Huyền thoại võ Quảng Ngãi - Bài 2: Lưu giữ báu vật

Võ sư Nguyễn Phi Hùng, tên thật là Nguyễn Ninh, sinh năm 1952 trong một gia đình có tám anh em. Quê ông nằm tại một xã ven biển thuộc xã Đức Thắng, huyện Mộ Đức. Cha đi tập kết khi ông mới bắt đầu bập bẹ gọi “ba ba”. Việc nuôi con đè lên vai người mẹ. Người anh cả - võ sư Nguyễn Hồng sau nhiều năm bôn ba khắp mọi miền tầm sư học đạo đã quay về truyền nghề cho đứa em út, mặc dù bà mẹ răn dạy: “Trong nhà anh cả có võ là được rồi, nghề này dễ bệnh, dễ chết, nguy hiểm lắm”.

Mãnh hổ miền Trung

Điều khác biệt lớn nhất của võ Quảng Ngãi so với một số nơi, đó là “nền võ học mở”. Các sư phụ khuyến khích học trò đến học nhiều thầy, không nhất thiết chỉ thờ một thầy, theo nhiều thầy không có nghĩa là phản sư môn. Còn các thầy thì góp gạo mời các bậc đại sư từ Sài Gòn ra hướng dẫn các chiêu thức mới. Ngoài ra, các thầy võ truyền dạy tất cả tuyệt chiêu võ thuật cho người ngoài dòng họ, không giữ làm của riêng.

Võ sư Minh Cảnh thời đó mang biệt danh là võ vương - tức vua trong làng võ Sài Gòn. Ông được mời ra Quảng Ngãi truyền dạy. Võ sư Minh Cảnh đặc biệt quý mến cậu học trò đẹp trai, đức tính khiêm tốn, đôi mắt sáng quắc và thâu nhận làm đệ tử.

Huyền thoại võ Quảng Ngãi - Bài 2: Lưu giữ báu vật ảnh 1

Ông trân trọng những tấm ảnh của quá khứ.

Giới võ thuật Quảng Ngãi rất ngưỡng mộ quyền cước của người võ sĩ trẻ Phi Hùng và được ví như mãnh hổ. Chỉ chớp mắt, Phi Hùng đã tung ra ba đòn. Đối thủ chưa kịp định thần đã bị võ sĩ này nhập nội, áp sát và ra đòn.

Năm 15 tuổi, sư phụ cho thượng đài lần đầu tiên tại rạp Kiến Thành ở Quảng Ngãi. Như con chim ưng vừa đủ lông, đủ cánh, ông tung người lên cao, đáp xuống kẹp cổ đối thủ. Cái dáng mảnh khảnh của cậu thiếu niên lúc đó đã toát ra sự uyển chuyển, biến hóa, lấy nhu khắc cương.

Tâm pháp và quyền cước

Khi giao đấu, điều khác biệt của võ sư Phi Hùng đó là ánh mắt - ánh mắt không kinh hãi trước đối thủ, không hằn lên những ánh chớp sát khí khi tung đòn quyết định, không bộc lộ đau đớn khi bị trúng đòn. Sự kết hợp giữa tâm pháp và quyền pháp: “Tâm phẳng lặng như mặt nước hồ thu” giúp cho người võ sư luôn giữ được sự quân bình. Chính vì vậy, võ sư Phi Hùng nhìn thấu được đòn thế mà đối phương định động thủ. Đòn thủ trở thành công, khi phản công có sức mạnh như cuồng phong.

Đất nước giải phóng, câu chuyện về những cuộc quyết đấu đổ máu trên sàn đài, tiếng gào cuồng nhiệt của khán giả trên đấu trường rồi cũng đến lúc trở thành quá khứ. Võ quyền Anh được phổ biến rộng rãi, thi đấu võ tự do được quy định lại để giảm thương vong.

Huyền thoại võ Quảng Ngãi - Bài 2: Lưu giữ báu vật ảnh 2

Phút vinh quang khi thắng trận.

Năm 1977, Nguyễn Phi Hùng đã thi vào học tại Trường ĐH Thể dục Thể thao Trung ương. Năm 1981, anh ra trường với cái quyết tâm chấn hưng lại võ thuật, anh quay về tỉnh Nghĩa Bình và gầy dựng lại phong trào, tạo điều kiện cho các võ sĩ có điều kiện tham gia thi đấu quốc tế.

Tạ Quang, Hiếu Hiền, Lê Văn Hùng, Nguyễn Quốc Cường, Ngô Sỹ... là những học trò xuất sắc của anh, trong đó có võ sĩ nhiều năm liền giành giải vô địch quốc gia về quyền Anh. Võ sư Nguyễn Phi Hùng sau này tham gia làm huấn luyện viên đội tuyển Quốc gia Việt Nam với các môn boxing, tán thủ. Anh đã hai lần dẫn quân đi Sea Games thi đấu.

Một trong những trận đấu vào năm 1991 chứng tỏ võ sư Phi Hùng vẫn luôn sung mãn cao điểm, đó là vượt qua các võ sĩ, đến so găng với kiện tướng quyền Anh Liên Xô Kolpakov. Để có thể gặp và so găng với Kolpakov, Phi Hùng đã liên tiếp đánh bại ba cao thủ vòng ngoài, trong đó nổi tiếng có võ sĩ X.Maiorov.

Làng võ ngạc nhiên khi một cao thủ võ tự do lại nhanh chóng trở thành một cao thủ quyền Anh một cách mau lẹ. Và võ sĩ này khi giao đấu luôn di chuyển một cách khôn ngoan để tung ra những cú đấm với sức nặng khủng khiếp.

Khi thượng đài với kiện tướng quyền Anh Kolpakov, Phi Hùng đã áp dụng chiến thuật dò đòn hiệp đầu và di chuyển để tìm kẽ hở của đối phương. Bước sang hiệp hai, anh thực hiện đòn quyết định. Khi cú đấm tay trái của Kolpakov như viên đạn vừa lao ra, anh lắc nhẹ thân pháp, trọng lượng dồn về chân trước, lấy lực từ đất, tung cú đấm tay phải.

Chỉ một đòn duy nhất, Kolpakov ngã khụy như cây bị bật gốc. Người xem trên khán đài vỗ tay ầm ầm. Chiêu thức: “Nhất tiễn xuyên thạch” (ra một đòn là quyết định) đã giúp anh bước lên đài vinh quang. Cái cảm giác thượng đài với võ sĩ vô địch quốc gia Trần Cường năm 22 tuổi lại ùa về.

Huyền thoại võ Quảng Ngãi - Bài 2: Lưu giữ báu vật ảnh 3

Báo chí Sài Gòn ca ngợi thành tích của Phi Hùng.

Giữ võ cho đời sau

Quay về Quảng Ngãi phụ trách Trung tâm Thể dục Thể thao từ năm 2002, võ sư thường “rèn” các huấn luyện viên: “Phải dạy bằng kỹ thuật và thể lực của chính các anh thì mới tránh được việc thầy nặng lý thuyết, học trò nặng sách vở. Võ thuật thường đòi hỏi sự biến hóa khôn lường. Thầy giỏi mới đào tạo ra được học trò hay”. Ông thường dạy học trò: Võ thuật còn có nghĩa là võ đạo - tức học võ để làm việc thiện và giúp đời. Học võ để thân thể khỏe mạnh, trí tuệ minh mẫn, tâm hồn cao thượng.

Người viết hỏi đùa: “Chắc võ sư còn nhiều bí quyết cất giữ và chưa truyền hết cho các môn đệ”? Võ sư cười: “Hồi xưa các cụ học từng miếng võ, chính vì vậy có thể dạy miếng này còn miếng kia cất đi. Bây giờ thì võ quá nhiều môn phái, khái niệm về bí quyết đâu còn nữa. Bí quyết là võ sĩ phải rèn luyện thường xuyên để áp dụng điêu luyện các chiêu thức”.

Báu vật của ông chính là tinh thần gìn giữ võ cổ truyền, kinh nghiệm cận chiến trong đấu trường để truyền dạy cho đời sau. Báu vật còn là “nhà bảo tàng” thu nhỏ trong gia đình ông. Tại đó lưu giữ rất nhiều ảnh chụp các cuộc thi đấu từ trước năm 1975. “Hồi đó làm gì có máy ảnh, đa phần ảnh này do các phóng viên chụp và tặng lại” - võ sư cho biết.

Một trong những tấm ảnh ấn tượng - đó là võ sư Minh Cảnh ở Sài Gòn thời trai trẻ. Ông khoác áo đội tuyển Việt Nam và tham gia tại đấu trường quốc tế. Mỗi tấm ảnh như một mảng lịch sử, kể lại câu chuyện võ thuật nóng bỏng một thời của dân tộc.

Bên cạnh đó là những bài báo trước năm 1975, nội dung viết về võ thuật như báo Độc Lập, Tia Sáng, Đông Phương, Quật Cường, Nguồn Sống… Những tờ báo đã úa màu vì thời gian, giờ trở nên có giá trị vì những thông tin còn được lưu giữ rất chi tiết. Bên cạnh đó còn có những bài báo phản ảnh giai đoạn khó khăn của võ Quảng Ngãi như các võ sĩ Quảng Ngãi đi đầu quân cho các tỉnh thi đấu bị tụt hạng trong khi trước đó đứng đầu toàn quốc. Những bài báo này nói lên sự trăn trở, nặng nợ của võ sư đối với sự phát triển của võ thuật tỉnh nhà.

Quán cà phê Thiên Ấn tọa lạc trên đường Phan Đình Phùng, TP Quảng Ngãi nguyên là lò võ Nguyễn Hồng, nơi võ sĩ Phi Hùng thành danh. Trên bức tường hàng chục năm in bóng các võ sĩ thấm đẫm mồ hôi ghi một dòng chữ: Ngày… tháng… các huynh đệ nhớ tập trung về giỗ tổ.

Phía bên dưới hàng chữ treo một thanh gươm. Gươm biểu tượng cho những chiến binh. Gươm biểu tượng cho các bậc giang hồ, kiếm khách gắn với những câu chuyện thần kỳ. Còn đối với võ sư, thanh gươm này như một lời nhắc nhở con cháu: “Phải lưu giữ nền võ thuật. Bởi võ thuật chính là báu vật của ông cha ta từ ngàn đời đã sáng lập và để lại cho con cháu đời sau”.

LÊ VĂN CHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm