Hướng dẫn mới về án treo của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao

(PLO)- Nhiều quy định về án treo như điều kiện hưởng, các trường hợp không cho hưởng án treo… được áp dụng theo quy định mới từ ngày 10-5.

Ngày 15-4, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao ban hành Nghị quyết 01/2022 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 02/2018 hướng dẫn áp dụng BLHS về án treo.

Nghị quyết này đã được Hội đồng thẩm phán thông qua ngày 23-3 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10-5.

Sửa quy định về điều kiện được hưởng án treo

Nghị quyết 01/2022 đã sửa đổi điều kiện về nhân thân của bị cáo để được xem xét cho hưởng án treo.

Cụ thể, khi xem xét cho hưởng án treo đối với người đã bị xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) hoặc bị xử lý kỷ luật thì điều kiện cần là tính đến ngày phạm tội đang được xét xử đã quá thời hạn được coi là chưa bị xử phạt VPHC, chưa bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.

Một phiên tòa ở TAND Cấp cao tại TP.HCM. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG

Theo Luật Xử lý VPHC năm 2012, thời hạn được coi là chưa bị xử phạt VPHC là sáu tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc một năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt VPHC mà không tái phạm.

Trước đó, Nghị quyết 02/2018 quy định người đã bị xử phạt VPHC hoặc bị xử lý kỷ luật mà thời gian được coi là chưa bị xử phạt VPHC, chưa bị xử lý kỷ luật tính đến ngày phạm tội lần này đã quá sáu tháng thì được xem xét cho hưởng án treo.

Ngoài ra, nghị quyết mới của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao còn bổ sung điều kiện xem xét hưởng án treo trong hai trường hợp khác.

Đối với người bị kết án mà khi định tội đã sử dụng tình tiết “đã bị xử lý kỷ luật” hoặc “đã bị xử phạt VPHC” hoặc “đã bị kết án” và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo.

Đối với người bị kết án mà vụ án được tách ra để giải quyết trong các giai đoạn khác nhau (tách thành nhiều vụ án) và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo.

Khi xem xét, quyết định cho bị cáo hưởng án treo, tòa án phải xem xét thận trọng, chặt chẽ các điều kiện để bảo đảm việc cho hưởng án treo đúng quy định của pháp luật.

Sáu trường hợp không cho hưởng án treo

Theo Nghị quyết 01/2022, kể từ ngày 10-5, có sáu trường hợp người bị kết án phạt tù không được cho hưởng án treo.

Thứ nhất, người phạm tội là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tính chất chuyên nghiệp, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Thứ hai, người thực hiện hành vi phạm tội bỏ trốn và đã bị các cơ quan tiến hành tố tụng truy nã hoặc yêu cầu truy nã, trừ trường hợp đã ra đầu thú trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Thứ ba, người được hưởng án treo phạm tội mới trong thời gian thử thách; người đang được hưởng án treo bị xét xử về một tội phạm khác thực hiện trước khi được hưởng án treo.

Người bị kết án mà khi định tội đã sử dụng tình tiết “đã bị kết án” và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo.

Thứ tư, người phạm tội bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội, trừ một trong các trường hợp người phạm tội là người dưới 18 tuổi; người phạm tội bị xét xử và kết án về hai tội đều là tội phạm ít nghiêm trọng hoặc người phạm tội là người giúp sức trong vụ án đồng phạm với vai trò không đáng kể.

Thứ năm, người phạm tội hai lần trở lên, trừ một trong các trường hợp là người phạm tội là người dưới 18 tuổi; các lần phạm tội đều là tội phạm ít nghiêm trọng; các lần phạm tội, người phạm tội là người giúp sức trong vụ án đồng phạm với vai trò không đáng kể; các lần phạm tội do người phạm tội tự thú.

Thứ sáu, người phạm tội thuộc trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm.

Như vậy, so với hướng dẫn trước đây, nghị quyết mới đã bổ sung thêm nhiều trường hợp vẫn được xem xét cho hưởng án treo nếu đáp ứng đủ các điều kiện khác, như trường hợp người phạm tội hai lần trở lên mà các lần phạm tội đều là tội phạm ít nghiêm trọng.

Ấn định thời gian thử thách với người đã bị tạm giữ, tạm giam

Nghị quyết 01/2022 bổ sung quy định về xác định thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với người bị kết án nhưng cho hưởng án treo đã bị tạm giữ, tạm giam.

Theo đó, thời gian đã tạm giữ, tạm giam đối với người bị kết án nhưng cho hưởng án treo không được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù để ấn định thời gian thử thách.

Trường hợp trong thời gian thử thách nếu phạm tội mới hoặc vi phạm nghĩa vụ buộc phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo thì khi giải quyết, tòa án trừ thời gian đã bị tạm giữ, tạm giam này vào thời gian chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo hoặc bản án mới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới