Hủy bỏ dự án cao ốc, biệt thự để làm công viên sinh thái giữa lòng TP Phan Thiết

Hủy bỏ dự án cao ốc, biệt thự để làm công viên sinh thái giữa lòng TP Phan Thiết

(PLO)- Nhiều nhà đầu tư đang quan tâm tới bất động sản xung quanh dự án công viên Hùng Vương bởi khu đất này nằm sát trung tâm TP Phan Thiết, gần biển với nhiều thuận lợi về giao thông, hạ tầng.

Ngày 21-11, Thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận đã tổ chức họp cho ý kiến và thông qua phương án điều chỉnh quy hoạch, đầu tư, bảo vệ và phát triển hệ sinh thái tại khu vực công viên Hùng Vương (Phú Hài, Phan Thiết).

Công viên Hùng Vương (Phú Hài) nhìn từ trên cao.

Công viên Hùng Vương (Phú Hài) nhìn từ trên cao.

Đây là dự án được rất nhiều người dân ở Bình Thuận quan tâm và mong đợi bởi là khu rừng ngập mặn duy nhất còn sót lại ở TP Phan Thiết.

Trước đó, khu vực 32 ha này cũng đã được quy hoạch làm công viên nhưng cắt lại chỉ còn 18 ha, phần diện tích còn lại nằm ở hai mặt tiền đường được quy hoạch là các khu cao ốc, biệt thự liền kề.

Với ý định bán đấu giá phần đất xung quanh để lấy tiền xây dựng công viên phía trong, đã có rất nhiều doanh nghiệp quan tâm đến khu vực này bởi xung quanh dự án là sông, quanh năm mát mẻ. Ngoài ra, cảnh quan rừng ngập mặn ở đây tuyệt đẹp và là cửa ngõ dẫn ra Khu du lịch quốc gia Mũi Né.

Bản đồ quy hoạch trước đây, xung quanh đều là dự án nhà ở.

Bản đồ quy hoạch trước đây, xung quanh đều là dự án nhà ở.

Nhìn trên bản đồ quy hoạch trước đây, có thể thấy các khu cao ốc, biệt thự bao quanh gần như che khuất công viên trong khi nhìn từ trên cao khu rừng ngập mặn duy nhất còn lại của Phan Thiết giống như một cung đàn hạc cầm xanh ngăn ngắt tuyệt đẹp.

Năm 2020, dự án đã được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 297 tỉ đồng. Nhiều nhà đầu tư đã đánh tiếng bởi dự án bất động sản này sẽ mang lại món hời khủng khiếp khi khu đất nằm sát trung tâm Phan Thiết; gần biển với nhiều thuận lợi về giao thông, hạ tầng…

Tháng 4-2021, trong chuyến khảo sát, ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Thuận, cho rằng cần nghiên cứu lại phương án xây dựng khu dân cư tại rừng ngập mặn Phú Hài.

Theo ông An, trước đây khu vực này vốn là đất nuôi trồng thủy sản, đất làm ruộng muối, lâu ngày không sản xuất dần trở thành khu ngập mặn với thảm xanh rất đẹp và thu hút nhiều chim, cò hội tụ về sinh sống.

Nếu làm khu dân cư thì chưa cần thiết và khả năng tiếp cận công viên cây xanh của người dân không nhiều.

Thời điểm đó, trao đổi với chúng tôi, ông An cho rằng việc đấu giá một phần khu đất để làm khu dân cư sẽ khiến Phan Thiết mất đi một khu rừng ngập mặn lớn hiếm hoi còn sót lại.

Giữ và bảo tồn khu rừng ngập mặn là sẽ giữ lại được tài nguyên thiên nhiên quý giá không thể tái tạo. Nơi đây sẽ quy hoạch làm quảng trường, cải tạo thành những lối đi như con kênh dưới tán cây của rừng ngập mặn; tạo ra một khu sinh thái đẹp giữa lòng thành phố, ngay bên tuyến đường chính đi ra Khu du lịch quốc gia Mũi Né.

Ý tưởng của ông An là tạo ra những lối đi trên cầu xuyên qua rừng ngập mặn.

Ý tưởng của ông An là tạo ra những lối đi trên cầu xuyên qua rừng ngập mặn.

Ý tưởng này sẽ tiết kiệm nhiều chi phí, tạo khu sinh thái ngập mặn đặc biệt cho người dân thành phố, thậm chí tạo điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch.

“Tỉnh Bình Thuận còn khó khăn, cần nguồn lực để phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn những khu đất khác để đưa ra đấu giá làm khu dân cư, thương mại, dịch vụ, không nhất thiết phải lấy khu rừng ngập mặn quý giá này” - ông An khẳng định.

Một tháng sau chuyến khảo sát trên, tháng 5-2021, dự án tạm dừng triển khai theo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy. Khu vực đất mặt tiền bao quanh rừng ngập mặn chuẩn bị bán đấu giá để xây dựng cao ốc, biệt thự bị hủy bỏ để dành toàn bộ diện tích cho công viên sinh thái.

Từ những ý tưởng của Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, các kiến trúc sư Công ty Infinitive Architecture (TP.HCM) đã phối hợp với các kỹ sư, kiến trúc sư của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và Công nghiệp tỉnh Bình Thuận bắt tay vào dệt thảm xanh cho cung đàn hạc cầm của Phan Thiết.

Nhóm thiết kế đã tạo ra một cấu trúc cảnh quan giống như mê cung từ đất và nước hiện có bằng cách tạo ra các khe hở để cho phép nước lưu thông.

Sự cải tạo này giúp cải thiện môi trường của hệ sinh thái và hình thành một cảnh quan thiên nhiên độc đáo có thể tự cải thiện và đa dạng hóa từng ngày…

Tháng 10-2021, Dự án Công viên sinh thái rừng ngập mặn Phú Hài (Phan Thiết, Bình Thuận) được xướng tên Danh dự trong Giải Kiến trúc cảnh quan 2021 của Architecture MasterPrize (AMP). Architecture MasterPrize là giải thưởng quốc tế trong lĩnh vực kiến trúc, được thành lập bởi Farmani Group (Mỹ).

Đây là đơn vị chuyên tổ chức các giải thưởng về nhiếp ảnh, thiết kế và kiến trúc trên thế giới nhằm tôn vinh và công nhận những cá nhân hay đội ngũ vượt qua các ranh giới để thiết lập nên tiêu chuẩn mới và truyền cảm hứng phát triển nghệ thuật.

Những lối đi dưới tán cây trong công viên.

Những lối đi dưới tán cây trong công viên.

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, hủy bỏ khu vực xây dựng nhà ở thương mại để dành toàn bộ diện tích cho công viên ở khu vực này là nhằm nâng cao mỹ quan thành phố, đáp ứng nhu cầu thiết yếu về không gian mở cho cư dân đô thị.

Đáp ứng nhu cầu đầu tư về không gian phức hợp hoàn thiện, phù hợp với không gian công viên trung tâm và khu vực xung quanh; khai thác hiệu quả vị thế khu đất, đẩy cao giá trị gia tăng, thu hút, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của khu vực.

Ngoài ra còn bổ sung thêm các tiện ích xã hội để cân bằng nhu cầu về hạ tầng xã hội và kỹ thuật; đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội, xu hướng phát triển của thành phố Phan Thiết nói riêng và cả tỉnh nói chung.

Định vị tầm nhìn thành phố trong quy hoạch và phát triển đô thị thích ứng trong bối cảnh đô thị hóa trong tương lai…

Ngoài việc đảm bảo mật độ xây dựng thấp, ưu tiên các giải pháp thấm thoát tự nhiên, dự án này còn hạn chế phát triển cao tầng, lấy hệ sinh thái là điểm nhấn chính.

Công viên sinh thái Hùng Vương đang được người dân mong đợi triển khai.

Công viên sinh thái Hùng Vương đang được người dân mong đợi triển khai.

Với hy vọng biến mọi mảnh đất trở nên tươi đẹp hơn bằng giải pháp thiết kế bền vững, dự án mong muốn trở thành tấm gương cho việc chữa lành và mang lại sự sống cho mọi vùng đất bị bỏ hoang.

Việc hủy bỏ dự án đô thị, cao ốc để xây dựng công viên sinh thái biến khu vực này trở thành lá phổi xanh được bảo tồn, trân trọng, đó chính là dự án có tầm nhìn; dự án hợp lòng dân.

Đọc thêm