HoREA kiến nghị bù trừ thu nhập cho bất động sản

Ngày 13/10, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, vừa gửi văn bản lên Chính phủ kiến nghị thay đổi cách tính thực hiện bù trừ thu nhập từ hoạt động kinh doanh đối với công ty bất động sản.

Theo đó, HoREA mong doanh nghiệp bất động sản được thực hiện bù trừ thu nhập hai chiều từ hoạt động kinh doanh bất động sản với thu nhập từ các hoạt động sản xuất kinh doanh khác. “Việc này là để đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng và bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp”, ông Châu nói.

Doanh nghiệp bất động sản mong được bù lỗ 2 chiều

Hiện tại, doanh nghiệp bất động sản chỉ được lấy lợi nhuận từ hoạt động ở các lĩnh vực khác để bù trừ cho hoạt động kinh doanh bất động sản nếu bị thua lỗ. Thế nhưng, doanh nghiệp lại không được lấy lợi nhuận từ bất động sản để bù trừ cho các hoạt động kinh doanh khác bị thua lỗ.

“Quy định này không phù hợp với thông lệ quốc tế, bất hợp lý và không công bằng đối với các doanh nghiệp bất động sản. Các ngành nghề khác đều được Nhà nước cho phép hạch toán bù trừ trong quá trình kinh doanh để xác định lợi nhuận và nghĩa vụ nộp thuế thu nhập của doanh nghiệp”, ông Châu cho biết thêm.

Trước đó, tại hội nghị “Doanh nghiệp Việt Nam – Động lực phát triển kinh tế của đất nước” được tổ chức hồi cuối tháng 4, HoREA đã đề nghị Chính phủ cho phép doanh nghiệp bất động sản được thực hiện bù trừ thu nhập từ hoạt động kinh doanh bất động sản với thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh khác.

Đến ngày 16/5/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Trong đó, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất để thực hiện bù trừ thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản với thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên cho đến nay, Nghị quyết này vẫn chưa được triển khai vào thực tế. Do đó, HoREA kiến nghị Chính phủ và Bộ Tài chính nên nhanh chóng cho phép thực hiện Nghị quyết 35 để đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng và bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới