Hôm qua (18-10), hãng CNN dẫn lời lực lượng không quân Thái Bình Dương của Mỹ cho biết hai “pháo đài bay” B-52 đã đến gần các vùng biển tranh chấp ở biển Đông vào thứ Tư. Động thái này diễn ra khi quan hệ Mỹ-Trung Quốc (TQ) đang trong giai đoạn căng thẳng nhất trong vòng hàng chục năm qua, nhất là khi cuộc chiến thương mại đã lún sâu và kéo theo căng thẳng trong lĩnh vực ngoại giao, an ninh-quốc phòng.
B-52 ngày càng thường xuyên đến biển Đông
Theo thông báo của phía Mỹ, hai chiến đấu cơ B-52H có cơ sở tại Guam đã “tham gia nhiệm vụ huấn luyện thường xuyên ở vùng lân cận biển Đông” và là một phần trong chuỗi hoạt động hiện diện liên tục của máy bay ném bom chiến lược quân sự được Mỹ thực hiện tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương từ năm 2004. Lầu Năm Góc hiện chưa xác nhận các máy bay này hoạt động ở khu vực nào và tiếp cận thực thể nào tại biển Đông.
Lực lượng không quân Thái Bình Dương của Mỹ nói với CNN: Các hoạt động bay của B-52 hoàn toàn “phù hợp với luật quốc tế và cam kết lâu dài của Mỹ với khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở”. Hôm 25-9, quân đội Mỹ cũng điều máy bay ném bom B-52 tới gần biển Đông. Trung tá Dave Eastburn, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, xác nhận máy bay ném bom B-52 đã bay ngang biển Đông như một phần trong “các hoạt động được lên lịch thường xuyên và được thiết kế để nâng cao khả năng vận hành qua lại với các đối tác và đồng minh của chúng tôi trong khu vực”.
Trước đó chỉ vài ngày, Business Insider dẫn thông tin từ bộ phận thông tin Lực lượng không quân Mỹ tại Thái Bình Dương cho biết một máy bay B-52 đã tham gia cuộc huấn luyện tại biển Đông và Ấn Độ Dương. Giới quan sát nhận định Mỹ ngày càng thực hiện dày đặc các hoạt động bay của B-52 tại biển Đông, nhất là nhằm vào các vùng biển tranh chấp, bị TQ chiếm giữ, cải tạo bất hợp pháp. Trung tá Dave Eastburn vào tháng trước đã khẳng định: “Quân đội Mỹ sẽ tiếp tục hiện diện và hoạt động tại bất cứ khu vực và bất cứ thời điểm nào mà luật pháp quốc tế cho phép”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis (phải) gặp người đồng cấp Trung Quốc tại Bắc Kinh hồi tháng 7-2018. Ảnh: REUTERS
“Nắn gân” Bắc Kinh
Trợ lý bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách vấn đề an ninh châu Á-Thái Bình Dương Randall Schriver vào tháng trước phát biểu trước báo chí: “Người TQ đã quân sự hóa thành công một số tiền đồn, hành vi của họ ngày càng mạnh bạo và chúng tôi đang cố gắng có ứng phó phù hợp”. Tại Đối thoại Shangri La ở Singapore hồi tháng 6-2018, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis phát biểu nhằm vào Bắc Kinh: “Chính sách tại biển Đông của TQ trái ngược hoàn toàn với chiến lược mang tính cởi mở của Mỹ, điều này khiến chúng tôi hoài nghi về các mục tiêu lớn mà TQ theo đuổi. Mỹ sẽ tiếp tục theo đuổi mối quan hệ mang tính xây dựng, đem lại kết quả tốt với TQ, hợp tác nếu có thể và cạnh tranh quyết liệt nếu không có lựa chọn”.
TQ đã quân sự hóa thành công một số thực thể ở biển Đông và hành vi của họ ngày càng hung hăng, chúng tôi đang cố đáp trả một cách phù hợp. Ông RANDALL G. SCHRIVER, trợ lý bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đặc trách các vấn đề an ninh châu Á-Thái Bình Dương |
Ông Mattis phản đối việc TQ quân sự hóa biển Đông, bao gồm các hoạt động quân sự vi phạm luật quốc tế. Điển hình là việc triển khai tên lửa tầm xa, diễn tập cất-hạ cánh máy bay ném bom H-6K trên các thực thể ở hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) do Bắc Kinh dùng bạo lực chiếm giữ, bồi lấp phi pháp và tạo thành đảo nhân tạo với các cơ sở quân sự-dân sự kết hợp, đe dọa an ninh khu vực và tự do hàng hải.
Khoảng hai tuần trước (14-10), Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tiếp tục nhằm vào TQ trong một bài phát biểu tại Viện nghiên cứu Hudson ở Washington. Ông Pence nhấn mạnh Mỹ sẽ không lùi bước, không để bị hăm dọa trước những hành động được Mỹ ví là “trò bắt nạt” của chính quyền Bắc Kinh dựng nên ở biển Đông. “Hải quân Mỹ sẽ vẫn tiếp tục hoạt động tại biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế” - ông Pence nói.
Hơn một tuần sau khi ông Pence đăng đàn chỉ trích TQ, Mỹ tuyên bố sẽ “trong tâm thế từ chối” các đề nghị chuyển giao công nghệ hạt nhân của Mỹ với TQ. Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry nói: “Mỹ không thể phớt lờ các tác động đến an ninh quốc gia trước khả năng TQ có thể sử dụng công nghệ hạt nhân cho mục đích bên ngoài các lĩnh vực đã ký kết trong thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự với Mỹ”. Phía Mỹ khẳng định Washington biết rõ Bắc Kinh đang sẵn sàng sử dụng năng lượng hạt nhân trên các thực thể đã bị TQ chiếm giữ, bồi lấp, xây dựng trái phép thành các đảo nhân tạo ở biển Đông. “Chúng tôi biết rằng TQ đang phát triển các cơ sở năng lượng để phục vụ các đảo này và cho các tàu phá băng chạy bằng điện hạt nhân, đồng thời đưa các nhà máy năng lượng hạt nhân nổi ra biển để có thể triển khai bất kỳ phương tiện nào thích hợp” - một quan chức Mỹ khẳng định.
Hãng CNN mới đây cũng dẫn lời quan chức cao cấp Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết hải quân nước này đang triển khai các kế hoạch phô diễn sức mạnh tại các vùng biển ở biển Đông, eo biển Đài Loan và có thể mở rộng đến bờ Tây của Nam Mỹ nhằm đối trọng TQ.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ-Trung Quốc gặp nhau Thông tin về máy bay ném bom B-52 đến biển Đông diễn ra khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đang công du châu Á. Lầu Năm Góc xác nhận Bộ trưởng Mattis và người đồng cấp TQ sẽ gặp nhau, sau khi cuộc gặp này bị TQ đơn phương hủy vào cuối tháng trước vì Washington áp lệnh trừng phạt đối với Cục Phát triển thiết bị (EDD) thuộc Bộ Quốc phòng TQ và người đứng đầu cơ quan này vì mua 10 chiếc Sukhoi Su-35 vào tháng 11-2017 cùng các thiết bị liên quan hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga vào tháng 1-2018, khi Nga đang là đối tượng bị Mỹ áp đặt lệnh cấm vận. |