Iran vừa công bố một hệ thống phòng không tự sản xuất mới ngày 9-6, vài giờ sau khi gửi lời đến các nước châu Âu rằng hãy giữ các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, nếu không sẽ phải lãnh đủ hậu quả, tờ Telegraph cho biết.
Theo đó, hệ thống có tên gọi Khordad 15 có thể truy vết và tiêu diệt bằng tên lửa sáu mục tiêu cùng lúc bao gồm máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và máy bay không người lái.
"Iran sẽ tăng khả năng quân sự để bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia. Và chúng tôi sẽ không cần hỏi ý kiến ai trong vấn đề này" - Bộ trưởng Quốc phòng Iran Amir Hatami cho biết.
Hệ thống Khordad 15 có thể truy vết và tiêu diệt bằng tên lửa sáu mục tiêu cùng lúc . Ảnh: AP.
Phát biểu trước chuyến thăm của người đồng cấp Đức Heiko Maas, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif khẳng định các nước châu Âu có "nghĩa vụ" đảm bảo mối quan hệ kinh tế của Iran trở lại bình thường.
Đồng thời, ông Zarif chí trích các chính sách phương Tây chỉ gây thiệt hại cho khu vực và cảnh báo rằng châu Âu không có quyền chỉ trích Iran cho những vấn đề ngoài Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).
"Bây giờ các nước như Đức đã dừng bán vũ khí cho Ả Rập Saudi trong khi nhiều nước khác thì chưa. Nhìn chung, chính phương Tây đang tiếp tay cho những tội ác của chế độ chuyên quyền trong khu vực của chúng tôi" - ông Zarif nói thêm.
Tổng thống Mỹ Donald Trump năm ngoái đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran ký kết năm 2015. Mỹ đồng thời tiếp tục tái lập các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với quốc gia giàu dầu mỏ này, tập trung vào hoạt động xuất khẩu dầu của Iran cũng như các lĩnh vực ngân hàng và vận tải biển của nước này.
Khi mối quan hệ với Washington trở nên đóng băng ngày một nghiêm trọng, Iran càng mong muốn thể hiện sức mạnh bất chấp vấn đề tài chính.
Iran và các bên ký kết còn lại – gồm Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức - đã nhiều lần lên án các biện pháp trừng phạt và lý do vận dụng các biện pháp đó.
Vào ngày 15-5, Tehran đã từ bỏ một số phần của thỏa thuận hạt nhân và cho Liên minh châu Âu (EU) thời hạn 60 ngày để cung cấp các biện pháp hữu hiệu để giúp Iran tránh được các biện pháp trừng phạt của Mỹ, đồng thời đe dọa đẩy mạnh hoạt động làm giàu uranium.
Mới đây, Iran cũng bác bỏ lời đề nghị của Pháp về việc mở lại đàm phán hạt nhân vì cho rằng điều đó có thể tăng nguy cơ thỏa thuận bị phá vỡ nếu nó được mở rộng.