Hồng Ánh nghẹn ngào khi hay tin đàn chó bị tiêu huỷ ở Cà Mau

15 con chó theo vợ chồng ông Phạm Minh Hùng về quê (Ảnh cắt từ clip)

Diễn viên Hồng Ánh là thành viên của Tổ chức FOUR PAWS - Tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu. Chị cho biết Tổ chức FOUR PAWS đã nhận được thông tin về việc tiêu hủy các cá thể chó mèo của chính quyền huyện Trần Văn Thời, Cà Mau. 

PLO đã có cuộc trò chuyện với diễn viên Hồng Ánh xoay quanh câu chuyện này. 

Nếu muốn sẽ có giải pháp, không muốn sẽ tìm lý do

. Phóng viên: Chào chị Hồng Ánh, lúc nhận tin chính quyền Cà Mau tiêu huỷ đàn chó 13 con, chị nghĩ gì? 

+ Hồng Ánh: Ai đã từng yêu thương chó mèo, nghe tin như vậy ai mà không đau thắt ruột? 

Tôi thắc mắc liệu là có sự nhẫm lần gì không? Tôi phải kiểm tra lại thông tin dịch tễ học, thì tại thời điểm này, không có bằng chứng cho thấy rằng động vật đóng vai trò quan trọng trong việc lây lan virus gây ra COVID-19, khả năng lây truyền cho con người từ chó mèo là rất thấp. Với tôi, chó mèo không phải nuôi để giết thịt, để giữ nhà…mà đó là bạn, là thành viên của gia đình. 

Diễn viên Hồng Ánh, thành viên của Tổ chức FOUR PAWS - Tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu. Ảnh: FBNV

Dịch bệnh, khó khăn, an sinh nhiều bất cập, chính quyền cũng có những lúng túng, tôi rất hiểu. Nhưng rõ ràng câu chuyện vợ chồng anh Hùng dìu dắt nhau về quê, dù khó khăn nhưng họ vẫn cố gắng đưa đàn chó theo cùng chứ không bỏ lại đã chạm đến trái tim của rất nhiều người, như một tia nắng ấm trong những ngày u ám vì dịch bệnh (dù về an toàn giao thông cho anh chị, cho đàn chó và cộng đồng là nguy hiểm).

Nhưng khi về đến quê hương, họ bị phát hiện dương tính với COVID-19 và 13 bé chó cùng một bé mèo lại bị tiêu huỷ. Thật sự rất đau lòng! Tôi ngạc nhiên, bàng hoàng. Tôi không hiểu tại sao người ta lại có thể quyết định nhanh như vậy. 

. Quan điểm của chị về chuyện này thế nào?

+ Nếu chính quyền thực sự mong muốn, họ sẽ tìm ra giải pháp để hạn chế thấp nhất sự tổn hại, đau lòng đến chủ vật nuôi và động vật.

Nếu muốn sẽ có giải pháp, không muốn sẽ tìm lý do. Ở một số nước, khi người chủ nhiễm COVID-19 phải đi điều trị, vật nuôi phải được giải quyết như sau: 

Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) khuyến cáo bạn nên hạn chế tiếp xúc với động vật, nên tránh tiếp xúc với thú nuôi của mình, bao gồm vuốt ve, ôm nựng, để cho thú hôn hoặc liếm, hay chia sẻ thức ăn hoặc nằm chung giường. Nếu có thể, hãy nhờ một thành viên khác trong gia đình chăm sóc thú cưng của bạn trong khi bạn bị bệnh. Nếu bạn phải chăm sóc thú cưng của mình hoặc ở gần động vật khi bạn bị F0, hãy rửa tay trước và sau khi bạn tiếp xúc với thú cưng, và đeo khẩu trang thường xuyên. Tôi chưa thấy họ yêu cầu phải tiêu huỷ hàng loạt thú cưng vì lo lắng chúng làm lây lan dịch bệnh.

Điều tôi muốn chia sẻ đây là lòng nhân ái. Bất cứ việc gì nếu không lấy từ nền tảng lòng nhân ái thì thật sự nguy hiểm. Tôi tin cộng đồng mạng phẫn nộ không chỉ vì việc những con chó, mèo bị giết mà họ yêu cầu một sự điều chỉnh, nhìn nhận lại các vấn đề bất cập trong cách phòng chống dịch ở nước ta giữa các địa phương hiện đang thiếu sự thống nhất và các hướng dẫn cụ thể. Câu chuyện không chỉ dừng lại ở chó, mèo, mà đó là tình thương của con người trong xã hội hiện đại. 

Ở nhiều nước, chó tham gia lực lượng tuyến đầu

. Nhưng không ít người cho rằng, thời kỳ dịch bệnh, người còn khó khăn, còn đói huống chi chó mèo… 

+  Tôi nghĩ hai cái đó không nên loại trừ nhau, không phải vì có tình cảm với chó mèo thì sẽ thiếu tình cảm với con người, và ngược lại. Chúng ta vẫn có thể hỗ trợ cho cả những người đang gặp khó khăn lẫn những con vật mà họ vốn coi là thành viên trong gia đình.

Các bác sĩ đầu ngành dịch tễ, các tài liệu thống kê cũng đưa ra kết quả chó mèo không phải là vật chủ lây truyền, khả năng lây truyền virus Corona từ chó mèo cho con người là rất thấp.

UBND huyện Trần Văn Thời họp báo chiều 10-10. Ảnh: TRẦN VŨ

TP.HCM trải qua hơn 3 tháng chống dịch, rất nhiều gia đình có nuôi thú cưng mà cả nhà là F0. Thế nhưng tôi chưa thấy chính quyền tại các quận huyện của thành phố ra lệnh tiêu huỷ vật nuôi bao giờ, thậm chí có câu chuyện cảm động về các điều dưỡng và tình nguyện viên tại một bệnh viên dã chiến trong thành phố đã thay chủ nhân chăm sóc thú cưng trong khu cách ly. Bạn cún đó đã mang thai, sinh con trong khu cách ly. Kể cả người chủ ấy đi mãi không về thì hiện tại bạn ấy vẫn ở tại bệnh viện, mà quỹ đất cho việc cách ly vật nuôi tại TP còn hiếm hơn ở các tỉnh miền Tây. 

Nhiều quốc gia trên thế giới còn huấn luyện chó tham gia lực lượng tuyến đầu giúp phát hiện bệnh nhân COVID-19, đánh hơi nhận diện F0. Các chú chó chơi đùa với nhân viên y tế giúp cho họ giảm căng thẳng khi công việc của họ quá nhiều áp lực, số lượng bệnh nhân tử vong cao, họ bị stress nặng, căng thẳng. Một số nơi, chó còn là người bạn giúp các bệnh nhân trầm cảm, các bệnh nhân F0 hậu COVID-19 trong điều trị. Rất nhiều người có vấn đề về rối loạn tâm thần trong và sau dịch bệnh: những bệnh nhân F0 khỏi bệnh, những người bị mất việc làm, chủ doanh nghiệp phá sản,… Các bác sĩ từng khuyên rằng hãy thử nhận nuôi một thú cưng, chúng sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc  điều trị, cải thiện bệnh lý. 

.Vậy nếu là chị, chị sẽ xử lý việc này như thế nào? Hoặc chị có kiến nghị, giải pháp gì để tránh những câu chuyện tương tự? 

+ Nếu tôi là chủ của những chú chó, tôi mong một thái độ cầu thị, một câu trả lời thoả đáng thấu tình, đạt lý, yêu cầu có hỗ trợ cụ thể cho gia đình tôi với thiệt hại từ quyết định nóng vội mà chính quyền đã gây ra.

Bên cạnh đó tôi sẽ gửi thư thỉnh nguyện đến các tổ chức bảo vệ động vật trong và ngoài nước; gửi kiến nghị tới các cấp lãnh đạo để đề nghị một quy trình chăm sóc – xử lý động vật cụ thể hợp tình, hợp lý khi có thiên tai dịch bệnh tại cổng thông tin của Chính phủ.

Diễn viên Hồng Ánh là người đã giúp "bé Phèn" có một cuộc sống mới. Ảnh: FBNV

Liên quan đến sinh mạng không chỉ là con người hay vật nuôi, chúng ta phải cân nhắc thấu đáo trước mỗi quyết định. Tôi biết trong thời gian dịch bệnh rối ren, khó khăn còn nhiều. Chỉ xin mọi người chậm lại một chút, hãy đặt tình thương trên hết để đưa ra quyết định. Tôi không nghĩ sự việc này chỉ là chuyện con chó, con mèo.

Điều tôi rùng mình là việc họ ra quyết định quá nhanh, thực hiện chớp nhoáng và thấy đó là việc rất bình thường,... Dù tôi hiểu họ làm việc này cũng vì phòng chống dịch. Người hay chó ai cũng chết, ai cũng một lần chết.  Nhưng nếu xem việc này là chuyện rất bình thường thì thật nguy hiểm.

Tôi mong tới đây chính quyền địa phương, y tế của các tỉnh, của thành phố hãy có những quy chế, hướng dẫn cụ thể hơn. Dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp và chưa kết thúc, nhất là ở miền Tây trong thời gian sắp tới khi dòng người lao động nhập cư từ TP.HCM và một số tỉnh lân cận vẫn tiếp  tục kéo về quê. 

Đi kèm theo người dân trở về quê hương, không chỉ có người lớn, mà còn có trẻ nhỏ, người già và cả thú cưng của họ, những thành viên trong gia đình mà họ không thể tách rời. Nếu cho phép họ về thì hãy sắp xếp hướng dẫn cho người già, trẻ nhỏ và cả vật nuôi của họ ở đâu, bố trí như thế nào. Còn nếu không cho phép thì cũng có thông tin hướng dẫn rõ ràng để người dân biết hướng xử lý. Ở TP.HCM, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, nhiều tổ chức hỗ trợ động vật có thể giúp đỡ khi người dân lên tiếng.  

Cần tránh mạt sát nhau khi nói về câu chuyện đàn chó


Cà Mau, huyện Trần Văn Thời là một vùng đất nổi tiếng trong kháng chiến vì tinh thần đấu tranh chống giặc qua nhiều thời kì, tôi cảm thấy rất xót xa khi hay tin vụ việc này xảy ra nơi đây.

Nhân đây, tôi cũng mong dư luận, nhất là cộng đồng mạng xã hội, cộng đồng yêu thương động vật khi bày tỏ thái độ, cảm xúc với câu chuyện này thì hãy bằng thái độ văn minh, thiện chí và bao dung. Tuyệt đối tránh hành vi mạt sát, nguyền rủa, công kích bất kỳ cá nhân nào. Vì như vậy là chúng ta đang đi ngược lại tính văn minh, nhân bản mà các bạn đang đòi hỏi ở chính quyền huyện Trần Văn Thời.

Diễn viên HỒNG ÁNH,
thành viên của Tổ chức FOUR PAWS - Tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới