Tọa đàm nhằm sơ kết công tác năm năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Tại buổi tọa đàm, nhiều sở/ngành, quận/huyện đã đưa ra các kết quả đạt được kể từ khi triển khai Nghị quyết 24 cùng với nhiều giải pháp cụ thể như: Xây dựng các mô hình khu dân cư không rác; CLB Bờ kênh xanh của Đoàn thanh niên; rèn luyện học sinh xả rác đúng nơi quy định trong trường học; tổ chức các buổi chiếu phim vận động tiểu thương không xả rác và sử dụng túi thân thiện với môi trường; phân loại rác tại nguồn... Cạnh đó, tọa đàm cũng đã chỉ ra những hạn chế trong công tác tuyên truyền và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân hiện nay, trong đó có vấn đề nan giải hiện nay là chương trình phân loại rác tại nguồn.
Đoàn xe tuyên truyền bảo vệ môi trường của quận Bình Thạnh (TP.HCM) trong đợt ra quân vận động người không xả rác 2018.
Đại diện các sở/ngành, quận/huyện đều cho rằng hiện nay công tác tuyên truyền được triển khai rất rầm rộ nhưng chưa thực sự tiếp cận được với đối tượng chính cần tuyên truyền. Các địa phương cho biết họ yêu cầu người dân phân loại rác hữu cơ và rác vô cơ ngay tại nhà nhưng khi thu gom đơn vị lại đổ chung một xe, hay ý kiến việc xử lý rác hiện nay chủ yếu là chôn lấp... Khi địa phương tổ chức các cuộc họp, chủ yếu người già, thậm chí là người giúp việc đi họp thay nên các chủ hộ chưa nắm bắt được việc bảo vệ môi trường.
Đại diện Sở TN&MT TP.HCM thông tin hiện dân số TP có những thời điểm lên tới hơn 13 triệu người (chính thức và không chính thức). Vì vậy, công tác tuyên truyền chưa tiếp cận được đối tượng là người dân từ nơi khác tới học tập, làm việc. Và TP đang thiếu hụt đội ngũ tuyên truyền viên do thiếu kinh phí.
Trong khi đó, đại diện Sở GD&ĐT TP.HCM trăn trở: “Hiện trên địa bàn TP có hơn 1,6 triệu học sinh và các trường đều tập huấn kỹ năng bảo vệ môi trường cho học sinh; tổ chức phân loại rác thải tại nguồn và vận động căn tin trường học sử dụng túi giấy thay cho túi nylon… Kết quả là không còn tình trạng học sinh xả rác trong khuôn viên trường. Tuy nhiên, khi ra khỏi trường, học sinh lại chứng kiến cảnh người lớn xả rác và các em bắt chước làm theo, vô hình chung công tác trong nhà trường bị ảnh hưởng, thậm chí là phản tác dụng”.
PGS-TS Võ Lê Phú, Phó Trưởng khoa Môi trường và Tài nguyên, ĐH Bách khoa TP.HCM, cho rằng nếu TP chưa chuẩn bị được hạ tầng (xe thu gom chuyên dụng) để thu gom riêng, chưa có phương án xử lý rác thải sau khi phân loại thì khoan triển khai phân loại rác trong nhân dân. “Nếu yêu cầu dân phân loại rác mà hạ tầng xử lý chưa có thì sẽ làm mất tác dụng của công tác tuyên truyền. Khi nào hạ tầng đã sẵn sàng thì hãy vận động người dân” - PGS-TS Võ Lê Phú nói.
Đúc kết các vấn đề thảo luận tại tọa đàm, PGS-TS Phạm Ngọc Linh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Ban Tuyên giáo Trung ương), ghi nhận nỗ lực của TP.HCM trong việc triển khai khá tốt Nghị quyết 24 với nhiều mô hình hay. Nhất là với một TP đông dân, trong đó lượng dân từ các tỉnh, thành khác đổ về sinh sống và làm việc rất lớn nên vấn đề tuyên truyền để đạt mục tiêu nâng cao nhận thức là rất khó.
PGS-TS Phạm Ngọc Linh cho rằng: TP.HCM cần quan tâm đẩy mạnh là tăng cường sự phối hợp giữa các sở/ngành, quận/huyện, các địa phương và đơn vị. Cần phối hợp theo ngành ngang, ngành dọc, phải nâng cao tầm quan trọng của sự nêu gương, nghĩa là người lớn làm gương cho người trẻ, con trẻ tác động ngược trở lại người lớn. Cần tập trung nguồn lực cho các chương trình bảo vệ môi trường, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cấp, các ngành và toàn nhân dân. Bên cạnh tuyên truyền thì phải nâng cao các công cụ như chế tài xử phạt, áp dụng công nghệ thông tin vào tuyên truyền…