Hơn 350 bến, cảng bất ngờ trở thành hoạt động… chui!

Gần 350 cảng, bến thủy nội địa tại TP.HCM đang hoạt động vận chuyển hàng hóa, cát đá, vật liệu xây dựng… từ nhiều năm qua nay bỗng dưng rơi vào cảnh hoạt động bất hợp pháp. Nguyên nhân là để được cấp giấy phép hoạt động hợp pháp thì các bến, cảng phải nằm trong quy hoạch bến, cảng của TP nhưng đến nay TP chưa có quy hoạch này.

Bỗng thành bến lậu

Từ hàng chục năm nay, hầu hết các doanh nghiệp (DN) ở TP.HCM đều dựa vào điều kiện tự nhiên để mở cảng, bến xếp dỡ hàng hóa. Các DN chỉ cần liên hệ Cảng vụ đường thủy nội địa TP.HCM (Sở GTVT TP) để xin giấy phép hoạt động. Theo Cảng vụ, hiện trên địa bàn TP.HCM có 346 cảng, bến thủy có phép hoạt động.

Nay số cảng, bến này sắp đến kỳ gia hạn hoặc đã hết hạn giấy phép, chủ DN đi xin thì được Sở GTVT TP cho biết hiện việc cấp phép đang tạm ngưng, chờ ý kiến chỉ đạo của UBND TP. Ông Nguyễn Hữu, chủ một bến trên sông Chợ Đệm, huyện Bình Chánh, cho biết bến của ông có giấy phép hết hạn nhưng không được cấp giấy phép mới nên phải ngưng hoạt động. “Tôi không biết phải chờ bao lâu. Nếu TP, Sở GTVT không cấp phép cho bến hoạt động trong thời gian tới thì có khả năng DN của tôi vỡ nợ là rất cao, vì phải trả lãi nợ vay ngân hàng đầu tư vào xáng cạp, sà lan…” - ông Hữu nói.

Dọc theo rạch Ông Nhiêu, phường Phú Hữu, quận 9 có hàng loạt bến, cảng cát, đá, sỏi… mà giấy phép hoạt động cũng sắp hết hạn. Ông Phạm Dũng, chủ một bến cát ở đây, cho biết bến này đã được cấp phép hoạt động 12 năm, nay bỗng dưng trở thành cảng hoạt động không phép vì giấy phép đã hết hạn nhưng chưa được cấp mới. “Bến này giờ trở thành bến… chui nhưng chúng tôi vẫn phải hoạt động bình thường và chấp nhận bị phạt vạ thôi! Chứ ngưng một ngày là nợ nần dồn dập ập tới liền hà!” - ông Dũng nói.

Theo một cán bộ Thanh tra Sở GTVT TP, cứ kiểm tra 10 bến, cảng thì có đến 6-7 bến đã hết phép, 3-4 bến còn lại thì đang chờ ngày hết hạn, sẽ trở thành bến… lậu.

Những ngày này các bến, cảng ở TP.HCM nhấp nhổm vì giấy phép hết hạn mà giấy phép mới thì không biết bao giờ mới được cấp. Ảnh: LƯU ĐỨC

Bến, cảng chết thì đường bộ cũng tắc.

Báo cáo mới nhất của Cảng vụ đường thủy nội địa TP cho biết tính đến tháng 11-2017, có 112 bến, cảng ở 13 quận, huyện có giấy phép hết hạn không được cấp giấy phép mới. Còn tính đến đầu năm 2018 sẽ có hơn 200 bến hết hạn không được cấp giấy phép mới. “Các cảng, bến có giấy phép hết hạn nếu tiếp tục hoạt động sẽ bị lực lượng chức năng xử phạt theo quy định” - một cán bộ Thanh tra Sở GTVT cho biết vì nếu không họ sẽ bị phê bình không hoàn thành nhiệm vụ.

Trước tình hình hàng trăm bến, cảng ở TP.HCM đã và sắp ngưng hoạt động, thông tin với báo chí tuần qua, ông Phan Công Bằng, Trưởng phòng Quản lý giao thông đường thủy, Sở GTVT TP, cho biết khi các cảng, bến không được khai thác thì phải tăng hàng ngàn xe tải thay thế để vận chuyển. Một sà lan chở 1.000 tấn cát, sỏi từ Đồng Nai về TP.HCM sẽ thay thế cho hơn 100 xe tải sức chở 10 tấn hoặc 200 xe tải sức chở năm tấn. Khi đó đường bộ đã tắc sẽ càng tắc thêm! Cũng theo ông Bằng, đến giữa tháng 12-2017 có hơn 20 triệu tấn hàng hóa được xếp dỡ từ các cảng, bến thủy nội địa của TP, tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm 2016.

Vừa qua, Sở GTVT TP.HCM rà soát lại các văn bản quy định của pháp luật thì thấy việc cấp phép cho bến thủy chưa thực hiện đúng theo Thông tư 50/2014 của Bộ GTVT. Sở GTVT đã giao Khu đường thủy nội địa TP lập dự án quy hoạch bến thủy nội địa TP.HCM và dự kiến hoàn thành trong năm 2018. Vì vậy, Sở GTVT TP sẽ tiếp tục có văn bản kiến nghị UBND TP cho cấp phép tạm thời để các bến thủy hoạt động trong thời gian chờ có quy hoạch bến thủy.

Ông TRẦN QUANG LÂM,
 Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM

Bến… chết oan do chậm quy hoạch

Theo tìm hiểu của PV Pháp Luật TP.HCM, theo Thông tư 50/2014 của Bộ GTVT ban hành tháng 10-2014, các bến, cảng thủy nội địa muốn được cấp phép phải có: Hồ sơ thiết kế kỹ thuật hoặc báo cáo kinh tế-kỹ thuật đầu tư xây dựng được duyệt; phải nằm trong quy hoạch bến, cảng thủy… Thông tư 50 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2015 nhưng đến nay TP vẫn chưa có quy hoạch bến, cảng thủy. Chính đây là nguyên nhân khiến hàng trăm cảng, bến ở TP không thể tiếp tục được cấp phép mới. “Bản thiết kế kỹ thuật hoặc báo cáo kinh tế-kỹ thuật của cảng, bến thì DN chúng tôi hoàn toàn chủ động làm được nhưng còn quy hoạch thì lại nằm ở tầm TP nên có thể nói DN cảng, bến chúng tôi bỗng nhiên bị… chết oan!” - ông Phạm Dũng, chủ một DN cảng, bến ở phường Phú Hữu, quận 9, nói.

Để cứu hàng trăm DN bến, cảng bị… chết oan, được biết từ tháng 9-2017, Cảng vụ đường thủy nội địa TP, Sở GTVT TP đã có văn bản kiến nghị UBND TP cho cấp phép tạm thời để các cảng, bến thủy tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, mới đây UBND TP chỉ đạo việc cấp phép cho các bến thủy nội địa phải theo quy định tại Thông tư 50/2014 của Bộ GTVT, trong đó có việc chờ quy hoạch cảng, bến thủy của TP được ban hành.

2.300 bến, cảng… chết oan

Theo ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, đến nay vẫn còn khoảng 2.300 bến thủy nội địa hoạt động mà chưa được cấp phép hoặc giấy phép đã hết hạn. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng bến hoạt động chưa được cấp phép là do công tác xây dựng, phê duyệt quy hoạch bến thủy của nhiều địa phương triển khai chậm. Để giải quyết kịp thời những vướng mắc, bất cập trên, đối với những bến chưa có quy hoạch mà không ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường thủy, không nằm trong phạm vi công trình thủy bộ, Sở GTVT địa phương nên cấp phép cho bến hoạt động với thời hạn một năm, sau đó bổ sung vào quy hoạch. Đối với bến mà hồ sơ chưa đáp ứng theo quy định của Thông tư 50, để được cấp phép thì trước mắt chủ bến nộp bản vẽ hiện trạng mặt bằng công trình bến và bản cam kết đảm bảo an toàn công trình bến trong quá trình hoạt động.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm