TAND Cấp cao tại TP.HCM vừa tuyên huỷ án vụ Lương Bội Huệ (sinh năm 1979), Nguyễn Thanh Nhàn (sinh năm 1968) lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
HĐXX nhận định cấp sơ thẩm có thiếu sót về thủ tục tố tụng, chưa điều tra làm rõ tình tiết tăng nặng; xác định chưa đúng tội; chưa đúng tư cách người bị hại, trách nhiệm bồi thường chưa đúng.
Mặc dù, có thể sửa án sơ thẩm về tội danh nhưng việc xác định lại tư cách tham gia tố tụng của bị hại sẽ ảnh hưởng đến quyền kháng cáo của các bên. Do đó cần hủy bản án sơ để điều tra và giải quyết lại.
Về tố tụng, trong quyết định đưa vụ án ra xét xử, hoãn phiên toà và biên bản phiên tòa hình sự ngày 24-11-2020 thể hiện thành phần HĐXX sơ thẩm gồm năm người (hai Thẩm phán và ba Hội thẩm) do xác định vụ án có tính chất phức tạp.
Tuy nhiên, đến phiên tòa ngày 5-5-2021 thì HĐXX chỉ gồm ba người, khác so với Quyết định phân công của Chánh án và Quyết định đưa vụ án ra xét xử mà không nêu rõ lý do vì sao.
HĐXX có thể sửa án sơ thẩm về tội danh nhưng việc xác định lại tư cách tham gia tố tụng của bị hại sẽ ảnh hưởng đến quyền kháng cáo của các bên nên phải huỷ án. Ảnh: H.YẾN |
Về nội dung, HĐXX nhận định các bị cáo đã có sự bàn bạc, phân công vai trò và đã có ý thức chiếm đoạt từ trước. Tội phạm hoàn thành khi các bị cáo thực hiện việc lấy hàng ren đồng thau trên đường vận chuyển để bán lấy tiền.
Hành vi lấy hàng ren đồng thau trên đường vận chuyển đem bán là hành vi lén lút đối với chủ sở hữu tài sản đã có đủ dấu hiệu của tội trộm cắp tài sản. Còn việc khi bị kiểm tra, bị cáo Huệ đối phó bằng cách chỉnh sửa, ghi tăng thêm số lượng trên liên trắng để hạch toán trên phần mềm báo cáo kết quả kinh doanh là thủ đoạn nhằm che đậy hành vi chiếm đoạt trước. Đây không phải là dấu hiệu cấu thành tội phạm.
Tòa sơ thẩm có trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm rõ tư cách tham gia tố tụng của Công ty Cổ phần Đồng Âu Lạc và Công ty Nhựa Đạt Hòa ai là bị hại vì có liên quan đến việc xác định tội danh.
Tuy nhiên, cấp sơ thẩm vẫn truy tố, xét xử các bị cáo về tội lạm dụng tín nhiệm là chưa chính xác. Cấp sơ thẩm chưa điều tra làm rõ vấn đề này mà xác định bị hại là Công ty Đạt Hòa là chưa đúng với bản chất vụ án.
Về kháng nghị, HĐXX thấy rằng xét cấp sơ thẩm nhận định các bị cáo phạm tội với tính chất là đồng phạm giản đơn là chưa phù hợp với diễn biến khách quan của vụ án.
Tòa sơ thẩm tuyên buộc các bị cáo cùng liên đới bồi thường mà không xác định mức bồi thường cụ thể cho từng bị cáo là không công bằng và không đúng với Điều 48 của BLHS, Điều 587 của BLDS 2015 và hướng dẫn tại mục I.8 của Công văn 212/TANDTC-PC ngày 13-9-2019 của TAND Tối cao. Điều đó dẫn đến việc tính án phí không phù hợp.
Tại phiên toà, bị cáo Nhàn khai không nhớ bao nhiêu lần thực hiện tội phạm và quá trình điều tra không làm rõ là thiếu sót. Vì đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (phạm tội hai lần trở lên, hay phạm tội có tính chất chuyên nghiệp) ảnh hưởng đến việc quyết định hình phạt đối với các bị cáo.
Theo hồ sơ, Huệ làm nhân viên thủ kho phụ kiện của công ty TNHH nhựa Đạt Hoà, trụ sở tại Bình Dương. Còn Nhàn là tài xế chở hàng cho công ty Cổ phần Đồng Âu Lạc, TP.HCM.
Từ năm 2015 đến tháng 3-2019, Huệ rủ Nhàn chiếm đoạt hàng ren đồng thau của công ty. Cụ thể là khi vận chuyển hàng từ công ty Âu Lạc về công ty nhựa, Nhàn sẽ lấy bớt đồ rồi bán. Do có thông đồng từ trước, nên dù biết việc Nhàn làm, Huệ vẫn ký nhận đủ số lượng. Kết luận định giá tài sản thể hiện cả hai chiếm đoạt hơn 24 tỉ đồng.
Xử sơ thẩm, TAND tỉnh Bình Dương tuyên phạt Huệ 17 năm tù, Nhàn 12 năm tù. Về trách nhiệm dân sự, toà buộc hai bị cáo liên đới bồi thường cho công ty nhựa toàn bộ thiệt hại.
Sau đó, công ty Đạt Hoà kháng cáo yêu cầu tăng hình phạt bị cáo Nhàn và xác định công ty Âu Lạc là đồng bị hại, buộc phải gánh 50% thiệt hại vụ án.
Viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP.HCM có kháng nghị phúc thẩm về trách nhiệm dân sự và án phí.