Tổng thống Trump đã tuyên bố công khai rằng ông muốn theo đuổi con đường ngoại giao với Iran sau khi rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, xúc tiến việc chặn đứng toàn bộ hoạt động xuất khẩu dầu của Iran trong tháng này song song với việc tăng cường sự hiện diện của Hải quân và Không quân Mỹ ở vùng Vịnh.
Iran coi việc Mỹ tăng cường lực lượng tại vùng Vịnh là "chiến tranh tâm lý" vốn được thiết kế nhằm đe dọa nước Cộng hòa Hồi giáo. Lãnh đạo Tối cao Ayatollah Ali Khamenei tuần này cũng tuyên bố Iran sẽ không đàm phán với Mỹ về một thỏa thuận hạt nhân khác và những cuộc thương thảo như vậy sẽ là "độc dược".
Tướng Rasoul Sanai-Rad. Ảnh: IFP NEWS
"Những hành động của các nhà lãnh đạo Mỹ trong việc gây áp lực và đưa ra các biện pháp trừng phạt... trong khi nói về các cuộc thương thảo, giống như dí súng vào ai đó rồi yêu cầu kết bạn và đàm phán", Mehr dẫn lời Tướng Rasoul Sanai-Rad thuộc Bộ Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Iran, tuyên bố.
"Hành vi của các nhà lãnh đạo Mỹ là một trò chơi chính trị bao gồm các mối đe dọa và áp lực song song với việc thể hiện sự sẵn sàng đàm phán nhằm đưa ra một hình ảnh hòa bình của chính họ và đánh lừa dư luận," ông Sanai-Rad nói.
Phát biểu của Tướng Sanai-Rad được đưa ra sau khi có tin hai tàu khu trục USS Gonzalez và USS McFaul đã vượt qua eo biển Eo biển Hormuz thành công để tiến vào vịnh Ba Tư hôm 16-5.
Trên suốt hành trình của mình, các tàu Mỹ được trang bị tên lửa hành trình Tomahawk đã di chuyển bình thường và không hề gặp phải "sự thách thức hay quấy rối" từ lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, theo trang tin USNI News.
Giới chuyên gia nhận định việc USS Gonzalez và USS McFaul di chuyển tự do qua eo biển Hormuz là dấu hiệu mới nhất cho thấy căng thẳng giữa Mỹ và Iran đang hạ nhiệt.
Tờ The New York Times hôm 16-5 đưa tin Tổng thống Trump đã nói với quyền Bộ trưởng Quốc phòng Pạtrick Shanahan rằng ông không muốn gây chiến với Iran.