Sáng 27-11, Sở GD&ĐT TP.HCM đã phối hợp với Công an TP, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP tổ chức tập huấn công tác phòng chống tội phạm, ma túy, thuốc lá mới và các chất gây nghiện cho HS trên địa bàn quận 1, quận 3.
Mở đầu buổi nói chuyện của mình, bác sĩ Huỳnh Thị Hoài Thương, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM đưa ra một câu hỏi.
“Hiện nay có nhiều loại thuốc lá. Vậy theo em, chất gì vừa có trong thuốc lá truyền thống, vừa có trong thuốc lá điện tử” – Bác sĩ Thương vừa dứt lời, nhiều cánh tay đã xung phong phát biểu.
Một nữ sinh chia sẻ: “Đó là chất nicotine”.
“Đây là câu trả lời chính xác. Nicotine là chất gây nghiện, nó được hấp thụ qua da, miệng và niêm mạc mũi hoặc hít vào phổi" - bác sĩ Thương nói và cho biết chiêu trò của ngành công nghiệp thuốc lá rất tinh vi với mục đích nhắm vào giới trẻ.
“Tiêu đề của bài báo nói tác hại của thuốc lá điện tử nhưng nội dung lại cho rằng thuốc lá điện tử ít có hại hơn thuốc lá truyền thống. Vậy, các em có tin vào điều đó?”, bác sĩ Thương gợi mở.
Trần Quang Minh, học sinh lớp 10 bày tỏ: “Theo tìm hiểu của em, thuốc lá điện tử còn gây hại hơn thuốc lá truyền thống. Vì trong thuốc lá điện tử có hơn 15.000 hợp chất tạo mùi thơm, trong đó có hợp chất formaldehyde có thể gây ngộ độc cơ thể con người”.
Theo bác sĩ Thương, qua nhiều nghiên cứu, tổ chức y tế thế giới đã khẳng định thuốc lá điện tử gây hại hơn thuốc lá truyền thống.
Bằng cách đặt câu hỏi như thế, những thông tin về thuốc lá điện tử được bác sĩ Thương truyền đạt đến học sinh một cách dễ hiểu, sinh động qua sự tương tác.
Lắng nghe một cách chăm chú, Trần Gia Phú, học sinh lớp 10 chia sẻ buổi tập huấn khá thú vị.
“Em không chỉ có thêm kiến thức về ma túy mà còn biết thêm nhiều thông tin mới về thuốc lá điện tử và hiểu đúng về nó trước những tin tức sai lệch. Thực tế những thông tin này em có thể tìm hiểu trên mạng nhưng khi được giao lưu trực tiếp với diễn giả giúp em dễ nhớ hơn, kiến thức vì vậy được in sâu hơn” – Phú nói.
Theo Phú, tò mò là bản năng tự nhiên của con người. Tò mò là tốt nhưng phải trong khuôn khổ an toàn và bản thân cho phép.
“Hút thuốc lá điện tử không chứng minh được đẳng cấp của các bạn nhưng sẽ hủy diệt chính sức khỏe của các bạn. Vì vậy chúng ta cần có sự hiểu biết đúng đắn để không sử dụng, tạo nên trường học an toàn, không khói thuốc" - Phú nói.
Ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM chia sẻ hiện nay, HS, sinh viên đang trở thành đối tượng bị các phần tử xấu dụ dỗ, lôi kéo sử dụng ma túy và các chất gây nghiện dưới các hình thức thực phẩm trá hình như kẹo, trà sữa, bóng cười, shisa, cỏ Mỹ....
Trước thực tế trên, Sở GD&ĐT TP.HCM đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ phụ trách công tác phòng chống ma túy và các chất gây nghiện trong các cơ sở giáo dục.
Năm nay, đối tượng tham gia tập huấn không chỉ có các cán bộ quản lý, đội ngũ các thầy cô phụ trách công tác phòng chống ma túy tại các trường mà còn mở rộng tới học sinh. Sự tương tác trực tiếp sẽ giúp các em biết, hiểu và tự phòng tránh.
"Tôi mong rằng các em tham dự ngày hôm nay sẽ là nhân tố nòng cốt trong việc tuyên truyền đối với bạn bè về việc phòng chống tác hại của ma túy cũng như thuốc lá điện tử" - ông Dũng nhấn mạnh.