Chi thường xuyên: Cơ quan 100 biên chế thì chi 70 triệu/người

(PLO)- Chi thường xuyên đã rất tiết kiệm rồi, bây giờ khuyến khích tiết kiệm các khoản như đi nước ngoài, công tác phí, hội nghị…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 5-11, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc sau khi nghe 11 ĐBQH phát biểu, ông đã giải trình các vấn đề về thực hiện NSNN năm 2024, dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTW năm 2025… và các vấn đề liên quan.

Phải đủ thủ tục mới phân bổ được

Về ý kiến của các ĐB liên quan đến dự toán chưa phân bổ hết, giải ngân chậm, Phó Thủ tướng cho rằng đây là vấn đề thực tiễn và tới đây phải đổi mới về hình thức và cách thức để thực hiện.

“Do quy định của Luật là phải có đầy đủ thủ tục mới được phân bổ, hiện nay các chủ đầu tư như trong các dự án đầu tư xây dựng cơ bản chưa có dự án đầu tư được phê duyệt, Bộ KH&ĐT chưa thể tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội phân bổ được”, Phó Thủ tướng phân trần.

Sau khi nói quy định trong chi thường xuyên, thời gian lập dự toán… Phó Thủ tướng nêu ví dụ trong lĩnh vực KHCN và cho rằng có vướng mắc do luật.

“Phân bố vốn KHCN chi thường xuyên Quốc hội quy định là 2%, nhưng các năm qua chúng ta chỉ chi được hơn 1%. Quốc hội quy định 2% thì chúng tôi trình dự toán là 2% của chi ngân sách, nhưng khi thực hiện phải có dự toán, đơn giá, định mức được phê duyệt; mà đơn giá, định mức được phê duyệt đó do bộ ngành, đến khi tập hợp lại thì không đủ”, Phó Thủ tướng giải thích và nói thêm về quy trình cũng là lý do khiến việc này chậm.

Theo ông, tới đây vấn đề này sẽ vận dụng giải pháp là sau khi Quốc hội phê chuẩn thì giao một lần cho các tỉnh, bộ, ngành để phân bổ theo đúng quy định. Bộ Tài chính sẽ hậu kiểm.

qh-ho-duc-phoc.jpg
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc giải trình ý kiến ĐBQH sáng 5-11. Ảnh: QH

“Ở đây mắc một vấn đề là sau khi giao tổng thể như vậy cũng có một số ý kiến cho rằng thẩm quyền phân bố là của Quốc hội, không phải của Chính phủ. Như chúng tôi hiểu đây là thẩm quyền của Chính phủ vì Hiến pháp quy định Quốc hội phân bổ tổng thể vấn đề ngân sách, việc điều hành và quản lý dự toán thì giao cho Chính phủ. Nếu chúng ta đồng thuận về tư duy như vậy thì sẽ trôi chảy”, Phó Thủ tướng nói.

Tiết kiệm đã rất… tiết kiệm rồi

Đối với ý kiến các ĐBQH về tiết kiệm chi thường xuyên, Phó Thủ tướng nói hiện tiết kiệm chủ yếu ở kinh tế sự nghiệp, mua sắm, chi phí công tác phí, hội nghị, tiếp khách… Còn lương và các khoản phụ cấp lương thì gần như không tiết kiệm được.

Vấn đề này còn liên quan đến định mức mà Chính phủ ban hành từ đầu nhiệm kỳ. Phó Thủ tướng giải thích: nếu cơ quan dưới 100 biên chế thì bố trí 70 triệu đồng/biên chế; từ trên 100 biên chế đến dưới 500 biên chế thì bố trí 65 triệu đồng/biên chế; dưới 1.000 biên chế là 61 triệu/người; trên 1.000 biên chế chỉ còn 57 triệu.

“Tất tật các khoản chi như công tác phí, hội nghị, tiếp khách, đi công tác nước ngoài, mua sắm chi thường xuyên, nâng cấp sửa chữa… đều nằm ở đây hết”, Phó Thủ tướng thông tin.

Ông nói thêm: thực ra tiền lương đã chiếm 45% rồi, 55% là các khoản chi khác. Đầu nhiệm kỳ đã ra quy định giảm 10% và đã cắt 10% ngay từ khi giao dự toán. Sau đó giảm tiếp 5% nữa, đợt này giảm tiếp 5%, tổng là 20%.

“Chúng tôi nghĩ việc chi thường xuyên đã rất tiết kiệm rồi, bây giờ khuyến khích các bộ ngành địa phương có thể tiết kiệm các khoản chi khác như đi nước ngoài, công tác phí, hội nghị… Trong năm nay, Chính phủ cũng đã trình là cả nước giảm tiết kiệm được khoảng 7.000 tỉ chi thường xuyên”, Phó Thủ tướng nói.

Ông cho biết, một giải pháp đã thực hiện từ 2009-2011 là tiết kiệm chi trong đầu tư công vừa được thường trực Chính phủ chỉ đạo. Cụ thể là sẽ tiết kiệm từ định mức dự toán đến thi công, bảo quản, vận chuyển… và sẽ được đưa vào hồ sơ mời thầu các dự án công.

Dùng AI để giám sát các sàn TMĐT

Liên quan đến thu thuế từ sàn thương mại điện tử, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc khẳng định đã thu thuế sàn thương mại điện tử xuyên biên giới. Hiện có 102 nhà cung cấp nước ngoài như Facebook, Google… đã nộp thuế hơn 18.600 tỉ.

Còn sàn thương mại điện tử trong nước năm nay bắt đầu thu. Riêng trên địa bàn Hà Nội số thu thuế từ các sàn TMĐT đã được 35.000 tỉ.

“Tuần sau, chúng tôi sẽ ra mắt một công vụ dùng Al để kiểm soát vấn đề doanh thu và mua bán trên sàn thương mại điện tử, trình cấp có thẩm quyền để quyết định việc sửa đổi, bổ sung quy định này”, Phó Thủ tướng thông tin.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm