Hướng dẫn xét xử vụ án lừa đảo do công chứng giấy tờ giả

(PLO)- Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ giải đáp về vấn đề trách nhiệm bồi thường thiệt hại của văn phòng công chứng khi công chứng viên chứng giấy tờ giả.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 24-4, TAND Tối cao tổ chức hội nghị tập huấn trực tuyến chuyên đề “Giải đáp những vướng mắc về nghiệp vụ xét xử và hướng dẫn áp dụng pháp luật của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao”. Tham dự hội nghị có Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ.

Tại hội nghị, tòa án nhiều địa phương đã đặt các câu hỏi về những vướng mắc trong quá trình xét xử.

Nhân viên chiếm đoạt tiền phạm tội gì?

Điểm cầu TAND quận Tân Bình, TP.HCM đặt câu hỏi về việc xác định tội danh đối với tình huống nhân viên chiếm đoạt tiền. Cụ thể, bị cáo là nhân viên thu tiền điện thoại, cước viễn thông, thực hiện việc thu tiền của khách hàng cho công ty. Nhưng sau khi thu được tiền của khách hàng, bị cáo đã chiếm đoạt số tiền này, không trả cho công ty. Vậy hành vi của bị cáo phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hay tội tham ô tài sản?

Ông Phùng Văn Hải, Phó Chánh án TAND TP.HCM, đặt câu hỏi tại hội nghị. Ảnh: SONG MAI

Ông Phùng Văn Hải, Phó Chánh án TAND TP.HCM, đặt câu hỏi tại hội nghị. Ảnh: SONG MAI

Trả lời câu hỏi trên, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết bị cáo là người được giao thực hiện nhiệm vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, có trách nhiệm quản lý tài sản nhưng lợi dụng nhiệm vụ được giao thu tiền của khách hàng, không nộp về công ty mà dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý. Do đó, hành vi của bị cáo phạm tội tham ô tài sản, căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 352 BLHS 2015 về khái niệm tội phạm về chức vụ và hướng dẫn tại khoản 5 Điều 2 Nghị quyết 03/2020 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao.

Liên quan đến vấn đề này, báo Pháp Luật TP.HCM từng đưa tin, ngày 19-4, TAND TP.HCM xét xử phúc thẩm lần hai vụ bị cáo Bành Tất Hoài (nhân viên giao hàng) chiếm đoạt 27,1 triệu đồng tiền hàng của Công ty CP Giao hàng tiết kiệm - Chi nhánh TP.HCM.

Phiên phúc thẩm được mở do có kháng cáo của bị cáo và kháng nghị của VKSND quận Tân Bình, đề nghị sửa án sơ thẩm, tuyên bị cáo Hoài phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Tại phiên xử, HĐXX phúc thẩm đã căn cứ khoản 2 Điều 352 BLHS Nghị quyết 03/2020 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao để tuyên không chấp nhận kháng nghị của VKS và kháng cáo của bị cáo Hoài, tuyên bị cáo y án sơ thẩm ba năm tù về tội tham ô tài sản.

Trong vụ án lừa đảo, về nguyên tắc thì ai chiếm đoạt thì người đó phải bồi thường, Văn phòng công chứng làm đúng quy định thì không thể buộc liên đới bồi thường.

Trách nhiệm bồi thường khi công chứng giấy tờ giả

Cũng tại hội nghị, ông Phùng Văn Hải, Phó Chánh án TAND TP.HCM, đã đặt câu hỏi về trách nhiệm bồi thường của tổ chức hành nghề công chứng khi công chứng viên công chứng hợp đồng, giấy tờ giả.

Ông Hải đặt ra tình huống bị cáo có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của bị hại, trong đó văn phòng công chứng (VPCC) thực hiện việc công chứng đối với các hợp đồng, giấy tờ, tài liệu (do bị cáo làm giả), tạo điều kiện cho bị cáo thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với công chứng viên thì có buộc trách nhiệm liên đới bồi thường của VPCC cùng với bị cáo cho bị hại hay không?

Trả lời, ông Nguyễn Trí Tuệ cho biết bị cáo thực hiện hành vi gian dối để chiếm đoạt tiền của bị hại; trong khi đó, về nguyên tắc thì ai chiếm đoạt thì người đó phải bồi thường. Quá trình điều tra, truy tố, xét xử không xem xét, xử lý hành vi vi phạm của công chứng viên, không chứng minh được công chứng viên đồng phạm với bị cáo cũng như sử dụng số tiền bị cáo chiếm đoạt. Đồng thời, VPCC thực hiện công chứng theo quy định pháp luật, không thể biết được thủ đoạn gian dối của bị cáo để chiếm đoạt tiền của bị hại.

Do đó, không thể buộc trách nhiệm liên đới của VPCC trong việc bồi thường cho bị hại, mà chỉ buộc bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường (hoàn trả) số tiền đã chiếm đoạt.

Kết luận tại hội nghị, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình hoan nghênh các cấp tòa đã gửi câu hỏi, đóng góp ý kiến để hội nghị tập huấn diễn ra thành công. Chánh án cũng đề nghị tòa án các cấp tiếp tục phản hồi những băn khoăn, gửi thêm câu hỏi về Vụ Pháp chế và quản lý khoa học TAND Tối cao tổng hợp, chuẩn bị cho đợt tiếp theo.

Dùng tài sản chung làm công cụ phạm tội, có bị tịch thu?

TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đặt câu hỏi: Trong vụ án hình sự, bị cáo dùng tài sản chung của vợ chồng làm công cụ, phương tiện phạm tội mà vợ hoặc chồng của bị cáo không có lỗi trong việc để cho bị cáo sử dụng tài sản đó vào việc thực hiện tội phạm thì có tịch thu tài sản chung đó không? Nếu tịch thu thì tịch thu một phần hay tịch thu toàn bộ tài sản chung đó?

Về vấn đề này, TAND Tối cao cho biết trường hợp đã xác định bị cáo dùng tài sản chung của vợ chồng làm công cụ, phương tiện phạm tội, căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 47 BLHS thì phải tịch thu toàn bộ công cụ, phương tiện phạm tội đó mà không phụ thuộc vào việc người vợ hoặc chồng của bị cáo có lỗi hay không trong việc để cho bị cáo sử dụng tài sản chung đó làm công cụ, phương tiện phạm tội.

Nếu người vợ hoặc chồng của bị cáo có tranh chấp về quyền sở hữu hoặc yêu cầu bồi thường một phần giá trị của tài sản chung mà bị cáo dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội thì giải quyết theo quy định pháp luật về tố tụng dân sự.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm