Hơn 2.700 người dân Lâm Đồng sinh sống, sản xuất trên đất ở tỉnh Đắk Nông

(PLO)- Hơn 2.700 người dân tỉnh Lâm Đồng sinh sống, canh tác trên đất của tỉnh Đắk Nông.

Ngày 13-12, trao đổi với PLO, ông Trần Nam Thuần, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông, cho biết huyện đã báo cáo, giải trình tại kỳ họp HĐND tỉnh việc khoảng 600 hộ với hơn 2.700 người của tỉnh Lâm Đồng đang sinh sống, sản xuất xâm canh ở địa bàn huyện này.

Khu vực có hơn 2.700 người dân Lâm Đồng sống ở địa bàn tỉnh Đắk Nông. Ảnh: DP

Hộ khẩu ở Lâm Đồng nhưng sống ở Đắk Nông

Theo UBND huyện Đắk Glong, từ năm 1990 đến 1995, hàng loạt hộ gia đình di cư tự do từ các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn... đến sinh sống, canh tác tại các xã Đạ K’Nàng, Phi Liêng thuộc huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng.

Năm 2003, khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng được thành lập trên diện tích hơn 20.000 ha thuộc xã Đắk Som, huyện Đắk Glong. Đến tháng 2-2018, được đổi thành vườn quốc gia Tà Đùng.

Quá trình rà soát, cơ quan chức năng thu hồi toàn bộ diện tích của hơn 600 hộ di dân tự do đang sinh sống, canh tác trên giao cho khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng quản lý.

UBND huyện Đắk Glong xác định cộng đồng dân cư trên được hình thành, canh tác ổn định trước khi vườn quốc gia Tà Đùng được thành lập trên diện tích hơn 1.500 ha.

Theo ông Trần Nam Thuần, những hộ dân trên có hộ khẩu thuộc huyện Đam Rông. Trong khi đó, họ sinh sống, sản xuất trên đất của huyện Đắk Glong và chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

“Đây là vùng giáp ranh giữa hai huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông và huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng; cách trung tâm xã Đắk Som, huyện Đắk Glong khoảng 120 km, cách trung tâm huyện Đắk Glong khoảng 140 km. Hiện tại 600 hộ dân này chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Còn hộ khẩu thì họ đăng ký, thuộc quản lý của hai xã Đạ K’Nàng, Phi Liêng của huyện Đam Rông” – ông Trần Nam Thuần thông tin.

Đề nghị có cơ chế đặc thù

Theo ông Trần Nam Thuần, qua rà soát, huyện Đắk Glong nhận thấy tình hình kinh tế - xã hội nơi 600 hộ dân sinh sống tiếp tục có bước phát triển; an ninh trật tự, an toàn xã hội tương đối ổn định.

Tuy nhiên, do địa bàn xa đã gây những khó khăn đối với chính quyền địa phương trong quản lý hành chính; tiềm ẩn nhiều phức tạp về an ninh trật tự, gây hệ lụy về kinh tế - xã hội tại khu vực...

Khi xảy ra các vụ việc tranh chấp đất đai, gây rối trật tự công cộng... chính quyền xã Đắk Som đều phải phối hợp giải quyết, trong khi khoảng cách địa lý quá xa, khoảng 120 km.

Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong, người dân sinh sống, canh tác ổn định tại khu vực vùng đệm và dưới vùng đệm của vườn quốc gia Tà Đùng nhiều năm. Họ xây dựng nhà cửa kiên cố, phát triển kinh tế ổn định nhưng không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ hạn chế quyền sử dụng để đầu tư phát triển kinh tế...

Ông Trần Nam Thuần, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong, thông tin thêm UBND huyện này đã đề nghị Sở Nội vụ đề xuất UBND tỉnh Đắk Nông phối hợp UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét có cơ chế đặc thù đối với số hộ dân trên; đồng thời đề xuất tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo huyện Đam Rông thực hiện việc quản lý hành chính, quản lý an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới