Hồi sinh các dự án “đắp chiếu”

Những ngày gần đây, nếu có dịp đi tới vòng xoay ngã 6 Dân chủ hướng về phía đường Cách Mạng Tháng 8, người đi đường dễ bắt gặp một dự án phức hợp đang được khởi động trở lại khá nhộn nhịp sau gần 2 năm nằm đắp chiếu.

Đó là dự án Viettel Complex của Tập đoàn Viễn thông Quân Đội (Viettel) với quy mô đầu tư hàng ngàn tỉ đồng. Dự án gồm trụ sở điều hành của Viettel, trung tâm thương mại và khách sạn cao cấp có tổng diện tích sàn xây dựng hơn 41.000 m2.

Dự án PetroVietnam Landmark ở quận 2 - Ảnh: plo.vn

Trước khi dừng xây dựng, dự án (nhà thầu chính là CotecCons và Cofico) gần như hoàn thiện được 70-80% tiến độ với các tòa tháp được cất nóc.

Kế bên dự án này và nằm trên trục đường 3-2, một dự án “khủng” khác cũng được khởi động trở lại. Đó là Centrosa Garden của chủ đầu tư Hà Đô.

Dự án ra mắt thị trường vào năm 2012 với quy mô lên đến 6,8 ha trên mảnh đất cũ của nhà máy Z756. Centrosa Garden gồm các phân khu nhà biệt thự, nhà liền kề, căn hộ, trung tâm thương mại.

Tổng vốn đầu tư lúc công bố lên đến 5.000 tỉ đồng nhưng do một số trục trặc ở khâu chuẩn bị nên sau 4 năm, dự án mới hoàn thành ngôi nhà mẫu và bắt đầu tung sản phẩm bán ra thị trường vào đầu năm nay.

Tại quận 2, một dự án cao cấp bị chậm tiến độ và vướng vào kiện tụng là PetroVietnam Landmark sau nhiều năm nằm trơ trọi giữa đồng hoang vắng đã được chủ đầu tư rào lại cẩn thận, kèm theo những bảng hiệu thông tin chi tiết hơn về dự án.

Đây là các dấu hiệu cho thấy dự án có thể sẽ sớm tái khởi công. Hay tại trung tâm quận 1, dự án Lavenue Crown sở hữu 3 mặt tiền đường do Tập đoàn Kido làm chủ đầu tư cũng dự kiến sẽ bắt đầu xây dựng vào cuối năm nay sau nhiều năm chỉ là bãi giữ xe.

Nhìn chung, đà phục hồi của thị trường bất động sản kể từ năm 2015 đã mang đến cơ hội “làm lại cuộc đời” cho các dự án. Những người lỡ trót tiền đặt mua dự án sẽ có cơ hội sở hữu căn hộ, ngân hàng có thể thu hồi được nợ vay, bộ mặt địa ốc Thành phố sẽ được cải thiện. Nhưng khả năng vực dậy thành công các dự án này tới đâu?

Trả lời câu hỏi này không phải dễ. Một số dự án đã dính tai tiếng pháp lý, uy tín chủ đầu tư hay chất lượng xuống cấp sau nhiều năm phơi mình với sương gió sẽ rất khó giành lại mối quan tâm của người mua nếu chủ đầu tư không đưa ra các chính sách bán hàng, khuyến mãi hấp dẫn cũng như điều chỉnh lại thiết kế để phù hợp với túi tiền người dân.

Bên cạnh đó, không phải ngân hàng nào cũng chịu rót vốn tiếp vào các dự án này bởi trong trường hợp xấu, các khoản vốn mới có thể sẽ không thu hồi được, nếu dự án không may gặp rủi ro.

Mặt khác, nguồn cung sản phẩm trên thị trường hiện rất lớn, mang lại sự lựa chọn đa dạng cho người mua cũng ảnh hưởng phần nào đến khả năng cạnh tranh của dự án cũ.

Trong tình huống đó, có lẽ việc tham gia của các nhân tố mới là điều quan trọng. Thời gian qua, thị trường đã chứng kiến một số dự án cũ đã được tái khởi động thành công nhờ chuyển giao cho chủ sở hữu mới có tiềm lực mạnh hơn.

Dự án EverRich 2 của Phát Đạt, chẳng hạn, sau nhiều năm lận đận đã được chuyển giao cho các đối tác mới đến từ An Gia và Quỹ đầu tư Creed Group (Nhật).

Nhờ đó, Phát Đạt có thể thu hồi được khoảng 4.000 tỉ đồng đã rót vào dự án này, trong khi một phần hình hài của dự án với tên gọi mới River City đã thấy rõ ràng hơn khi đứng trên cầu Phú Mỹ (quận 7).

Hay sau khi được chuyển giao cho Hưng Thịnh từ chủ đầu tư cũ là Công ty Đầu tư và Xây dựng Cấp thoát nước (Waseco), dự án với tên gọi mới Sky Center đã được đẩy nhanh tiến độ xây dựng sau nhiều năm giậm chân tại chỗ, bất chấp chủ đầu tư cũ đã 2 lần tái khởi động.

Mọi ý kiến đóng góp vui lòng gởi về địa chỉ email: batdongsanplo@gmail.com hoặc hotline: 0996 166177.

Theo NGUYỄN SƠN (Nhịp Cầu Đầu Tư)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới