Hơn 80% công ty được khảo sát dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng... kinh doanh

(PLO)- Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân đề xuất sớm hoàn thành điều tra các vụ án hiện tại để doanh nghiệp ổn định tư tưởng, tập trung sản xuất kinh doanh và cần có nghị quyết không hình sự hóa các quan hệ kinh tế.  
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội Đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) vừa có báo cáo gửi Thủ tướng về kết quả khảo sát tình hình doanh nghiệp (DN), ngày 25-5.

Kết quả khảo sát cho thấy các DN đang phải trải qua giai đoạn đặc biệt khó khăn.

82,3% DN dự kiến giảm quy mô

Theo đó, trong tổng số 9.556 DN tham gia khảo sát trực tuyến (từ 13-4 đến 23-4) thì có đến 82,3% DN dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2023.

Trong đó, tỷ lệ DN dự kiến ngừng kinh doanh, chờ giải thể chiếm 10,9%. Số DN dự kiến tạm ngừng kinh doanh 12,4%. Có đến 38,5% số DN dự kiến sẽ phải giảm mạnh quy mô.

Trong số các DN còn hoạt động năm 2023, có 71.2% dự kiến giảm quy mô lao động trên 5%, trong đó có 22.2% dự kiến giảm trên 50%. Ảnh minh hoạ: PHONG ĐIỀN

Trong số các DN còn hoạt động năm 2023, có 71.2% dự kiến giảm quy mô lao động trên 5%, trong đó có 22.2% dự kiến giảm trên 50%. Ảnh minh hoạ: PHONG ĐIỀN

Trong số các DN còn hoạt động năm 2023 thì trên 70% DN dự kiến giảm quy mô lao động trên 5%, trong đó có hơn 22% dự kiến giảm trên 50%. Doanh thu của DN cũng giảm mạnh, có gần 30% DN giảm trên 50% doanh thu.

Báo cáo của Ban IV cũng cho thấy có đến 81,4% DN được khảo sát có đánh giá tiêu cực, rất tiêu cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong các tháng còn lại của năm 2023.

Theo chia sẻ của các DN thì khó khăn, thách thức lớn nhất mà DN đang phải đối mặt là khó khăn về đơn hàng, khó tiếp cận vốn vay, khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính và đáp ứng các quy định của pháp luật, nguy cơ hình sự hoá các giao dịch kinh tế.

Việc hỗ trợ chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn

Trong bối cảnh khó khăn đó, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn khi có đến 84% DN đánh giá hiệu quả điều hành và hỗ trợ của chính quyền địa phương ở mức kém hiệu quả.

Phân tích về nguyên nhân của những khó khăn này, Ban IV cho rằng hoạt động điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian qua được cộng đồng DN ghi nhận là rất quyết liệt, kịp thời.

Tuy nhiên, vấn đề là khâu triển khai chính sách, truyền thông chính sách và hiệu quả thực thi chưa tương xứng với quyết tâm và hành động của Chính phủ và Thủ tướng.

Cạnh đó, khó khăn của DN ngoài ảnh hưởng của kinh tế thế giới khó khăn còn do vấn đề nội tại gây ra. Ban IV cho rằng đây là thách thức rất lớn nhưng cũng mở ra những cơ hội lớn để Chính phủ thực hiện những cải cách triệt để nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng cao sản lượng kinh tế trong dài hạn.

Kết quả cuộc khảo sát chỉ ra nhiều doanh nghiệp có đánh giá tiêu cực, rất tiêu cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong các tháng còn lại của năm 2023.
Kết quả cuộc khảo sát chỉ ra nhiều doanh nghiệp có đánh giá tiêu cực, rất tiêu cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong các tháng còn lại của năm 2023.

Đề xuất bốn nhóm giải pháp

Để tháo gỡ các khó khăn, nút thắt trước mắt, từ những đề xuất của DN, Ban IV kiến nghị một loạt bốn nhóm giải pháp.

Một là đề xuất giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của DN như kéo dài thời hạn các chính sách hỗ trợ DN đã phát huy hiệu quả trong giai đoạn Covid-19, bao gồm việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2025 thay vì chỉ hết năm 2023; Đưa thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp xuất khẩu về mức 5 - 10% để tạo sức cạnh tranh với doanh nghiệp các nước khác.

Đẩy nhanh việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp tránh kéo dài như hiện nay. Một số cơ chế đặc biệt cần được suy nghĩ tới, ví dụ “cho phép doanh nghiệp được hoàn thuế VAT trong vòng 3 tháng sau khi hoàn thành xuất khẩu đơn hàng” và kết hợp các biện pháp thanh tra, hậu kiểm để kiểm soát rủi ro, chống gian lận thuế nhằm tạo điều kiện cho số đông các đoanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật.

Tiếp tục giãn, hoãn, giảm các khoản phí liên quan đến bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn, hay xem xét mức đóng thuế thu nhập cá nhân mới để phù hợp với bối cảnh mới; đẩy nhanh việc hoàn thuế cho DN tránh kéo dài như hiện nay….

Hai là các đề xuất để DN tiếp cận được vốn vay như nghiên cứu gói tín dụng ưu đãi cho các ngành, lĩnh vực sản xuất chủ lực, trong đó có những khoản mục dành cho DN nhỏ và vừa;

Không siết tín dụng với các nhóm bất động sản liên quan đến xây dựng nhà ở xã hội, bệnh viện, trường học, hạ tầng sản xuất; cho phép ngân hàng thương mại trong nước được mua lại các trái phiếu sắp tới hạn và xử lý như một dạng tín dụng đặc biệt vì lượng trái phiếu này có giá trị vượt rất nhiều lần khả năng mua lại của các doanh nghiệp trong nước…

Cho phép ngân hàng thương mại trong nước được mua lại các trái phiếu sắp tới hạn và xử lý như một dạng tín dụng đặc biệt vì lượng trái phiếu này có giá trị vượt rất nhiều lần khả năng mua lại của các doanh nghiệp trong nước.

Xem xét giảm mạnh lãi suất vay cho thuê, mua nhà ở xã hội để số đông công nhân, người lao động có cơ hội tiếp cận việc thuê, mua nhà từ nguồn hỗ trợ tín dụng. Đồng thời, Nhà nước xem xét các cơ chế để doanh nghiệp tham gia tín chấp, bảo lãnh cho người lao động trong quá trình này so với quy trình xét duyệt phức tạp theo diện đối tượng chính sách như hiện nay để chủ trương phát triển nhà ở xã hội đi vào thực tiễn...

Ba là các đề xuất để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh như sớm hoàn thành điều tra các vụ án hiện tại để DN ổn định tư tưởng, tập trung sản xuất kinh doanh; Đồng thời, cần có nghị quyết không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự như những năm 1997 - 2000

Hạn chế thanh tra, kiểm tra DN, cơ sở sản xuất kinh doanh (không quá 1 lần/năm) và không ban hành thêm văn bản mới tạo thêm gánh nặng về thuế, phí, thủ tục hành chính; đề nghị thay đổi Luật và quy định về đấu thầu, bỏ quy định dùng giá của hợp đồng cũ làm dự toán… Có cơ chế và quy định pháp lý rõ ràng đối với các chính sách, thủ tục hành chính liên quan tới hỗ trợ doanh nghiệp để cán bộ các cấp có thể thực hiện mà không lo bị phạm lỗi.

Phân quyền cho phép cơ quan phòng cháy chữa cháy cấp quận, huyện thẩm duyệt và nghiệm thu cho các nhà máy có vốn đầu tư dưới 200 tỷ và ngành nghề không đặc biệt gây nguy cơ cháy nổ để giảm thời gian chờ đợi kéo dài vì các khâu xét duyệt đang hầu hết tập trung về một vài đầu mối ở trung ương như hiện nay.

Bốn là các đề xuất để hỗ trợ DN tiếp cận thị trường. Chẳng hạn phát huy trọng tâm vai trò của ngoại giao kinh tế và đàm phán thương mại vào việc phát triển, đa dạng hóa thị trường đầu vào và đầu ra để giảm sự phụ thuộc các thị trường truyền thống

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm