Hôm nay: Tiêm vaccine COVID-19 cho người dân

Sau hơn một tuần tiếp nhận vaccine, triển khai tập huấn tiêm chủng, hôm nay, 8-3, một số đơn vị trong tuyến đầu chống dịch, vùng dịch Hải Dương sẽ thực hiện tiêm những mũi vaccine COVID-19 đầu tiên.
Một buổi chỉ được tiêm 100 liều
Theo thông tin từ Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới Trung ương Cơ sở 2, sáng 8-3 sẽ có khoảng 100 nhân viên được tiêm vaccine COVID-19, công tác tiêm được tiến hành trong khung giờ 8-9 giờ sáng, dưới sự giám sát của Bộ Y tế.
Tất cả người trong danh sách được tiêm sẽ được kiểm tra sức khỏe, sàng lọc, trả lời câu hỏi. Theo phân bổ vaccine của Bộ Y tế, đơn vị BV Bệnh nhiệt đới Trung ương Cơ sở 2 nhận 500 liều.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn (bìa phải) kiểm tra công tác chuẩn bị tiêm vaccine COVID-19 tại Bv Bệnh nhiệt đới TP.HCM vào chiều 7-3.
Ảnh: KHÔI NGUYỄN

Chiều 7-3, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã đến BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM để kiểm tra công tác chuẩn bị triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Thứ trưởng Trường Sơn đánh giá công tác chuẩn bị đã được BV thực hiện rất chặt chẽ để đảm bảo quá trình triển khai tiêm chủng được an toàn.

Ngày đầu triển khai tiêm chủng vaccine  COVID-19 cũng trùng hợp là ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 nên dự kiến những bác sĩ, nhân viên y tế nữ sẽ là những người được ưu tiên tiêm đầu tiên.
Tại đây, BS Dư Lê Thanh Xuân, Khoa cấp cứu Hồi sức tích cực chống độc người lớn, là người dự kiến được tiêm đầu tiên. Đây là nữ bác sĩ trẻ đã nhiều lần hoãn cưới với một đồng nghiệp cùng khoa để lên đường chống dịch.
BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới, cho biết vào sáng nay, 100 cán bộ, nhân viên y tế tại BV sẽ được tiêm những mũi tiêm vaccine COVID-19 trong ngày đầu tiên.
Theo BS Châu, trong vòng một tuần tiếp theo, BV sẽ triển khai tiêm cho tổng số 900 nhân viên y tế của BV. Trước khi tiêm vaccine COVID-19 lần này,  BV đã xây dựng kịch bản, tình huống và có thông tin đầy đủ cho nhân viên.
BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM được phân bổ 900 liều vaccine. Cụ thể, sẽ có bảy đối tượng của BV được tiêm đợt này, bao gồm Khoa nhiễm D; Khoa cấp cứu; Khoa khám bệnh; phòng công tác xã hội; phòng xét nghiệm sinh học phân tử; hồi sức tích cực chống độc người lớn và các trưởng, phó phòng chức năng cùng ban giám đốc BV. Thời gian tiêm được chia theo hai ca, buổi sáng và buổi chiều cùng ngày 8-3.
Địa điểm tiêm vaccine còn lại trong sáng nay là tỉnh Hải Dương. 
Cụ thể, tỉnh Hải Dương sẽ triển khai hai điểm tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở Trung tâm Y tế thành phố Hải Dương và Trung tâm Y tế huyện Kim Thành.
Dự kiến, trong đợt đầu tiên Hải Dương sẽ có khoảng 40.000 người được tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Tại mỗi đơn vị tiêm, Sở Y tế tỉnh Hải Dương chuẩn bị một tổ cấp cứu sẵn sàng cho tình huống xấu, các đơn vị phải có xe cứu thương, thuốc, phương tiện để cấp cứu, hỗ trợ các đơn vị tuyến dưới trong tình huống khẩn cấp.
Theo hướng dẫn của các chuyên gia, do đây là vaccine mới nên phản ứng sau tiêm là khó tránh khỏi. Vì vậy, mỗi điểm tiêm chỉ tiêm dưới 100 người/buổi tiêm chủng để thực hiện đầy đủ các bước khám sàng lọc, hỏi tiền sử.
Trước khi tiêm, cán bộ tiêm chủng phải trao đổi, hỏi rõ tiền sử bệnh tật xem người tiêm có mắc các bệnh nhiễm trùng cấp tính, mạn tính phải điều trị, điều trị hóa trị, miễn dịch, có tiền sử dị ứng hay sốc phản vệ.
Bộ Y tế đã phân công ba thứ trưởng chỉ đạo ba điểm tiêm này, do đây là lần đầu tiêm vacicne COVID-19 cho người lớn ở quy mô rộng.
Chuẩn bị kỹ càng cho tình huống xấu
Theo tập huấn tiêm chủng từ các chuyên gia, người được tiêm vaccine COVID-19 có thể xảy ra phản ứng trong quá trình tiêm, sau tiêm. Các cơ sở cũng chuẩn bị kỹ càng khi có tình huống xấu.
PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ, cho biết các phản ứng sau tiêm phổ biến nhất (trên 10%) là các triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, đau nóng tại vị trí tiêm ngừa, mệt mỏi, bồn chồn, sốt (phổ biến là sốt nhẹ, trên 38 độ C), ớn lạnh… Ngoài ra, có từ 1% đến dưới 10% số người tiêm có biểu hiện sưng và đỏ tại vị trí tiêm.
Ngoài ra, biến chứng nghiêm trọng như sốc phản vệ cũng có thể xảy ra. Với các trường hợp nhiễm và khỏi COVID-19 thì phải sau sáu tháng mới được tiêm vaccine.
Những trường hợp không được tiêm là những chống chỉ định của vaccine cụ thể: người dị ứng với thành phần của vaccine; có phản ứng nặng trầm trọng với mũi tiêm trước; những người được cán bộ y tế xác định chưa đủ điều kiện tiêm chủng như mắc các bệnh nhiễm trùng cấp tính, đang điều trị các miễn dịch, hóa trị... sẽ phải tạm hoãn tiêm chủng.
Bộ Y tế cũng yêu cầu cán bộ y tế các tuyến, khuyến cáo điểm tiêm chủng chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, dây chuyền lạnh bảo quản… đảm bảo yêu cầu, tuân thủ đầy đủ phác đồ phòng chống sốc cho người lớn.
Ngoài 13 địa phương được phân bổ vaccine đợt một, Bộ Y tế lưu ý các địa phương chưa được phân bổ cần tiếp tục chuẩn bị kế hoạch, lên chương trình đào tạo, tập huấn. Khi có vaccine về trong tháng 3 này, Bộ Y tế sẽ phân bổ ngay cho các địa phương.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị địa phương và cán bộ tiêm chủng thực hiện nghiêm theo đúng hướng dẫn chuyên môn của chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia và các chuyên gia, đặc biệt vấn đề chống sốc trong và sau tiêm.
“Chúng tôi coi vấn đề an toàn tiêm chủng, đảm bảo an toàn tối đa cho người dân là ưu tiên nhất trong giai đoạn hiện nay” - Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.•
13 Trung tâm kiểm soát, 21 cơ sở điều trị nhận vaccine
Theo quyết định của Bộ Y tế về việc phân bổ vaccine COVID-19 cho các địa phương, cơ sở y tế có dịch COVID-19, đợt 1 có 13 trung tâm kiểm soát bệnh tật, 21 cơ sở điều trị COVID-19 và Bộ Công an, Quốc phòng sẽ tiếp nhận 117.600 liều vaccine COVID-19.
Theo đó, 117.600 liều vaccine AstraZeneca được phân phối cụ thể như sau
Đối với 13 tỉnh có dịch:
1. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội: 8.000 
2. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Dương: 32.000 
3. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM: 8.000 
4. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh: 3.800 
5. Trung tâm Y tế dự phòng TP Hải Phòng: 2.800 
6. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh: 2.100 
7. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình: 1.600 
8. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hưng Yên: 3.100 
9. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang: 3.100 
10. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai: 1.800 
11. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Giang: 1.700 
12. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương: 1.200 
13. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Điện Biên: 1.800
14. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an: 30.000 

Các bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 
1. BV ĐH Kỹ thuật y tế Hải Dương: 300 
2. BV đa khoa tỉnh Hải Dương cơ sở 2: 500 
3. BV Bệnh nhiệt đới Trung ương Cơ sở 2: 450 
4. BV dã chiến 2 Quảng Ninh: 200 
5. BV dã chiến Gia Lai: 100 
6. BV dã chiến Củ Chi: 150 
7. BV đa khoa Tây Ninh: 400 
8. BV đa khoa Bắc Ninh: 800 
9. BV Hữu nghị Việt Tiệp cơ sở 2: 200 
10. Trung tâm Y tế TP Điện Biên Phủ: 100 
11. BV đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười: 150 
12. BV đa khoa Hồng Ngự: 350 
13. BV đa khoa tỉnh Bình Dương: 500 
14. BV Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa: 100 
15. BV Sản Nhi Quảng Ninh: 100
16. BV Phổi Đà Nẵng: 100 
17. Trung tâm Y tế huyện Long Điền (Bà Rịa-Vũng Tàu): 200 
18. BV đa khoa huyện Xín Mần (Hà Giang): 100 
19. BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM: 900 
20. Trung tâm Y tế TP Chí Linh: 100 
21. BV Bệnh nhiệt đới tỉnh Hải Dương: 100 
Hai đơn vị phân bố số lượng lớn vaccine ngừa COVID-19 là Bộ Quốc phòng và Bộ Công an. Hai đơn vị này chủ động tiếp nhận và triển khai tiêm chủng cho các đối tượng ưu tiên theo thẩm quyền quản lý; thực hiện quản lý, sử dụng vaccine hiệu quả, đúng đối tượng theo quy định và thông báo kết quả tiêm chủng về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) để tổng hợp.
Ngoài ra, 600 liều vaccine COVID-19 cũng được sử dụng để kiểm định chất lượng, lưu mẫu tại đơn vị nhập khẩu và Viện Kiểm định Quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế theo quy định.

Tiêm vaccine COVID-19: Những lưu ý về sức khỏe
Vaccine Astrazeneca ở dạng dung dịch, đóng 10 liều/lọ, mỗi liều 0,5 ml và được bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C. đây là nhiệt độ thông thường bảo quản vaccine ở nước ta hiện nay. Vaccine có hạn sử dụng sáu tháng từ ngày sản xuất, lọ vaccine đã mở chỉ được sử dụng trong vòng 6 giờ.
Mỗi người sẽ tiêm hai mũi, cách nhau 12 tuần. Vaccine này có chỉ định tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên. 
Phụ nữ có thai khuyến cáo tiêm vaccine khi lợi ích của vaccine vượt trội hơn, nguy cơ tiềm ẩn cho mẹ và thai nhi, ví dụ như đối tượng thuộc nhóm có nguy cơ phơi nhiễm cao hoặc có các bệnh đi kèm nằm trong nhóm nguy cơ cao bị mắc COVID-19 nặng. 
Đối với phụ nữ cho con bú, tiêm vaccine nếu họ thuộc nhóm đối tượng nguy cơ, không cần tạm ngưng cho con bú sau khi tiêm vaccine.
Người nhiễm HIV, suy giảm miễn dịch, tiêm vaccine nếu thuộc nhóm nguy cơ phơi nhiễm hoặc nguy cơ mắc bệnh nặng, không cần xét nghiệm HIV trước khi tiêm.
Người đang mắc COVID-19, sẽ tiêm sau sáu tháng khỏi bệnh.
Người có tiền sử điều trị trước đó bằng kháng thể kháng COVID-19, sẽ tiêm sau 90 ngày.
Người từ 65 tuổi trở lên, người có bệnh nền, cần tiêm vaccine vì đây là nhóm có nguy cơ mắc bệnh nặng.
Các trường hợp có tiền sử sốc hoặc phản ứng nặng sau lần tiêm chủng vaccine COVID-19 trước đó sẽ không tiêm liều thứ hai.
Tạm hoãn tiêm đối với các trường hợp đang mắc các bệnh cấp tính, các bệnh nhiễm trùng hay mạn tính tiến triển.
Hoãn tiêm chủng với những người đang mắc bệnh COVID-19 được xét nghiệm chẩn đoán bằng phương pháp PCR. Chỉ định tiêm sau sáu tháng khỏi bệnh.
Tiêm vaccine phòng COVID-19 tối thiểu cách 14 ngày với các vaccine phòng bệnh khác. TN

Ghi nhận thêm 3 ca mắc mới COVID-19, trong đó 1 ca ở Hải Dương

Chiều 7-3, Việt Nam ghi nhận thêm ba ca mắc mới COVID-19, trong đó một ca ghi nhận tại Hải Dương (F1 của BN 2415) và hai ca được cách ly ngay sau nhập cảnh 
tại Bắc Ninh.
Theo bản tin của Bộ Y tế về tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam, tính từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 7-3, Việt 
Nam ghi nhận ba ca mắc mới COVID-19, trong đó có 
hai ca nhập cảnh được cách ly ngay.
Tính đến nay, Việt Nam có tổng cộng 1.585 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27-1 đến nay là 892 ca.
Ba ca mắc mới (BN 2510-2512), trong đó có một ca 
ghi nhận trong nước tại Hải Dương và hai ca được cách ly ngay sau nhập cảnh tại Bắc Ninh.
Cụ thể: Tỉnh Hải Dương ghi nhận một ca bệnh tại huyện Tứ Kỳ, là F1 của BN 2415; đã được cách ly tập trung từ ngày 25-2 (BN 2512). Hiện bệnh nhân được 
cách ly, điều trị tại BV dã chiến số 3 - BV đa khoa tỉnh Hải Dương chi nhánh 2.
Hai ca bệnh được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Bắc Ninh:
Ca bệnh số 2510 (BN 2510): Nam, 30 tuổi, là chuyên gia quốc tịch Philippines.
Ca bệnh số 2511 (BN 2511): Nữ, 33 tuổi, là chuyên gia quốc tịch Philippines.
Ngày 22-2, các bệnh nhân trên từ Philippines nhập cảnh sân bay Nội Bài, đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Bắc Ninh. Kết quả xét nghiệm ngày 7-3 dương tính với SARS-CoV-2.
Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương Cơ sở Đông Anh.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 45.219, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện: 506 người; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 14.266 người; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 30.446 người.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, số ca âm tính với SARS-CoV-2 lần 1 là 65 ca; lần 2 là 57 ca; lần 3 là 137 ca. Số ca tử vong là 35 ca. Số ca điều trị khỏi là 1.920 ca. PV

Tiêu điểm
Vaccine ngừa COVID-19sử dụng đợt này là vaccine AstraZeneca, mỗi lọ đóng 10 liều, mỗi liều tương đương 0,5 ml, mỗi người tiêm hai mũi cách nhau 12 tuần. Vaccine có chỉ định tiêm cho người trên 18 tuổi.
Các trường hợp mắc bệnh cấp tính, bệnh nhiễm trùng, ho sốt tạm hoãn tiêm.

Nên làm xét nghiệm kháng thể chống lại virus COVID-19
Nên làm xét nghiệm kháng thể ở những vùng đã có dịch tại các địa phương như Đà Nẵng, Hải Dương… trước lúc tiêm vaccine. Vì nếu xét nghiệm được kháng thể thì việc xét nghiệm này có thể lọc ra được những người đã có kháng thể chống lại virus COVID-19 và họ sẽ không cần tiêm vaccine trong đợt này nữa.
Việc làm này cũng góp phần tiết kiệm được kinh phí và công sức, đặc biệt là có được vaccine để tiêm cho những người cần hơn. Cả nước gần 100 triệu dân nhưng đợt này mới có hơn 117.000 liều vaccine thì quá ít. Bên cạnh đó, việc xét nghiệm kháng thể giúp biết được vấn đề lây nhiễm trong cộng đồng và miễn dịch trong cộng đồng, từ đó sẽ chủ động chống dịch.
GS NGUYỄN ANH TRÍ, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới