Cảnh báo nguy cơ gây nghiện từ hút thuốc lá điện tử

(PLO)-  Chuyên gia cảnh báo người hút thuốc lá điện tử dễ bị gây nghiện và tăng nguy cơ bắt đầu sử dụng thuốc lá thông thường, gây hại cho cả người dùng và người xung quanh.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thông tin về thuốc lá điện tử được Bác sĩ Đinh Thị Hải Yến, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) chia sẻ tại chương trình tập huấn công tác tuyên truyền về phòng, chống tội phạm, ma túy và các chất gây nghiện trong trường học năm học 2023-2024.

Chiêu trò quảng cáo thuốc lá điện tử rất tinh vi

Theo bác sĩ Yến, điều tra tình hình sử dụng thuốc lá tại 34 tỉnh, TP năm 2020, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử năm 2020 chung tăng so với năm 2015 (từ 0,2% lên 3,6%). Các công ty sản xuất thuốc lá đã có những chiêu trò quảng cáo rất tinh vi để thu hút.

Vì sao thuốc lá điện tử lại thu hút giới trẻ
Bác sĩ Đinh Thị Hải Yến, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) chia sẻ các thông tin liên quan đến thuốc lá điện tử tại buổi tập huấn sáng nay. Ảnh: NQ

Cụ thể, số lượng tin tức/bài 6 tháng đầu năm 2020 là hơn 212.000, chủ yếu tập trung trên Facebook, Youtube, Blog, diễn đàn.

Theo thống kê của Trường Đại học Y tế công cộng, các công ty sản xuất thuốc lá đang hướng tới sử dụng những người nổi tiếng để quảng cáo, đăng ảnh sản phẩm, bài viết trên các nền tảng mạng xã hội. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2020, có 72 bài đăng quảng cáo thuốc lá trên facebook là từ tài khoản của các Macro-influencer (là những tài khoản có hơn 100.000 người theo dõi).

“Đặc biệt, các công ty này chi khoản tiền khổng lồ cho việc nghiên cứu kỹ lưỡng, từ việc thiết kế sản phẩm thuốc lá điện tử hấp dẫn giới trẻ cho đến các chiến dịch quảng cáo, tiếp thị nhằm thu hút giới trẻ”- bà Yến nói.

Bà Yến cũng cho biết sản phẩm thuốc lá điện tử với nhiều kiểu dáng thiết kế “sành điệu”, kết hợp nhiều tính năng sử dụng tiện lợi, hương vị mới lạ làm cho giới trẻ coi nhẹ các rủi ro đối với sức khỏe.

vì sao thuốc lá điện tử lại thu hút giới trẻ
Chương trình tập huấn sáng nay về ma túy và thuốc lá điện tử thu hút nhiều giáo viên tham dự. Ảnh: NQ

Mặt khác quảng cáo sản phẩm thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng) là sản phẩm thay thế ít tác hại hơn so với các loại thuốc lá thông thường). Đồng thời các công ty tài trợ cho người nổi tiếng/người có ảnh hưởng trên mạng xã hội để giới thiệu sản phẩm thuốc lá mới cho thanh niên. Thậm chí còn tiếp thị gián tiếp các sản phẩm thuốc lá trong các tác phẩm điện ảnh với các thông điệp tinh vi như giúp người dùng hạn chế được tối đa các chất độc hại có trong thuốc lá truyền thống; mong muốn xây dựng một tương lai không khói thuốc.

Theo bà Yến, chính những chiêu trò trên đã khiến giới trẻ nghĩ thuốc lá điện tử là sản phẩm thời trang, an toàn, không mùi hôi và không ảnh hưởng. Nhưng thực tế người hút thuốc lá điện tử dễ bị gây nghiện và tăng nguy cơ bắt đầu sử dụng thuốc lá thông thường. Nó gây hại cho cả người dùng và xung quanh.

Đến nay, đã có 32 quốc gia cấm thuốc lá điện tử, 79 quốc gia quy định quản lý thuốc lá điện tử rất chặt chẽ và 16 quốc gia cấm thuốc lá nung nóng. Tại Đông Nam Á, có 5 quốc gia đã cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Chủ động phòng ngừa

Ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết học sinh, sinh viên đang trở thành đối tượng bị các phần tử xấu dụ dỗ, lôi kéo sử dụng ma túy và các chất gây nghiện dưới các hình thức thực phẩm trá hình.

Công tác phòng, chống ma túy, thuốc lá trong trường học phải bám sát thực tế của từng đối tượng người học. Nhà trường chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các nguyên nhân và điều kiện làm phát sinh tệ nạn ma túy trong trường học.

Đội ngũ làm công tác phòng, chống ma túy và thuốc lá cần nắm được Luật phòng, chống ma túy, tình hình tội phạm về ma túy trên địa bàn TP. Từ đó tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao nhận thức, các biện pháp phòng tránh và tác hại của các dạng ma túy tổng hợp, hướng thần, bóng cười, thuốc lá mới… cho đội ngũ cán bộ, giáo viên , học sinh, học viên, sinh viên trong trường học.

vì sao thuốc lá điện tử lại thu hút giới trẻ
Ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM phát biểu tại buổi tập huấn. Ảnh: NQ

Ngoài ra, thầy cô cần nắm được hoàn cảnh của từng học sinh để từ đó có thể tập trung chăm lo cũng như giáo dục các em tránh xa ma túy và không bị lôi kéo, dụ dỗ vào con đường mua bán hoặc sử dụng ma túy.

Bên cạnh đó, trường cần tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho học sinh, học viên, học viên; kiểm tra, xét nghiệm ngẫu nhiên việc sử dụng ma túy và xét nghiệm đột xuất khi có dấu hiệu nghi ngờ về sử dụng ma túy đối với học sinh, học viên, sinh viên nhằm rà soát, phát hiện việc sử dụng, tàng trữ các chất ma túy hoặc gây nghiện khác.

Đặc biệt, tăng cường chất lượng sinh hoạt của các tổ chức chính trị của nhà trường trong công tác phòng chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS, thuốc lá.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm