Hơn 3.000 quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục

(PLO)- Trong số gần 700 thủ tục hành chính với 232 văn bản cần sửa đổi, bổ sung ở giai đoạn 2022-2025 được Chính phủ phân cấp hiện mới chỉ hoàn thành 295 thủ tục.

Theo nghị trình, hôm nay (4-11), Quốc hội (QH) sẽ dành cả ngày để thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; tình hình thi hành hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của QH, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ QH… cùng một số nội dung quan trọng khác.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về tình hình triển khai thi hành hiến pháp, luật, pháp lệnh, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Đỗ Đức Hiển (Đoàn đại biểu QH TP.HCM), cho biết thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng đã đẩy mạnh phân cấp phân quyền, khắc phục tình trạng “xin-cho”..., kết quả đã có hơn 3.000 quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa; phân cấp cho địa phương gần 700 thủ tục hành chính (TTHC)...

Ủy viên thường trực Ủy ban pháp luật Đỗ Đức Hiển (Đại biểu QH đoàn TP.HCM). Ảnh: QH

Đẩy mạnh phân cấp phân quyền, khắc phục "xin-cho"

. Phóng viên: Chính phủ, Thủ tướng thời gian qua đã rất quyết liệt trong cắt giảm các TTHC không cần thiết. Ông có thể chia sẻ thêm về những kết quả này?

+ Ông Đỗ Đức Hiển: Chúng ta đều thấy thời gian qua, công tác đơn giản, cắt giảm các TTHC được Chính phủ quan tâm và thực hiện rất quyết liệt. Nhiều TTHC không cần thiết, không còn hợp lý đã được đơn giản hóa, giúp tiết giảm các chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc phân cấp, phân quyền cũng được Chính phủ, Thủ tướng đẩy mạnh, tình trạng “xin-cho” được khắc phục, đặc biệt là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết các thủ tục.

Cụ thể, hơn 3.000 quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa; phân cấp cho địa phương gần 700 TTHC; cung cấp thêm gần 1.800 dịch vụ công trực tuyến, đạt 4.400 dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên cổng dịch vụ công quốc gia, chiếm 70% tổng số TTHC.

. Liệu những kết quả đó đã thể hiện được các mục tiêu mà chúng ta đề ra lâu nay?

+ Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng công tác này còn nhiều hạn chế và bất cập. Trong báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra rằng việc cắt giảm một số quy định, TTHC, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, điều kiện kinh doanh vẫn chưa được xử lý kịp thời.

Tôi đơn cử như việc xử lý các vướng mắc, bất cập trong quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Báo cáo về triển khai thi hành Hiến pháp có nêu từ năm 2021 đến tháng 8-2024, Chính phủ đã chỉ đạo cắt giảm được 3.001 quy định kinh doanh, đạt 18,9%. Đây là con số rất cao so với chỉ tiêu đặt ra là 20% trong giai đoạn 2021-2025.

Tuy nhiên, nếu xét ở góc độ cắt giảm chi phí tuân thủ thì tỉ lệ này mới chỉ đạt khoảng 11%. Điều này cũng đặt ra vấn đề về tính thực chất, hiệu quả của việc cắt giảm, nhất là trong số 15.801 quy định kinh doanh hiện có vẫn còn rất nhiều nội dung có thể cắt giảm, đơn giản hóa.

Hay như thực hiện phân cấp trong giải quyết TTHC, Chính phủ đã phê duyệt phương án phân cấp 699 TTHC với 232 văn bản cần sửa đổi, bổ sung trong giai đoạn 2022-2025.

Dù thời gian chúng ta đã đề ra nhiều giải pháp để thực hiện như dùng một luật sửa nhiều luật, một nghị định sửa nhiều nghị định, các thông tư của các bộ cũng được sửa đổi để cắt giảm các thủ tục… nhưng kết quả đạt được còn khiêm tốn. Tính đến nay, mới chỉ hoàn thành phân cấp 295 TTHC, số còn lại với khoảng 404 TTHC vẫn đang tiếp tục xử lý.

Hơn 3.000 quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa, đem lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp. Ảnh: NGUYỆT NHI

. Vậy theo ông đâu là nguyên nhân của những hạn chế nêu trên?

+ Báo cáo của Thủ tướng đã chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế này. Đó là do phản ứng chính sách của một số cơ quan, địa phương còn chậm. Chẳng hạn, năm 2018 Chính phủ có Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó yêu cầu sửa đổi Nghị định 09 về tăng cường vi chất dinh dưỡng trong thực phẩm.

Chính phủ đã có nghị quyết, lãnh đạo Chính phủ cũng có chỉ đạo cụ thể. Cách đây một năm tôi cũng đã đặt vấn đề này khi chất vấn bộ trưởng Bộ Y tế. Tuy nhiên, đến nay nội dung này vẫn chưa được sửa đổi. Như vậy là rất chậm!

Tôi cho rằng Chính phủ phải có giải pháp mạnh hơn nữa, cụ thể hơn nữa, đồng thời giao trách nhiệm cho các bộ, ngành để thực thi các giải pháp đã đề ra. Ngoài ra, chúng ta cần đi vào thực chất khi cắt giảm các TTHC; khi đã rà soát, đã chỉ ra thì phải thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa không chỉ trên giấy tờ mà phải thực thi trên thực tế.

Cần xây dựng dự luật điều chỉnh về các đơn vị sự nghiệp

. Có một vấn đề được rất nhiều đơn vị, địa phương quan tâm, đẩy mạnh thực hiện thời gian qua là đổi mới tổ chức quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.

+ Đây là nội dung quan trọng được đề cập đến trong báo cáo của Thủ tướng về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Và một trong những giải pháp đề ra là thời gian tới cần quyết liệt hơn nữa công tác này.

Tuy nhiên, qua rà soát các quy định, đặc biệt là Nghị quyết 19 thì thấy rằng nếu chỉ quyết liệt sắp xếp lại sẽ chưa đầy đủ, chưa cụ thể hết các vấn đề. Điều cần lưu ý ở đây là chúng ta quyết liệt sắp xếp nhưng phải làm sao để nâng cao được chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp.

Kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ QH cho thấy những điểm tích cực, tỉ lệ sắp xếp giảm đầu mối các đơn vị sự nghiệp công lập đạt rất cao, vượt chỉ tiêu đề ra (13,33%). Đặc biệt, việc xã hội hóa cung cấp các dịch vụ công có rất nhiều chuyển biến, số lượng đơn vị ngoài công lập cung ứng dịch vụ sự nghiệp công tăng 149%.

Qua giám sát cũng có một số vấn đề nổi lên như việc sắp xếp chủ yếu là sáp nhập, hợp nhất cơ học, việc giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương ngân sách nhà nước còn mang tính chất cào bằng, chưa tính đến đặc thù của một số ngành, lĩnh vực.

Tỉ lệ giảm được đầu mối đạt cao trong giai đoạn 2015-2021 nhưng tốc độ sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công có dấu hiệu chậm lại. Giai đoạn 2021-2023 chỉ giảm 1,75%, nếu so với chỉ tiêu đến năm 2025 phải giảm tiếp 10% thì đây là một thách thức lớn.

Ngoài ra, nhiều chủ trương đề ra còn bị bỏ ngỏ, quá trình thực hiện còn vướng mắc, hiệu quả chưa cao… Cơ chế cho phép đơn vị sự nghiệp sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, dịch vụ, liên doanh, liên kết còn nhiều bất cập…

Các đại biểu tham dự Kỳ họp 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh: PHẠM THẮNG

. Từ những phân tích nêu trên, theo ông, giải pháp nào để giải quyết câu chuyện này hiệu quả nhất?

+ Theo tôi, đây là vấn đề khó, phức tạp, nhất là khi số lượng đơn vị sự nghiệp của nước ta rất lớn, phạm vi rộng và có liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Do vậy, tôi kiến nghị các cơ quan của Chính phủ tập trung triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Cạnh đó, với những tác động lớn cũng như tầm quan trọng của việc sắp xếp, đổi mới này, tôi cũng cho rằng Chính phủ cần sớm chỉ đạo nghiên cứu xây dựng một dự luật nhằm điều chỉnh đồng bộ, toàn diện về các đơn vị sự nghiệp.

. Xin cảm ơn ông.

Tắc ở đâu... sửa ở đó

Liên quan đến câu chuyện thể chế, chính sách, trong báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước tại kỳ họp 7, Quốc hội XV cho hay cơ quan này đã kiến nghị rà soát, sửa đổi, bổ sung 1.069 văn bản gồm 14 văn bản Luật, 1 nghị quyết của Quốc hội; 16 Quyết định; 42 Nghị định; 124 Thông tư và 872 văn bản khác. Khi đó một vấn đề được đặt ra là nếu theo quy trình sửa đổi văn bản pháp luật hiện nay trình từng bước thông qua các bộ, ngành sẽ rất lâu. Vậy đâu là giải pháp để khắc phục, gỡ vướng vấn đề này nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách.

Trao đổi về câu chuyện này bên hành lang Quốc hội khi đó, ĐB Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai), cho rằng phải xác định trong hơn 1.000 văn bản này thì văn bản nào của Quốc hội, văn bản nào của cấp lập quy, cơ quan lập pháp và phải sửa đổi theo quy trình.

“Cơ quan nào ban hành thì cơ quan đó phải sửa, tắc khâu nào thì sửa ở khâu đó” – ông nhấn mạnh và cho rằng cách thức làm ở đây là các cơ quan liên quan phải rà soát các văn bản của mình nếu được kiến nghị.

ĐB Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai). Ảnh: PHẠM THẮNG

ĐB Trịnh Xuân An đánh giá để gỡ được câu chuyện vướng mắc về thể chế thì không nên đặt ra quá nhiều quy trình trong xử lý một vấn đề, việc của ai người đó phải làm, đúng vai thuộc bài.

Kế đến, chúng ta đã có chủ trương rất rõ về phân cấp phân quyền. Hiện nay Quốc hội phân cấp khá nhiều cho Chính phủ về đầu tư, quyết định các công trình dự án trọng điểm quốc gia, kinh tế - xã hội… và cần mạnh dạn hơn trong thời gian tới. Thứ ba là trách nhiệm giải trình cơ quan liên quan và có sự kiểm tra, giám sát.

Tuy nhiên, ông An cũng chỉ ra rằng bên cạnh cải cách thể chế thì cũng phải cải cách được cả những con người làm ra thể chế đó.

“Lâu nay chúng ta cứ nói phải có giải pháp để cán bộ dám nghĩ, dám làm nhưng đây là câu chuyện đã nói mãi rồi. Và nếu không có giải pháp nào để người ta tốt lên thì tốt nhất nên thay người” – ĐB Trịnh Xuân An nhấn mạnh và khẳng định phải có quyết tâm mang tính mạnh mẽ, đột phá như vậy thì mới tạo được những chuyển biến tích cực.

“Chúng ta không thiếu người để làm việc, quan trọng là phải bố trí họ đúng vị trí, được làm trong một môi trường pháp lý cụ thể, rõ ràng thì họ sẽ phát huy được khả năng, năng lực của mình” – ĐB đoàn Đồng Nai nói.

Câu chuyện về gỡ các điểm nghẽn thể chế, đẩy mạnh phân cấp phân quyền, tạo đột phá trong phát triển kinh tế tiếp tục được các đại biểu, trưởng ngành đề cập đến tại Kỳ họp thứ 8 này. Như Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh rằng thể chế là ‘điểm nghẽn’ của ‘điểm nghẽn’, do vậy cần khẩn trương khắc phục, không để cản trở phát triển, gây lãng phí, lỡ thời cơ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới