Mỹ vẫn 'nghe lời' Iran ở eo biển Hormuz

Tuần rồi Mỹ tuyên bố sẽ không gia hạn lệnh hoãn trừng phạt với các nước nhập khẩu dầu từ Iran khi lệnh này hết hiệu lực vào ngày 2-5 tới với mục đích buộc “xuất khẩu dầu của Iran tiến về con số 0”.

Việc Mỹ tuyên bố chấm dứt hoãn trừng phạt các nước nhập khẩu dầu Iran đã khiến nhiều quan chức cấp cao Iran nổi giận và đe dọa sẽ đóng cửa eo biển Hormuz trong trường hợp không sử dụng được đường biển này.

Dầu Iran không qua được thì không dầu nước nào được qua!

Ngày 28-4, Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Iran – Thiếu Tướng Mohammad Baqeri chính thức đưa ra lời cảnh cáo:

 “Nếu dầu chúng tôi không được đi qua eo biển Hormuz, thì dầu của các nước khác cũng sẽ không đi qua eo biển này được” – hãng tin Fars dẫn lời Tướng Baqeri.

Tuy nhiên Tướng Baqeri nói Iran sẽ không đóng cửa eo biển Hormuz “trừ khi các động thái thù địch leo thang tới một mức độ và việc đóng cửa không thể tránh được”.

Dù Iran chưa chính thức tuyên bố đóng cửa eo biển Hormuz nhưng trong ngày 28-4 người phát ngôn lực lượng hải quân thuộc Bộ Tư lệnh miền Trung của Mỹ (CENTCOM) cảnh cáo việc Iran đe dọa đóng tuyến đường biển này “ảnh hưởng đến cộng đồng quốc tế và hủy hoại dòng lưu thông thương mại tự do”.

“Mỹ, cùng với các đồng minh và đối tác, cam kết duy trì tự do lưu thông hàng hải và sẽ vẫn giữ vị trí của mình để bảo đảm dòng lưu thông thương mại tự do, và chúng tôi sẵn sàng đáp trả mọi hành động gây hấn” – Trung úy Chloe Morgan trả lời hãng tin Reuters.

Eo biển Hormuz là tuyến đường biển vận chuyển 1/3 lượng dầu của thế giới mỗi ngày. Ảnh: REUTERS

Eo biển Hormuz là tuyến đường biển vận chuyển 1/3 lượng dầu của thế giới mỗi ngày. Ảnh: REUTERS

Eo biển Hormuz là tuyến đường biển vận chuyển khoảng 1/3 lượng dầu thế giới mỗi ngày và nối liền các nhà sản xuất dầu thô ở Trung Đông – trong đó có Iran – với các thị trường ở châu Á-Thái Bình Dương, châu Âu, Bắc Mỹ,…

Mỹ vẫn nghe lời Iran ở eo biển Hormuz

Trong ngày 28-4, Tướng Baqeri cho biết tương tác giữa hải quân Mỹ và Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) ở các vùng biển vùng Vịnh vẫn không thay đổi dù Mỹ liệt IRGC là tổ chức khủng bố nước ngoài và siết xuất khẩu dầu của Iran.

Theo Tướng Baqeri, lực lượng IRGC – có nhiệm vụ bảo đảm an ninh các vùng biển vùng Vịnh và eo biển Hormuz cho Iran – không nhận thấy có bất kỳ sự thay đổi nào trong thái độ của Mỹ với IRGC sau bước đi liệt lực lượng này vào danh sách khủng bố.

“Tàu chiến Mỹ vẫn tuân thủ trả lời IRGC khi đi qua eo biển Hormuz…và đến ngày hôm qua họ vẫn trả lời các câu hỏi của IRGC, và chúng tôi không nhận thấy có sự thay đổi trong thủ tục của họ” – Fars dẫn lời Tướng Baqeri.

Sẽ không manh động trừ khi Mỹ manh động

Tuần trước Ngoại trưởng Iran Javad Zarif lên án động thái của Mỹ liệt IRGC là khủng bố là một sự sỉ nhục, nhưng nói Iran không có kế hoạch đáp trả quân sự trừ khi Mỹ thay đổi các nguyên tắc quân sự của mình trong tương tác với các lực lượng của Iran.

Lực lượng IRGC của Iran được thành lập từ sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979, có khoảng 125.000 thành viên ở các quân chủng lục quân, hải quân và không quân, là lực lượng vũ trang hùng mạnh nhất Iran.

Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Iran – Thiếu Tướng Mohammad Baqeri. Ảnh: MERHNEWS

Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Iran – Thiếu Tướng Mohammad Baqeri. Ảnh: MERHNEWS

IRGC kiểm soát các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Iran, báo cáo trực tiếp cho Lãnh đạo Tối cao Ayatollah Ali Khamenei, sở hữu một mạng lưới kinh doanh rộng từ các dự án dầu khí cho tới xây dựng, viễn thông.

Căng thẳng giữa Iran và Mỹ tăng cao sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Theo thỏa thuận mà Iran ký với nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc) và Liên minh châu Âu năm 2015, Iran ngưng chương trình hạt nhân của mình, thu nhỏ quy mô làm giàu uranium, hứa không theo đuổi chế tạo vũ khí hạt nhân. Đổi lại Iran được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế, được phép bán dầu và khí đốt ra thị trường thế giới.

Tuy nhiên theo ông Trump, thỏa thuận không ngăn được Iran theo đuổi chương trình hạt nhân, chưa kể không ràng buộc gì chương trình tên lửa của nước này, và cũng không ngăn chặn được cách hành xử của Iran ở khu vực mà ông cho không có lợi cho an ninh Mỹ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm