Rác không phải là thứ bỏ đi, vô giá trị

Rác thải sinh hoạt ở thể rắn thường gồm giấy, thủy tinh, kim loại, nhựa, vải, thức ăn, cành cây, xác động vật...

Làm giảm lượng rác thải ra môi trường

Các chất hữu cơ tự nhiên như lá, cành cây, thức ăn thừa, xác chết động vật... là những thứ rất mau phân hủy và gây ô nhiễm môi trường. Khi bị phân hủy, chúng bốc mùi khó chịu, phát sinh nhiều vi trùng gây bệnh thu hút côn trùng, ruồi, nhặng, chuột, bọ, tạo điều kiện cho chúng phát triển gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước và truyền bệnh sang người và gia súc. Tuy nhiên, nếu sử dụng hợp lý, lượng chất hữu cơ này có thể trở thành nguyên liệu rất tốt để sản xuất phân hữu cơ, khí sinh học.

Rác không phải là thứ bỏ đi mà có thể tái chế. Trong ảnh: Tận dụng các chai nhựa đã qua sử dụng và làm thành vườn hoa tại nhà.

Loại rác thải là giấy, bìa, nhựa, thủy tinh, kim loại vụn là những thứ có thể tái chế hoặc tái sử dụng được. Tái chế tức là dùng nó làm nguyên liệu để sản xuất ra sản phẩm mới. Tái sử dụng tức là thu hồi, làm sạch và sử dụng lại. Việc tái chế, tái sử dụng đem lại nhiều lợi ích như:

  • Tạo thêm hàng hóa sử dụng.
  • Tạo công ăn việc làm cho những người làm công tác thu nhặt, phân loại rác.
  • Thay thế một phần nguyên liệu đầu vào, tiết kiệm được tài nguyên, khoáng sản và tái sử dụng chúng.
  • Góp phần thay đổi thói quen của con người trong tiêu thụ và thải loại.

Các chất thải cháy được như chất hữu cơ, giấy, vải, nhựa... có thể dùng làm chất đốt, lấy nhiệt cung cấp cho việc khô sấy hàng hóa, sản xuất điện. Tuy nhiên, phương pháp này có thể sinh ra nhiều loại khí độc có hại cho sức khỏe. Những phần không thể tái chế, tái sử dụng, làm phân bón được của rác thải có thể dùng làm vật liệu san lấp trong xây dựng. Như vậy, rác thải không hoàn toàn là thứ bỏ đi, vô giá trị mà vấn đề là con người đối xử với chúng như thế nào.

Vì sao mưa phùn một chút lại có lợi cho sức khỏe?

Vào những ngày có mưa phùn ẩm ướt, ta thường cảm thấy sảng khoái và tỉnh táo hơn các ngày khác, nhất là ở những vùng khô hanh ít mưa. Vì sao mưa phùn lại khiến con người cảm thấy dễ chịu?

Bởi trong không khí khô hanh có rất nhiều bụi bặm khiến con người hít thở sẽ cảm thấy ngột ngạt khó chịu. Mưa phùn rơi kéo theo hầu như tất cả bụi bặm trong không khí xuống mặt đất. Các nhà khoa học cho biết một số chất bụi trong khí quyển có tính phóng xạ. Khi mưa to những hạt bụi có tính phóng xạ này không được rửa sạch nhưng mưa phùn các hạt bụi phóng xạ hạ thấp dần và mất đi tính phóng xạ mà không làm ô nhiễm môi trường trên mặt đất.

Những hạt mưa phùn lất phất sẽ gột rửa sạch các hạt bụi trong không trung, làm không khí trong sạch, đồng thời làm tăng các hạt i-on âm trong không khí. Chính vì vậy khi trời mưa phùn con người cảm thấy sảng khoái, sức khỏe như được tăng thêm.

Vì sao trong thành phố cần có nhiều cây cỏ, hoa lá?

Cây cỏ, hoa lá là một thành phần không thể thiếu của tự nhiên. Cây cỏ, hấp thụ khí carbonic, thải ra khí ô \xy, là loại khí rất cần cho con người và muôn loài hít thở.

Trong thành phố đông người, nhiều ô tô, xe máy, thường đốt nhiều xăng dầu, thải ra nhiều khí carbonic và nhiều loại khí độc hại vào môi trường. Vì thế, trong nội đô thành phố cần có nhiều cây xanh để giúp giảm lượng khí carbonic và các khí độc hại khác. Cây cỏ, hoa lá tạo cho quang cảnh tươi mát, dễ chịu, màu sắc tự nhiên.

Cây cỏ, hoa lá giữ cho đất được ẩm và không bị mặt trời nung nóng. Những con đường nhựa, các khối nhà bê tông bị mặt trời hun nóng, các động cơ, máy điều hòa tỏa nhiệt ra làm nóng không khí xung quanh, đường phố nóng nực. Do đó, khi có nhiều khoảng cây xanh trên đường phố, xen kẽ trong khu dân cư thì không khí thành phố sẽ được điều hòa, bớt nóng hơn. Các con đường có nhiều cây xanh, bóng mát, giúp cho người qua đường tránh được cái nắng nóng, tạo cảm giác dễ chịu, thoải mái.

Trong thành phố thường có nhiều bụi, xe cộ và người đi lại liên tục, các công trình xây dựng, nhà máy nhả khói... làm không khí nóng hơn. Tán cây như tấm lưới, nó giữ lại một phần bụi trên lá và không cho bụi bay đi xa. Những khoảng cây xanh trong thành phố sẽ như những cái máy hút bụi, làm sạch môi trường. Đặc biệt, cây cỏ tiết ra một số chất kháng sinh thực vật có khả năng tiêu diệt vi trùng gây bệnh. Ở đâu có cây xanh, ở đó sẽ có không khí sạch sẽ hơn. Thành phố càng có nhiều cây xanh, môi trường sẽ càng ít bị ô nhiễm hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm