Sửa Luật Dược: Gỡ các điểm nghẽn về quản lý giá thuốc

(PLO)- Các đại biểu cho rằng bán thuốc online là phù hợp với xu thế nhưng cũng đề nghị cần quy định rõ ràng, kiểm soát chặt chẽ trong quá trình thực hiện, nhất là về giá bán.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc

Sáng 22-10, tiếp tục kỳ họp thứ tám, Quốc hội (QH) khóa XV, QH thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Những vấn đề tiếp tục nhận được sự quan tâm của các đại biểu (ĐB) QH liên quan đến bán thuốc online, quản lý giá thuốc.

Sửa Luật Dược: Gỡ các điểm nghẽn về quản lý giá thuốc
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định). Ảnh: PHẠM THẮNG

Dễ dàng mua được thuốc qua Zalo

Nêu ý kiến, Giám đốc BV ĐH Y Hà Nội Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) nói ông hoàn toàn đồng ý việc cho phép bán thuốc bằng giao dịch điện tử. “Việc này đã và đang diễn ra, chỉ cần gửi hình ảnh chụp đơn thuốc chuyên khoa qua Zalo đến cửa hàng, thuốc sẽ được ship đến trực tiếp người dân mà không gặp bất cứ khó khăn gì” - ông Hiếu nói.

Dù vậy, ông Hiếu cho rằng cần quy định chặt chẽ và cụ thể hơn. Ông Hiếu góp ý cần quy định rõ thuốc bán online phải được cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Các thuốc được bán qua sàn thương mại điện tử (TMĐT) bao gồm thuốc không cần kê đơn và thuốc kê đơn nhưng phải được cơ sở y tế kê trên hệ thống đơn thuốc điện tử (sổ khám bệnh và bệnh án điện tử). Ngoài ra, nhà thuốc được bán thuốc online cần đảm bảo tiêu chuẩn Bộ Y tế ban hành và thẩm định, cấp phép.

Ông Hiếu đề xuất nên bắt đầu thử nghiệm tại ngay các nhà thuốc của BV đã triển khai đầy đủ bệnh án điện tử. Việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, hạn chế tình trạng lộn xộn như hiện nay và cũng xóa bỏ được tư duy “không quản được thì cấm”.

Đánh giá đây là phương thức kinh doanh rất phù hợp với xu thế hiện nay, tuy nhiên, Phó Trưởng ban Dân nguyện Trần Thị Nhị Hà (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) đề nghị cần quy định rõ ràng để đảm bảo kiểm soát chặt chẽ.

Bà Hà dẫn dự thảo quy định thuốc được bán lẻ theo phương thức TMĐT là thuốc không kê đơn; thuốc được bán buôn theo phương thức TMĐT bao gồm cả thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn và nguyên liệu làm thuốc…

“Nếu quy định như dự thảo có thể xảy ra tình trạng doanh nghiệp (DN) đưa thuốc kê đơn vào kênh bán lẻ TMĐT hoặc DN sẽ lấy thông tin bệnh nhân cần mua thuốc kê đơn trên sàn TMĐT và sẽ thực hiện giao dịch mua bán ở chỗ khác” - bà Hà nêu vấn đề và đề xuất dự thảo cần sửa đổi theo hướng “chỉ bán thuốc không kê đơn theo phương thức TMĐT” như kinh nghiệm của hầu hết quốc gia trên thế giới.

Ở góc độ khác, ĐB Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cho rằng việc kê đơn qua mạng cần làm, nên làm dần dần và quyết liệt làm cho được.

“Như vậy, chúng ta sẽ theo dõi được đường đi của đơn thuốc, hiệu lực kê đơn, hiệu quả của đơn thuốc, kinh phí… của đơn thuốc đó” - ông Trí nói và cho rằng mỗi ngày có hàng triệu đơn được kê, nếu kê đơn bằng tay thì không có cách nào quản lý được.

P2+3-baichinh-pham-khanh-phong-lan.jpg
Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM). Ảnh: PHẠM THẮNG

Quản lý giá thuốc ra sao?

Liên quan đến quản lý giá thuốc, ĐB Trần Thị Nhị Hà cho hay dự thảo luật quy định về giá bán buôn thuốc dự kiến, được hiểu là quy định giá bán buôn tối đa nhằm ngăn chặn hình thức mua bán lòng vòng để tăng giá thuốc.

Tuy nhiên, theo bà Hà, việc dự thảo quy định mức giá bán buôn tối đa do cơ sở nhập khẩu thuốc hoặc sản xuất thuốc xác định, các DN kinh doanh thuốc khác phải thực hiện theo có thể dẫn đến nguy cơ độc quyền thuốc.

“Cơ sở nhập khẩu thuốc xác định mức giá bán buôn dự kiến rất thấp và thành lập chuỗi nhà thuốc để bán lẻ, sau đó đẩy giá thuốc tăng lên ở hệ thống bán lẻ của mình. Đây chính là kênh bán hàng trực tiếp cho người dân và người dân vẫn phải mua thuốc với giá cao” - bà Hà nêu ý kiến.

Cũng theo bà Hà, dự luật quy định chỉ công bố, công bố lại giá bán buôn thuốc dự kiến với thuốc kê đơn. “Câu hỏi đặt ra, đối với thuốc không kê đơn của cơ sở nhập khẩu và cơ sở sản xuất thì quản lý giá thế nào?” - bà Hà đặt vấn đề và cho rằng khi quản lý về giá phải quản lý tất cả loại thuốc, không giống như quản lý về chuyên môn cần phân biệt kê đơn hay không kê đơn.

Giám đốc BV Trung ương Thái Nguyên Nguyễn Công Hoàng chia sẻ người dân sẽ không bao giờ mặc cả về giá thuốc như với các mặt hàng khác, do đó cần có các biện pháp quản lý giá thuốc. “Sẽ không quản lý được nếu không kiên quyết với các đơn vị bán thuốc không liên thông giá, không công bố giá. Đồng thời phải có sự quản lý, giám sát, chế tài chặt chẽ” - ông Hoàng đề nghị.

ĐB Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, nhìn nhận hiện thiếu cơ chế quản lý các tầng nấc trung gian trong phân phối và bán thuốc. “Các công ty với cả ngàn đơn vị phân phối và nhà thuốc bán lẻ. Trong khi đó, các nhà thuốc bán lẻ chủ yếu chỉ tập trung ở các TP lớn, còn vùng sâu, vùng xa vẫn thiếu như trước đây” - bà Phong Lan nói.

Đánh giá đây là một thất bại của Luật Dược 2016, bà Phong Lan nói sau khi có luật này, số nhà thuốc tăng vọt nhưng không kèm theo quy định phù hợp về biên chế thanh tra, vốn hay khoảng cách bắt buộc phải có giữa các nhà thuốc.

Cũng theo bà Phong Lan, Nhà nước muốn quản lý giá thuốc nhưng lại không quy định được một viên thuốc được qua bao nhiêu tầng nấc trung gian, tỉ lệ lợi nhuận cho phép là bao nhiêu. Nếu chúng ta chỉ trông cậy vào DN tự nguyện kê khai sẽ không đảm bảo minh bạch về giá. Tình trạng mua bán lòng vòng, bán thuốc kê đơn thoải mái hoặc trà trộn thuốc giả, thuốc kém chất lượng… vẫn xảy ra.

Theo nghị trình dự kiến, QH sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược vào chiều 25-11.

Giá thuốc không quản lý như “thả gà ra đuổi”

Giải trình về các nội dung liên quan, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho rằng thuốc là mặt hàng đặc biệt nên việc quản lý giá thuốc cũng rất quan trọng. Theo Bộ trưởng Hồng Lan, chúng ta đã quản lý giá thuốc từ năm 2016 và nếu không quản lý lúc đó thì “thả gà ra đuổi”. Cụ thể, Luật Dược 2016 đã quy định các nội dung liên quan đến quản lý giá thuốc bán buôn và đến nay Bộ Y tế đánh giá là rất hiệu quả.

Theo Bộ trưởng Hồng Lan, khi chỉnh lý nội dung này tại dự thảo luật, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu ý kiến của các ĐB, đổi thành biện pháp công bố giá bán buôn dự kiến như hiện nay để gỡ các vướng mắc hiện tại.

Khẳng định các quy định này góp phần quản lý giá thuốc của Việt Nam thời gian qua tương đối ổn định, Bộ trưởng Hồng Lan tin tưởng “chúng ta sẽ dần quản lý được giá thuốc, tránh tăng giá đột biến trên thị trường”.

sua-luat-duoc-go-cac-diem-nghen-ve-quan-ly-gia-thuoc-dao-hong-lan.jpg
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan. Ảnh: PHẠM THẮNG

Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng kinh doanh thuốc bằng hình thức TMĐT trong điều kiện hiện nay là “vô cùng cần thiết” nhưng thực tiễn còn khoảng trống pháp lý.

Do thuốc là mặt hàng đặc thù, dự thảo luật chỉ cho phép kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc thông qua sàn giao dịch TMĐT, ứng dụng TMĐT bán hàng, website TMĐT bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến để xác định rõ được pháp nhân phải chịu trách nhiệm.

“Các DN kinh doanh TMĐT vẫn là những DN đang hoạt động, có giấy phép đáp ứng đầy đủ các quy định về kinh doanh dược” - Bộ trưởng Hồng Lan nói và nhấn mạnh những nơi làm sai quy định thì đã có các cơ quan xử lý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm