Theo báo cáo giám sát gần đây nhất của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội về người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2010-2017 tại Nghệ An và Hà Tĩnh, nhiều LĐ không được tư vấn về doanh nghiệp đưa đi làm việc ở nước ngoài nên bị lừa gạt, phải qua "cò" gây tốn kém.
Thậm chí doanh nghiệp ký hợp đồng không đúng với thực tế khiến NLĐ phải về nước sớm hoặc thu nhập thấp, nhất là NLĐ ở miền núi vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số chưa nắm được chính sách chế độ, tình hình nhu cầu LĐ và thị trường.
Một người dân ở Hà Tĩnh tìm cơ hội làm việc ở Anh vừa mất tích. Ảnh: Đặng Trung
Cạnh đó, việc công khai minh bạch thông tin các doanh nghiệp có chức năng đưa LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chưa đầy đủ, cụ thể nên khó khăn cho LĐ lựa chọn doanh nghiệp. Đặc biệt, doanh nghiệp đào tạo tay nghề, ngoại ngữ và đào tạo định hướng còn hạn chế, dẫn đến chất lượng LĐ thấp, khó tham gia thị trường các nước, hoặc sang làm việc không đảm bảo yêu cầu phải về nước sớm.
Theo đoàn giám sát, từ năm 2010 đến 2017, Hà Tĩnh có 50.270 người đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng, bình quân mỗi năm có 6.300 người. Số LĐ này tập trung chủ yếu ở các huyện Kỳ Anh, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc. Trong 10 năm liên tục Hà Tĩnh đứng thứ ba cả nước về số LĐ đi làm việc nước ngoài, chiếm gần 1/3 tổng số chỉ tiêu giải quyết việc làm của toàn tỉnh.
“Hoạt động xuất khẩu LĐ đã mang lại nguồn thu nhập lớn cho NLĐ và nguồn ngoại tệ cho địa phương. Chỉ tính riêng số tiền LĐ gửi về cho gia đình đã đạt trên 4.000 tỉ đồng/năm…”, đoàn giám sát thông tin.
Trong khi LĐ Việt Nam phải ra nước ngoài kiếm sống thì cũng theo báo cáo của đoàn giám sát, đến đầu năm 2018 ở Hà Tĩnh có đến 2.163 LĐ nước ngoài, chủ yếu là người Trung Quốc, Đài Loan (chiếm 97,31% tổng số lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn) làm việc tại Công ty Formosa. Vì vậy đoàn giám sát đề nghị Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu sửa đổi quy định pháp luật, tránh người nước ngoài vào Việt Nam làm LĐ phổ thông…
Còn tại Nghệ An, từ năm 2010 đến 2017 có 60.989 người đang đi làm việc nước ngoài, bình quân hàng năm có 12.000-13.000 người đi làm việc có thời hạn. Nguồn thu ngoại tệ gửi về qua ngân hàng đạt hơn 250 triệu USD/năm. Báo cáo của tỉnh cho thấy hiện 12.435 NLĐ của tỉnh đang làm việc ở vùng biên giới không có hợp đồng LĐ.
Theo đoàn giám sát, tại Hà Tĩnh và Nghệ An người đi xuất khẩu LĐ đem về nguồn kinh phí tốt nhưng chỉ tập trung vào xây nhà, mua sắm đồ đạc cá nhân chứ ít đầu tư phát triển sản xuất. Do đó chưa phát huy được những nguồn lực này trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.