Hôm 8-6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran, ông Abbas Mousavi, tuyên bố các lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với ngành công nghiệp hóa dầu của nước này cho thấy sự "giả dối và không thành thật" trong các tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đưa ra về việc mở ra các cuộc đàm phán mới với Tehran "không cần điều kiện tiên quyết" hôm 2-6 và cho biết sẽ không chịu khuất phục trước áp lực của Washington, theo hãng tin Reuters.
Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 6-6 tiếp tục đưa ra tuyên bố sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán với Iran miễn là Iran phải từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của nước này. Tuy nhiên, Iran đã bác bỏ đề nghị của Mỹ. Ngay sau đó, Bộ Tài chính Mỹ hôm 7-6 đã công bố các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào PGPIC - tập đoàn khí hóa dầu lớn nhất và mang lại nhiều lợi nhuận nhất của Iran.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi. Ảnh: RADIO FARDA
Hãng tin RT (Nga) nhận định, động thái nhiều khả năng là nhằm cắt đứt nguồn tài chính của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, đội quân mà Tổng thống Donald Trump đã đưa vào danh sách các tổ chức khủng bố nước ngoài hồi tháng 4-2019.
Phát biểu trước báo chí, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi đã gọi các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Iran là một minh chứng cho hành động “khủng bố kinh tế” và là sự tiếp diễn của tình trạng thù địch chống Iran.
"Chỉ cần đợi một tuần để thấy tuyên bố của Tổng thống Mỹ về Iran là sáo rỗng. Chính sách gây áp lực tối đa của Mỹ là một chính sách thất bại", dẫn lời ông Abbas Mousavi.
"Tất cả các quốc gia đều phải có trách nhiệm phản ứng chống lại sự vi phạm trắng trợn các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và không cho phép các thành tựu cộng đồng quốc tế trong việc thúc đẩy chủ nghĩa đa phương bị hủy hoại thêm bởi các hành động bắt nạt đơn phương từ phía Mỹ", ông nói thêm.
Trong một diễn biến khác, cùng hôm 8-6, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh trong trả lời phỏng vấn cho biết, nước này không có ý định rời Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), theo hãng tin AFP. Ông Zanganeh nói rằng Iran cũng rất lấy làm tiếc khi một số thành viên OPEC đang biến tổ chức này thành một diễn đàn chính trị nhằm đối đầu với hai thành viên sáng lập của OPEC là Iran và Venezuela.
Được biết, bên cạnh những sức ép từ bên ngoài, uy tín và vị thế của OPEC cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do nhiều tranh cãi, bất đồng nội bộ giữa các nước thành viên, trong đó phải kể đến những mâu thuẫn giữa Saudi Arabia và Iran hay giữa Saudi Arabia với Qatar.
Mỹ bắt đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương nhằm vào Iran sau khi Tổng thống Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 vào tháng 5-2018 và tiến hành áp đặt loạt trừng phạt kinh tế ngay sau đó.