.
Bài viết ghi nhận Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước có mức khí thải nhà kính đứng thứ nhất và thứ ba thế giới nhưng chỉ cử các quan chức cấp thấp hơn nguyên thủ đến New York là Phó Thủ tướng Trương Cao Lệ (Trung Quốc) và Bộ trưởng Môi trường và Rừng Prakash Javadekar (Ấn Độ).
Nhiều nguyên thủ các nước quan trọng khác cũng vắng mặt như Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Úc Tony Abbott và Thủ tướng Canada Stephen Harper.
Bài viết nhận định động thái né tránh hội nghị của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phản ánh lập trường của Ấn Độ rằng thế giới không cần sáng kiến mới về biến đổi khí hậu như hội nghị này mà cần phải hành động nhiều hơn nữa để thực hiện Nghị định thư Kyoto, trong đó yêu cầu các nước phát triển phải thực hiện các biện pháp cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Báo Washington Post (Mỹ) nhận định trong bối cảnh có nhiều khách quý tham dự hội nghị, sự vắng mặt của các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Ấn Độ được hiểu là thái độ lạnh nhạt.
Đối với Trung Quốc, bài viết cho rằng rất khó xác định lập trường rõ ràng về chính sách biến đổi khí hậu.
Chủ tịch Tập Cận Bình từng nhấn mạnh Trung Quốc phải làm nhiều hơn nữa để chống lại hiện tượng Trái đất nóng dần lên nhưng đến nay Trung Quốc vẫn không đưa ra mục tiêu mới về cắt giảm khí thải nhà kính.
Thay vì thế, gần đây Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Trung Quốc sẽ tìm kiếm các con đường bền vững để phát triển kinh tế và chống biến đổi khí hậu phù hợp với tình hình thực tế Trung Quốc.
LÊ LINH
Ngày 22-9, tổ chức Dự án Carbon toàn cầu (có hai văn phòng chính ở Úc và Nhật) công bố báo cáo cho biết lượng khí thải CO2 toàn cầu tăng lên mức kỷ lục hơn 36 tỉ tấn trong năm 2013. Ba nước dẫn đầu lần lượt là Trung Quốc (10 tỉ tấn), Mỹ (5,2 tỉ tấn) và Ấn Độ (2,4 tỉ tấn). Báo cáo dự báo khí thải CO2 toàn cầu sẽ tăng 2,5% trong năm 2014 lên mức hơn 40 tỉ tấn. 100 tỉ USD cho Quỹ Khí hậu xanh nhằm hỗ trợ các nước kém phát triển ứng phó tác động của biến đổi khí hậu. Ấn Độ mong muốn các nước phát triển phải thực hiện cam kết nêu trên. _________________________________ Tôi hoàn toàn bị sốc và rất thất vọng khi nghe tin Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi không dự hội nghị biến đổi khí hậu do Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon chủ trì. Ngoại trưởng đảo quốc Marshall TONY DE BRUM |