Ngày 15-11, TAND TP Cần Thơ đưa ra xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp di sản thừa kế giữa nguyên đơn là năm chị em bà T. và bị đơn là bà H. (em bà T.) do có kháng cáo của các nguyên đơn.
Yêu cầu chia căn nhà 74 m2
Theo đơn khởi kiện, bà H. đang quản lý, sử dụng nhà, đất có diện tích hơn 74 m2 tại một hẻm trên đường Hùng Vương (quận Ninh Kiều, Cần Thơ).
Đây là tài sản cha mẹ tạo lập được khi còn sống. Do đó, các nguyên đơn yêu cầu bà H. phải chia đều tài sản thừa kế này cho các anh chị em theo pháp luật.
Đường Hùng Vương (quận Ninh Kiều) nằm ở trung tâm TP Cần Thơ. Ảnh: NN
Bị đơn, bà H. thống nhất về quan hệ huyết thống và nhân thân như phía nguyên đơn trình bày.
Bà xác nhận cùng chồng, con sử dụng căn nhà trên từ năm 1989 đến nay. Bà đồng ý chia di sản thừa kế này theo quy định pháp luật.
Do tài sản này bà đang quản lý sử dụng nên bà yêu cầu được nhận hiện vật, tiếp tục quản lý sử dụng và thối lại kỷ phần thừa kế cho các anh chị em khác bằng giá trị.
Ngoài ra, bà H. còn cho rằng ngoài nhà, đất bà đang quản lý thì cha mẹ còn để lại gần 6.000 m2 đất vườn, ruộng tại huyện Phong Điền, TP Cần Thơ do người em út đang quản lý sử dụng.
Sau đó, bà H. có đơn phản tố yêu cầu chia di sản thừa kế phần đất gần 6.000 m2 này cho tất cả anh chị em, bà nhận kỷ phần thừa kế theo giá trị.
Người em út không đồng ý vì cho rằng đất này cha mẹ đã cho ông từ năm 1996 và đã được cấp giấy tờ đất đứng tên ông với diện tích hơn 8.500 m2.
Xử sơ thẩm vào tháng 4, TAND quận Ninh Kiều chấp nhận yêu cầu của các nguyên đơn, công nhận cho bà H. được ổn định sử dụng căn nhà, đất tại đường Hùng Vương. Bà H. phải thối lại giá trị mỗi kỷ phần thừa kế là hơn 41 triệu đồng cho sáu người (một người đã mất).
Tòa cũng chấp nhận phản tố của bà H., công nhận phần đất hơn 6.300 m2 tại huyện Phong Điền là di sản thừa kế. Tòa buộc người em út phải giao phần đất trên để phát mãi thi hành án, chia giá trị cho các đồng thừa kế khác, mỗi người được 1/7 giá trị tài sản.
Sau đó, bốn nguyên đơn cùng kháng cáo yêu cầu định giá lại tài sản đối với căn nhà, đất ở đường Hùng Vương và yêu cầu không chia phần đất tại huyện Phong Điền vì đất này cha mẹ đã cho người em út.
Xét xử bằng kết quả định giá tám năm trước
Tại tòa phúc thẩm, sau khi nghe ý kiến các bên, đại diện VKS cho rằng hai thửa đất người em út được cấp giấy đo đạc thực tế hơn 3.000 m2 trong khi theo giấy chứng nhận tới hơn 8.000 m2 là chênh lệch quá nhiều mà tòa sơ thẩm không làm rõ.
Hai thửa đất mà bà H. phản tố đòi chia, theo giấy tờ có gần 6.000 m2, trong khi thực tế tăng lên hơn 6.300 m2. Phần tăng thêm hơn 300 m2 này người em út nói do khai phá hố bom mà có.
Và phần này cũng chưa được cơ quan chức năng xem xét cấp giấy mà chia thừa kế là chưa phù hợp, nếu được công nhận thì phải tính công lao cải tạo đất của người em út…
Còn căn nhà, đất ở đường Hùng Vương, các nguyên đơn yêu cầu định giá lại là đúng vì kết quả định giá từ tám năm trước là quá khác so với thực tế hiện nay. Từ đó, VKS để nghị tòa hủy án sơ thẩm.
HĐXX nhận định căn nhà, đất ở đường Hùng Vương được định giá vào năm 2011 với tổng giá trị hơn 290 triệu. Đến tháng 4, tòa sơ thẩm mới đưa ra xét xử thì giá cả đã thay đổi rất lớn so với năm 2011 nhưng cấp sơ thẩm vẫn lấy giá năm 2011 để quyết định là làm thiệt hại đến quyền lợi chính đáng của những người nhận thừa kế.
Tại tòa sơ thẩm, các nguyên đơn đề nghị định giá lại nhà, đất nhưng không được HĐXX sơ thẩm chấp nhận. Lẽ ra HĐXX phải tạm dừng phiên tòa để thu thập bổ sung chứng cứ, tiến hành định giá lại tại sản thừa kế để đảm bảo đúng giá trị thực.
Theo tòa phúc thẩm, việc định giá lại nhằm đảm bảo quyền lợi thiết thực chính đáng của những người thừa kế. Do cấp sơ thẩm không làm nên cấp phúc thẩm không thể làm được vì như vậy sẽ không đảm bảo nguyên tắc hai cấp xét xử.
Về phần đất trong huyện Phong Điền, tòa phúc thẩm cho rằng đối với phần tăng hơn 300 m2 khi xét xử sơ thẩm lại phải điều chỉnh lại cho phù hợp. Đối với phần thiếu hơn 4.000 m2, tòa sơ thẩm chưa làm rõ vì sao thiếu… Từ đó tòa phúc thẩm quyết định hủy án sơ thẩm để xét xử lại theo quy định.