Hơn 20 người bị nấm đen ăn từ xoang lan lên xương hàm, ổ mắt

(PLO)- Người từng mắc COVID-19, đái tháo đường type 2, ung thư… là nhóm nguy cơ cao nhiễm nấm đen.

Ngày 26-9, thông tin từ Bệnh viện (BV) Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, từ đầu năm 2020 (nhất là sau khi xuất hiện làn sóng COVID-19), số lượng bệnh nhân bị nhiễm nấm đen tăng nhanh.

Tại BV Bạch Mai đến nay đã có hơn 20 trường hợp nhiễm nấm đen nhập viện điều trị. Đa số bệnh nhân đều có bệnh nền khi nhập viện và trong tình trạng nhiễm trùng nặng, có các tổn thương nhiễm nấm ăn từ xoang lan lên xương hàm, ổ mắt, hệ thần kinh…

Nấm đen là một bệnh nhiễm trùng mới nổi nghiêm trọng do bào tử nấm có tên gọi là Mucormycetes gây ra.

Đây là dạng nấm xâm nhập đã được y văn thế giới nhắc đến, đặc biệt tại Ấn Độ trong thời gian qua với số lượng bệnh nhân tăng đột biến. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao sau khi nhiễm COVID -19.

PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, BV Bạch Mai, cho biết nấm đen là một bệnh nhiễm trùng mới nổi nghiêm trọng do bào tử nấm có tên gọi là Mucormycetes gây ra.

Nhóm nấm Mucor tạo ra hàng triệu bào tử lơ lửng trong không khí và thường phát triển vào mùa hè và mùa thu, những bào tử này khi tiếp xúc với bề mặt ẩm ướt, có các chất hữu cơ thối rữa như lá cây, gỗ mục nát, phân động vật, đất... thì bắt đầu nảy mầm và tạo ra sợi nấm.

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân nhiễm nấm đen điều trị tại trung tâm.

Nấm xâm nhập vào cơ thể con người qua 2 con đường: Hít phải bào tử nấm từ không khí, gây nhiễm trùng phổi, não hoặc xoang; xâm nhập qua da bởi vết cắt, vết xước, vết cào, vết bỏng và một số tổn thương da khác.

Đáng lưu ý, những người từng mắc COVID-19, đái tháo đường type 2, ung thư, cấy ghép tạng, cấy ghép tế bào, sử dụng Corticosteroid kéo dài; Những người bị suy giảm miễn dịch, nhiễm HIV, bị chấn thương da do phẫu thuật, bỏng, trẻ sinh non, nhẹ cân và suy dinh dưỡng… là những nhóm có nguy cơ cao nhiễm nấm đen.

“Bệnh nhiễm nấm đen có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan và bộ phận cơ thể. Các triệu chứng phụ thuộc vào tình trạng nhiễm trùng nơi nấm phát triển. Nó có thể dẫn đến mũi bị hoại tử thâm đen hoặc đổi màu, đau mặt, đau vùng xoang lan lên mắt, đau đầu, đau ngực, khó thở và ho ra máu” – BS Cường nói.

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, hiện nay Bộ y tế mới chỉ có hướng dẫn chung cho các bệnh nhân nhiễm nấm, chưa có hướng dẫn dành riêng cho bệnh nhân nhiễm nấm đen. Hiện việc điều trị nấm đen đang sử dụng các thuốc chống nấm truyền tĩnh mạch là Amphotericin B, thời gian giai đoạn tấn công là 2-4 tuần. Tuy nhiên thuốc này có nhiều độc tính và rất đắt tiền, BHYT chỉ chi trả 50%.

Hết giai đoạn tấn công, bệnh nhân khó để có thể tìm được thuốc cho giai đoạn duy trì, đó là thuốc Posaconazol hoặc Isavuconazol. Đây là các thuốc khó tìm tại thị trường Việt Nam và rất đắt tiền. Do đó, bệnh nhân thường bỏ thuốc, không tuân thủ điều trị dẫn đến bệnh dễ bị tái phát, nấm có thể ăn sâu thêm và tổn thương nặng nề hơn. Đó là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tử vong cao cho nhóm bệnh này.

Hiện không có thuốc hay vaccine ngăn chặn bệnh nấm đen. Để đề phòng, những người thuộc nhóm nguy cơ cao nên:

- Tránh đến khu vực có nhiều khói bụi, công trường.

- Đeo khẩu trang hiệu suất lọc trên 95% có than hoạt tính khi phải đến khu vực có nhiều khói bụi.

- Tránh các hoạt động tiếp xúc trực tiếp với bụi, đất. Mang găng tay, ủng nếu thực hiện bất kỳ hoạt động nào liên quan đến đất.

- Vệ sinh vùng da bị thương bằng nước ấm và dung dịch sát khuẩn để tránh nhiễm trùng da…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới