Ngoài ra, còn có chất thải rắn y tế (như các loại bông băng, gạc, kim tiêm… phát sinh từ hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc y tế); chất thải rắn xây dựng (như sắt thép vụn, xà bần… phát sinh từ hoạt động xây dựng, phá dỡ, cải tạo, sửa chữa các công trình xây dựng).
Các nguồn phát sinh rác
Theo tài liệu hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, chất thải rắn sinh hoạt được phát sinh từ những nơi có hoạt động của con người:
- Dân cư: là nơi sinh sống của người dân đô thị bao gồm biệt thự, nhà phố (hộ gia đình) riêng lẻ, nhà phố nhiều hộ, chung cư cao tầng, trung bình và thấp tầng;
- Cơ quan: là khu vực văn phòng công sở (cơ quan nhà nước), văn phòng công ty, trường học…;
- Thương mại: là khu vực cửa hàng tạp hóa, cửa hàng bán sỉ lẻ, nhà hàng, cửa hàng ăn uống, chợ, siêu thị, cửa hàng, cửa hiệu dịch vụ, trạm sửa chữa và bảo trì xe…;
- Khách sạn: là khu vực khách sạn với các cấp (sao) khác nhau, phòng cho thuê…;
- Công cộng: là khu vực sinh hoạt chung của cộng đồng (tập trung đông người) như quảng trường, công viên, tượng đài, khu thể thao, rạp chiếu phim, rạp hát, bến xe, bến tàu, sân bay, vỉa hè…;
- Sản xuất: là các cơ sở công nghiệp riêng lẻ hoặc các khu công nghiệp tập trung, khu chế xuất, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp…;
- Khu vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng: là các bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng, trung tâm hay phòng khám đa khoa…
Sơ đồ cách phân loại các loại rác tại nhà.
Hiện nay, tổng khối lượng chất thải rắn đô thị phát sinh trên địa bàn TP ước tính hơn 8.000 tấn/ngày. Trong đó, chất thải rắn phát sinh từ hộ gia đình chiếm khoảng 60%-70% và bao gồm các nhóm sau đây:
- Các chất thải phát sinh từ quá trình sơ chế, chế biến thực phẩm (vỏ rau củ quả, đầu vỏ tôm cá…), thức ăn thừa… (chất thải thực phẩm);
- Giấy vụn, giấy báo cũ, bìa carton… (chất thải giấy);
- Túi nylon, vỏ chai nước suối, vỏ chai dầu gội… (chất thải nhựa);
- Vỏ lon nhôm, vỏ đồ hộp (chất thải kim loại);
- Vỏ chai thủy tinh, sành, sứ…;
- Lá cây, cành cây, cỏ… (chất thải vườn);
- Các loại khác: vỏ hộp sữa, vỏ bao bì bánh kẹo; vải vụn; cao su…
Hướng dẫn phân loại rác sinh hoạt tại nhà
Đối với chất thải rắn sinh hoạt thông thường phát sinh tại nhà, chúng ta phân loại như sau:
* Chất thải hữu cơ dễ phân hủy gồm: thực phẩm, vỏ rau củ quả trong quá trình chế biến, thức ăn thừa… Các chất thải này có thể để trong thùng chứa riêng có lớp túi lót để tránh vương vãi và chảy nước trong quá trình lưu chứa ra ngoài. Sau khi phân loại, chất thể có thể được tái chế thành phân compost bón cho cây trồng hoặc chuyển cho các đơn vị làm thức ăn gia súc, gia cầm.
* Chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế, gồm: các loại giấy, vỏ lon nhôm, vỏ chai PET… Các chất thải này sau khi được phân loại có thể để riêng từng loại ở một góc hoặc chỉ cần bỏ vào túi nylon, không nhất thiết phải trang bị thêm thùng chất thải để lưu chứa và sau đó có thể được tái sử dụng hoặc chuyển cho các cơ sở thu mua phế liệu, bán ve chai để mang đi tái chế. Việc phân loại các chất thải vào nhóm này có thể điều chỉnh tùy theo điều kiện thực tế (cơ sở vật chất, thành phần chất thải phát sinh, hiện trạng thu gom…) và hướng dẫn của địa phương (đối với các địa phương có thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn).
* Chất thải còn lại bao gồm các loại như bao đựng bánh, kẹo, các loại màng co, màng hai lớp, tã, vải… được phân loại riêng và chuyển cho đơn vị thu gom chất thải để thu gom, vận chuyển đến nơi xử lý.
Mỗi hộ gia đình cần có hai thùng rác: thùng màu xanh (bên trái) đựng chất thải hữu cơ dễ phân hủy; thùng màu xám (bên phải) đựng chất thải còn lại.
Được biết Sở TN&MT đang tổ chức tập huấn chuyên môn về quy trình phân loại, cách tiếp nhận và trung chuyển… các loại chất thải rắn sinh hoạt, nguy hại… cho các quận, huyện. Tiếp đó sẽ có hướng dẫn chi tiết cho hộ dân, chủ nguồn thải… để đi đến giai đoạn thực hiện đại trà trên toàn TP.