Hôm nay, 10-10, sau ba lần bị hủy án, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm lần thứ tư vụ tranh chấp đất giữa bà Phùng Thị Thiền và cháu ruột là ông Phùng Văn Đâu.
Năm 2005, bà Thiền khởi kiện tranh chấp thừa kế với ông Đâu về phần đất tại phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân. Sau khi bà Thiền chết, con gái bà là Phùng Thị Thu Cúc tiếp tục giữ yêu cầu khởi kiện.
Bà Cúc yêu cầu ông Đâu chia cho bà hơn 1.000 m2 đất thổ vườn và hơn 900 m2 đất nông nghiệp. Ông Đâu đề nghị bác các yêu cầu của bà Cúc và phản tố, yêu cầu bà này tháo dỡ nhà, tường rào trên phần đất tranh chấp.
Xác định sai quan hệ tranh chấp
Tháng 10-2012, TAND TP.HCM xử sơ thẩm tuyên không chấp nhận yêu cầu của bà Cúc vì cho rằng các thửa đất mà bà tranh chấp với ông Đâu không thuộc di sản thừa kế và đã được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết xong vào năm 1999. Tòa cũng buộc bà Cúc tháo dỡ nhà và hàng rào để trả lại diện tích trống cho ông Đâu. Sau đó bà Cúc kháng cáo.
Bà Phùng Thị Thu Cúc trao đổi với PV trên phần đất tranh chấp. Ảnh: YC
Tháng 5-2013, tòa phúc thẩm cho rằng đáng lẽ cấp sơ thẩm phải giải thích đương sự để khởi kiện đúng quan hệ pháp luật là tranh chấp đất đai. Tòa phải xem xét tính hợp pháp của quyết định cấp đất của UBND. Cạnh đó, quá trình chứng minh và thu thập chứng cứ chưa đầy đủ. Vì vậy, tòa phúc thẩm hủy toàn bộ bản án để điều tra lại.
Sau khi hủy án, TAND TP.HCM xác định đây là quan hệ tranh chấp quyền sử dụng đất. Tháng 10-2015, TAND TP.HCM xử sơ thẩm lần hai tuyên hủy các giấy chứng nhận (GCN) đã cấp cho ông Đâu, công nhận phần đất tranh chấp thuộc quyền sử dụng của bà Thiền. Các đồng thừa kế của bà Thiền được quyền liên hệ xin cấp GCN. Ông Đâu kháng cáo.
Hủy án vì giải quyết không triệt để
Tháng 10-2016, TAND Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm lần hai. HĐXX nhận định năm 1997, bà Thiền có khiếu nại và được UBND huyện Bình Chánh (trước khi tách thành huyện Bình Chánh và quận Bình Tân) ban hành quyết định giải quyết vào năm 1999. Sau đó UBND TP.HCM giải quyết lần hai bằng quyết định cũng vào năm 1999, không chấp nhận khiếu nại của bà Thiền.
Dựa trên hai quyết định này mà ông Đâu và bà Nguyễn Thị Liên (con dâu của bà Thiền) mới được cấp GCN. Sau đó, bà Liên chuyển nhượng lại cho ông Đâu. Trong trường hợp này, phía nguyên đơn cần bổ sung yêu cầu khởi kiện là hủy các quyết định giải quyết khiếu nại của UBND.
Cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn trong khi hai quyết định của UBND vẫn tồn tại và có hiệu lực thi hành là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Từ đó, TAND Cấp cao hủy bản án.
Tháng 7-2017, TAND TP.HCM xử sơ thẩm lần ba tuyên hủy các GCN đã cấp cho ông Đâu, công nhận phần đất tranh chấp là của bà Thiền và các đồng thừa kế của bà Thiền được quyền liên hệ để được cấp GCN. Đồng thời, tòa tuyên hủy hai quyết định của UBND trước đó. Ông Đâu tiếp tục kháng cáo.
Thu thập chứng cứ bản photocopy
Tháng 2-2018, TAND TP.HCM xử phúc thẩm lần ba, tiếp tục hủy án sơ thẩm. HĐXX cho rằng cấp sơ thẩm tuyên hủy các GCN đã cấp cho ông Đâu, bà Liên nhưng không tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng giữa ông Đâu và bà Liên là giải quyết chưa toàn diện, triệt để.
Cạnh đó, hồ sơ thể hiện có biên bản thỏa thuận tại UBND xã Bình Hưng Hòa vào năm 1999 với sự tham gia của ông Đâu, bà Liên, bà Thiền và sự chứng kiến của đại diện địa phương.
Đây là chứng cứ rất quan trọng và là căn cứ để giải quyết tranh chấp này. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm đã không thu thập chứng cứ một cách hợp pháp (bản photocopy), đầy đủ, khách quan, triệu tập thiếu người liên quan, vi phạm tố tụng nghiêm trọng.