Sáng 22-10, Quốc hội thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Dược (sửa đổi).
Tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Không phải thuốc nào cũng được bán trên sàn TMĐT
Tham gia ý kiến tại phiên họp, một số đại biểu nêu lên thực trạng về tình trạng bán thuốc tràn lan trên môi trường mạng với một số sản phẩm không phải là thuốc, gây nguy hại cho sức khỏe, bức xúc trong dư luận. Các đại biểu cho rằng cần phải quy định chặt chẽ về kinh doanh thuốc qua thương mại điện tử.
“Khác với những loại hàng hóa khác, thuốc được giao dịch trên sàn thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng nếu không được quản lý tốt thì sẽ gây hậu quả rất nặng nề và khó khắc phục” - đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh (Cần Thơ) cho hay.
Về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thừa nhận trong thực tiễn đang có khoảng trống pháp lý, đặc biệt đối với mặt hàng đặc thù như thuốc.
Chính vì vậy, trong dự thảo Luật chỉ cho phép việc kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử… có chức năng đặt hàng trực tuyến để xác định rõ được pháp nhân phải chịu trách nhiệm.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng quy định thêm các quy định về điều kiện kinh doanh loại thuốc, đối tượng được tham gia mua bán, vấn đề bảo mật thông tin người mua, vấn đề quản lý chất lượng, quản lý giá thuốc, trách nhiệm của người thực hiện kinh doanh thương mại điện tử…
“Những điều kiện này để đáp ứng về cơ sở pháp lý cho một loại hình kinh doanh. Vì các doanh nghiệp thực hiện kinh doanh thương mại điện tử vẫn là các doanh nghiệp đang hoạt động thực tế, có đầy đủ các giấy phép đáp ứng đầy đủ các quy định về kinh doanh dược, chứ không phải mở tung cho tất cả các loại thuốc, thuốc không đăng ký lưu hành. Doanh nghiệp nào làm sai quy định đã có các cơ quan xử lý” - Bộ trưởng Lan nhấn mạnh.
“Giá thuốc nếu không quản lý thì như thả gà ra đuổi”
Về giá thuốc, đây là cũng là nội dung nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, thuốc là mặt hàng đặc biệt, cho nên quản lý giá thuốc cũng là việc rất quan trọng.
“Chúng ta đã nghe thấy có bài báo nói là tại sao giá thuốc tăng vô tội vạ. Chúng ta quản lý như vậy từ năm 2016 mà còn tăng. Nếu không quản lý thì thả gà ra đuổi, cũng không thể nào quản lý được” - Bộ trưởng nói và cho biết từ năm 2016 luật Dược đã quy định các nội dung liên quan quản lý giá thuốc bán buôn và quá trình triển khai thực hiện cho thấy rất hiệu quả.
Bộ trưởng Y tế cho biết, ngoài quy định trên cộng với quy định của luật Giá đã quy định việc thực hiện kê khai thuốc bán buôn dự kiến. Nội dung này trong quá trình tiếp thu ý kiến đại biểu cũng đổi thành biện pháp công bố dự kiến giá bán buôn tại dự thảo luật.
“Giải pháp này đã được thực hiện từ 2016 tới nay. Qua đó góp phần quản lý giá thuốc của Việt Nam thời gian qua tương đối ổn định. Tôi lấy số liệu năm 2022, giá thuốc tăng 0,4% trong tổng số CPI 3,15%. Năm 2023, giai đoạn sau dịch Covid-19, giá tất cả các loại thuốc, nguyên vật liệu đều tăng, chúng ta mới tăng 1,45%.
Nói chung, qua biện pháp này chúng ta sẽ dần quản lý được giá thuốc, tránh có những cái tăng giá đột biến trên thị trường” - Bộ trưởng Y tế cho hay.