Chiều 19-6, Quốc hội chính thức thông qua nghị quyết về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành với 82,08% tổng số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) có mặt tán thành.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết trước khi QH biểu quyết thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh cho biết khi quyết định chủ trương đầu tư sân bay Long Thành, QH khóa XIII đã cân nhắc kỹ lưỡng trên nhiều góc độ, nhiều mặt, trong đó cấp bách nhất là do sân bay Tân Sơn Nhất quá tải, cần đầu tư một sân bay mới.
“Đặc thù công tác giải phóng mặt bằng thường mất nhiều thời gian, phát sinh khó khăn, vướng mắc, làm tăng chi phí nếu quá trình thực hiện kéo dài. Do vậy, Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH đề nghị QH cho phép tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án Long Thành thành dự án thành phần để thực hiện trước nhằm đảm bảo tiến độ của dự án, tiết kiệm chi phí và đáp ứng nguyện vọng của người dân” - ông Thanh nói.
Để làm sân bay Long Thành sẽ phải giải phóng mặt bằng khoảng 5.000 ha đất. Trong ảnh:Lãnh đạo Chính phủ thị sát quy hoạch sân bay Long Thành. Ảnh: TIẾN DŨNG
Về nguồn vốn thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, UBTVQH báo cáo trên cơ sở số liệu điều tra thông tin, khảo sát sơ bộ và cập nhật đơn giá mới nhất của UBND tỉnh Đồng Nai thì tổng kinh phí khái toán cho công tác giải phóng mặt bằng (bao gồm xây dựng hạ tầng hai khu tái định cư và khu nghĩa trang) khoảng 23.000 tỉ đồng (tương đương hơn 1 tỉ USD). Hiện ngân sách đã bố trí 5.000 tỉ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn cho công tác giải phóng mặt bằng dự án mới đáp ứng 21,7% nhu cầu.
Cụ thể, để làm sân bay Long Thành sẽ phải giải phóng mặt bằng khoảng 5.000 ha đất gồm đất làm sân bay, đất xây dựng các khu tái định cư tập trung, diện tích nghĩa trang, diện tích các công trình phục vụ tái định cư.
Việc thu hồi đất phải đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống và sản xuất của người dân vùng chịu ảnh hưởng của dự án; đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội. Khu tái định cư tập trung phải được xây dựng đồng bộ về kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội, đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, phù hợp với điều kiện, phong tục tập quán của địa phương.
Sau khi QH thông qua việc tách dự án thành phần, Chính phủ sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần và xây dựng phương án giải phóng mặt bằng cụ thể. Trên cơ sở đó xác định được tổng mức đầu tư chính thức làm căn cứ để Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo chuẩn bị kỹ phương án nguồn vốn và báo cáo QH xem xét, thông qua tại kỳ họp 4.
Năm 2015 vượt mức bội chi cho phép đến hơn 7.000 tỉ đồng Chiều qua (19-6), QH đã ấn nút thông qua nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015 với tỉ lệ 92,46% đại biểu tán thành. Theo đó, QH đã đồng ý quyết toán tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2015 là 1,29 triệu tỉ đồng gồm cả số thu chuyển nguồn năm 2014 chuyển sang 2015, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2014, thu huy động đầu tư của ngân sách... Trong đó, tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước lên tới trên 1,5 triệu tỉ đồng gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2015 sang 2016. Như vậy, số thâm hụt ngân sách này là 263.135 tỉ đồng, bằng 6,28% GDP, vượt 7.135 tỉ đồng so với mức QH thông qua là 256.000 tỉ đồng. Nguồn bù đắp bội chi ngân sách từ số vay trong nước (195.900 tỉ đồng) và vay nước ngoài (67.235 tỉ đồng). Ngoài biểu quyết thông qua mức bội chi năm 2015, QH giao Chính phủ kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong việc quản lý, điều hành ngân sách nhà nước. Đồng thời QH cũng đề nghị Chính phủ cần có giải pháp tính toán GDP sát thực tế và trong điều hành cần bám sát dự toán, tăng thu, tiết kiệm chi, ưu tiên giảm bội chi ngân sách nhà nước, đảm bảo mức bội chi trong phạm vi đã được QH quyết định (cả số tuyệt đối và tỉ lệ % GDP), để không vượt trần nợ công nhằm đảm bảo an ninh tài chính quốc gia… |