Hội nghị thượng đỉnh G20 đóng vai trò gì đối với các cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện tại?

(PLO)- Trong khi hội nghị thượng đỉnh G20 đóng vai trò quan trọng đối với các cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện tại, việc đạt đồng thuận cũng là một thách thức lớn mà hội nghị lần này phải vượt qua.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phát biểu trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Gutteres kêu gọi nhóm ủng hộ các sáng kiến giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, khủng hoảng lương thực và năng lượng trên toàn thế giới cũng như chuyển đổi số, theo trang UN News.

Ông nói rằng Hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào “thời điểm quan trọng nhất, bấp bênh nhất trong nhiều năm qua”.

“Điểm khởi đầu” cho mọi giải pháp

Sự chia rẽ về địa chính trị đang châm ngòi cho những xung đột mới và khiến những xung đột cũ trở nên khó giải quyết, trong khi “người dân ở mọi nơi đang bị ảnh hưởng từ mọi hướng” do biến đổi khí hậu và chi phí sinh hoạt gia tăng.

Ông Gutteres nói rằng G20 là nền tảng để hàn gắn sự chia rẽ và tìm ra câu trả lời cho những cuộc khủng hoảng hiện nay trên thế giới. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu là “thách thức xác định của thời đại chúng ta”, ông lưu ý các nước nhóm G20 tạo ra 80% tổng lượng khí thải toàn cầu.

Ông đã đề xuất tạo ra một Hiệp ước Đoàn kết Khí hậu, tập hợp các nền kinh tế phát triển và mới nổi để kết hợp các nguồn lực nhằm mang lại lợi ích cho người dân toàn thế giới.

Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Indonesia trong 2 ngày 15 và 16-11. Ảnh: REUTERS

Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Indonesia trong 2 ngày 15 và 16-11. Ảnh: REUTERS

Ông cho biết thông qua hiệp ước, các quốc gia giàu và các tổ chức tài chính quốc tế sẽ cung cấp vốn và hỗ trợ kỹ thuật để giúp các nền kinh tế mới nổi đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Thỏa thuận này sẽ giúp chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch đồng thời cung cấp năng lượng với giá cả phải chăng và bền vững cho tất cả mọi người.

“Các nhà lãnh đạo G20 có thể thực hiện hoặc phá vỡ Hiệp ước Đoàn kết Khí hậu mà tôi dự định sẽ trình bày lại vào ngày 15-11. Theo hiệp ước này, họ sẽ nỗ lực hơn nữa trong thập kỷ này để duy trì giới hạn 1,5 độ C” - ông Guterres nói, đề cập đến mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu.

Ông Gutteres cũng kêu gọi các nền kinh tế G20 hỗ trợ nhiều hơn cho các nước kém phát triển, đặc biệt là về các khoản đầu tư và thanh khoản, giảm và tái cơ cấu nợ. Ông cũng lưu ý rằng phần lớn các quốc gia G20 nằm trong hội đồng quản trị của các ngân hàng phát triển đa phương và “vì vậy họ có thể và phải biến điều đó thành hiện thực”.

Tổng thư ký cũng sẽ sử dụng Hội nghị thượng đỉnh để nêu bật cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng do cuộc chiến ở Ukraine gây ra. Trọng tâm sẽ là nhu cầu hành động khẩn cấp để ngăn chặn nạn đói và nạn đói đang gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới. Theo UN News, G20 cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng.

Tồn tại thách thức nan giải

Theo tờ DW, việc đưa ra một thông cáo chung cho nhóm G20 là khá khó, do hiện nội bộ nhóm có sự chia rẽ, chẳng hạn như phe G7 và nhóm các nước không liên kết như Ấn Độ và Nam Phi - vốn chọn con đường tương đối trung lập giữa phương Tây, Trung Quốc và Nga.

Với nhiệm kỳ Chủ tịch G20 năm nay, Jakarta đang gặp khó trong việc đưa ra một thông cáo chính thức về các vấn đề ưu tiên, chẳng hạn như chuyển đổi năng lượng và khí hậu, vì "sự khác biệt giữa các quốc gia". Ngay cả việc khiến các thành viên đồng thuận về các vấn đề như an ninh lương thực và năng lượng cũng là một thách thức.

Ở một diễn biến khác, ông Josh Lipsky - Giám đốc cấp cao của Trung tâm Địa kinh tế của Hội đồng Đại Tây Dương nhận định rằng: "Thách thức thực sự đối với G20 không phải là có thể đi đến bất kỳ thỏa thuận cụ thể nào về bất kỳ vấn đề nào hay không, bởi vì tôi không nghĩ rằng họ sẽ đạt được đồng thuận, mà thách thức là liệu nhóm này có thể tiếp tục hoạt động hay không".

“Nếu nhóm không thể đoàn kết và hoạt động vào thời điểm khó khăn đang chồng chất đối với cả các nền kinh tế tiên tiến, thị trường mới nổi, các nước có thu nhập thấp, thì dễ dẫn đến hoài nghi về tính hiệu quả của nhóm. Vì vậy, thách thức đối với G20 là chứng minh rằng nhóm vẫn đóng vai trò lớn đối với tình hình hiện nay” - ông nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm