Nêu ý kiến tại hội thảo, TS Nguyễn Như Hà (Khoa Luật, ĐHQG Hà Nội) cho rằng Hoàng Sa, Trường Sa là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam, điều này đã được khẳng định thông qua các chứng cứ lịch sử cũng như qua việc thực hiện chủ quyền một cách liên tục và thực sự trong nhiều thế kỷ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, hai quần đảo lại trở thành tâm điểm của các cuộc tranh chấp vô cùng phức tạp.
TS Hà nhìn nhận, sự phát triển của Luật biển quốc tế đem lại nhiều lợi ích cho quốc gia ven biển nhưng cũng làm nảy sinh vấn đề phân định vùng biển và thềm lục địa giữa các quốc gia có vùng biển chồng lấn.
Luật biển mới làm tăng thêm giá trị địa chiến lược của hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa đối với các bên tranh chấp, với cộng đồng quốc tế cũng như khu vực. Mục tiêu của cuộc tranh chấp hiện nay không chỉ là các hòn đảo chính mà còn là các vùng biển rộng lớn bao quanh chúng, với tính toán kiểm soát không gian biển và sở hữu các nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú.
Các đại biểu tham gia hội thảo.
Nói về việc sử dụng vũ lực trên biển Đông dưới góc nhìn Luật biển quốc tế, bà Trần Thị Kim Nguyên (Học viên Cao học Luật biển và Quản lý biển, ĐHQG Hà Nội) cho rằng Luật biển quốc tế hiện đại ra đời chia không gian biển thành nhiều vùng biển có quy chế pháp lý khác nhau. Điều này đưa đến khả năng sử dụng vũ lực khi các quốc gia ven biển thực thi pháp luật đối với hoạt động của quốc gia khác trong vùng biển thuộc quyền tài phán của mình. Tuy nhiên, vấn đề sử dụng vũ lực trên biển lại chưa được điều chỉnh một cách chặt chẽ mà mới chỉ thông qua các nguyên tắc chung nhất là “sử dụng biển vì mục đích hòa bình”....