Hội thảo quốc tế về Hoàng Sa-Trường Sa: Đại biểu người Trung Quốc không tham dự

 Thông báo với phóng viên trong nước và quốc tế, ông Trần Văn Nam (Giám đốc Đại học Đà Nẵng) cho biết đây là lần thứ hai hội thảo quốc tế này diễn ra. Theo đó, hội thảo sẽ được tổ chức vào ngày mai 20-6 theo hai phiên.

Phiên thứ nhất “Sự thật tranh chấp tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và những tác động đối với hòa bình, an ninh khu vực”. Phiền này gồm các nội dung chính như: tranh chấp Hoàng Sa - Vấn đề địa chính trị và vai trò của luật pháp quốc tế trong việc thúc đẩy hợp tác; Thủ đoạn “ngư phủ - tàu lạ” của Trung Quốc sử dụng để lấn dần từng bước, rồi thực hiện một cuộc “tiểu chiến tranh” cướp đoạt quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam - qua tư liệu lưu trữ của chính quyền VNCH 1954-1975); Câu chuyện về đường 9 đoạn: Quá khứ, hiện tại và tương lai; Sự ép buộc được điều chỉnh tăng lên ở Biển Đông; Giải pháp cho đụng độ ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bị những tính toán chiến lược của Trung Quốc ngăn trở: Triển vọng; Sự giao thoa: Châu Âu và những cuộc xung đột ở Biển Đông - Vấn đề và Kiến nghị.

Phiên thứ hai : “Triển vọng giải quyết tranh chấp Hoàng Sa - Trường Sa trên cơ sở luật pháp quốc tế” với các nội dung : Thư tịch và bản đồ cổ phương Tây chứng mình chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa; Chủ quyền lịch sử của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (các tài liệu từ thế kỷ XIX); Bộ Atlas thế giới của Philippe Vandermaelen và vấn đề chủ quyền trên quần đảo giữa Biển Đông; Đà Nẵng trong quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa; Hoàng Sa: Bàn đạp trong chiến lược bành trướng biển Đông Nam Á; Tính hợp pháp và sức mạnh của yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông…

Ông Trần Văn Nam (Giám đốc Đại học Đà Nẵng) và ông Phạm Đăng Phước (Hiệu trưởng trường ĐH Phạm Văn Đồng) phát biểu tại buổi họp báo. LÊ PHI. 

Ngoài ra, các học giả còn tham gia triển lãm “Hoàng Sa - Trường Sa: Phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam. Đặc biệt, các học giả quốc tế sẽ có buổi tọa đàm về vụ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 tại Hoàng Sa. Các học giả cũng sẽ được gặp gỡ, phỏng vấn thuyền viên, chủ tàu cá Đna 90152 bị tàu Trung Quốc đâm chìm trên vùng biển Hoàng Sa vào chiều 26-5.

Ông Trần Văn Nam cho hay: “Hội thảo này đã từng được tổ chức vào năm 2013 và đã tạo được tiếng vang lớn. Hội thảo lần này sẽ có 19 đại biểu nước ngoài tham dự, trong đó có nhiều học giả nổi tiếng. Trong quá trình tổ chức không có đại biểu người Trung Quốc tham dự. Đây là vấn đề học thuật nên ai đăng ký sẽ được tham gia”.        

Ông Phạm Đăng Phước, Hiệu trưởng trường ĐH Phạm Văn Đồng cũng cho biết: “Đại biểu quốc tế rất quan tâm tới hội thảo. Năm nay số lượng học giả đông hơn năm trước, một phần vì đang có sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển của Việt Nam. Đây là những học giả quan tâm tới vấn đề biển Đông, có công trình nghiên cứu nên được mời tham gia hội thảo”.  

LÊ PHI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm