Interpol: Nạn buôn người và lừa đảo trực tuyến ở Đông Nam Á lan ra toàn cầu

(PLO)- Phía Interpol cảnh báo các nhóm buôn người và lừa đảo trực tuyến ở Đông Nam Á đã mở rộng hoạt động trên toàn cầu, thu về hàng ngàn tỉ USD mỗi năm.

Theo Tổng Thư ký Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) - ông Jurgen Stock ngày 27-3, các trung tâm buôn người và lừa đảo trực tuyến ở Đông Nam Á đã mở rộng thành một mạng lưới toàn cầu với quy mô lên tới 3.000 tỉ USD mỗi năm.

Cụ thể, theo hãng tin Reuters, phát biểu trong cuộc họp báo tại văn phòng Interpol ở Singapore, ông Stock nói rằng các nhóm tội phạm buôn người và lừa đảo trực tuyến ở Đông Nam Á hiện đang hoạt động với quy mô “không thể tưởng tượng nổi cách đây một thập niên” nhờ tính ẩn danh trên mạng, “lấy cảm hứng từ các mô hình kinh doanh mới” và được thúc đẩy trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

“Bắt đầu từ một mối đe dọa tội phạm cấp khu vực ở Đông Nam Á, vấn nạn này đã trở thành cuộc khủng hoảng buôn người toàn cầu, với hàng triệu nạn nhân” - theo ông Stock.

Một trung tâm buôn người ở TP Sihanoukville (Campuchia) đã bị cơ quan chức năng buộc đóng cửa hồi tháng 9-2022. Ảnh: REUTERS

Người đứng đầu Interpol lưu ý rằng những nạn nhân bị lừa đã giúp các trung tâm lừa đảo đa dạng hóa nguồn thu thay vì chỉ kiếm tiền từ việc mua bán ma túy như trước đây. Dù vậy, ông Stock cho biết hoạt động mua bán ma túy vẫn chiếm từ 40-70% nguồn thu của các nhóm tội phạm này.

“Chúng tôi thấy rõ ràng các nhóm này đang đa dạng hóa các hoạt động kinh doanh trái phép bằng cách sử dụng các con đường buôn bán ma túy để buôn người, buôn bán vũ khí, xe hoặc các đồ vật trộm cắp” - ông Stock nói thêm.

Cũng theo quan chức này, khoảng 2.000 - 3.000 tỉ USD tiền bất hợp pháp đã được chuyển qua hệ thống tài chính toàn cầu hàng năm và một nhóm tội phạm có tổ chức có thể kiếm được 50 tỉ USD mỗi năm.

Liên hợp quốc năm ngoái cho biết hơn 100.000 người đã bị bán vào các trung tâm lừa đảo qua mạng ở Campuchia. Tháng 11-2023, Myanmar đã bàn giao hàng nghìn nghi phạm lừa đảo người Trung Quốc cho chính quyền Trung Quốc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới