Iran nói sẽ sớm nối lại đàm phán với Mỹ khôi phục thỏa thuận hạt nhân

(PLO)- Ngoại trưởng Iran – ông Hossein Amir-Abdollahian – cho biết các cuộc đàm phán gián tiếp với Mỹ về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 sẽ sớm được nối lại.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hãng AFP dẫn lời Ngoại trưởng Iran – ông Hossein Amir-Abdollahian – ngày 25-6 cho biết các cuộc đàm phán gián tiếp với Mỹ về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 sẽ sớm được nối lại.

Diễn biến trên đến trong bối cảnh ông Josep Borrell - đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) – nỗ lực thúc đẩy việc nối lại đàm phán hạt nhân sau nhiều tháng đình trệ.

Ông Josep Borrell (phải) - đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) - và Ngoại trưởng Iran (trái) - ông Hossein Amir-Abdollahian. Ảnh: AFP

Ông Josep Borrell (phải) - đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) - và Ngoại trưởng Iran (trái) - ông Hossein Amir-Abdollahian. Ảnh: AFP

Đàm phán về thỏa thuận hạt nhân giữa Mỹ-Iran sẽ sớm được nối lại

"Chúng tôi đã sẵn sàng đàm phán trong những ngày tới. Điều quan trọng là Iran nhận được đầy đủ các lợi ích kinh tế từ thỏa thuận hạt nhân năm 2015" – ông Amir-Abdollahian nói.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi ông Borrell có chuyến thăm Iran và gặp gỡ các nhà lãnh đạo của nước Cộng hòa Hồi giáo này. Ông Amir-Abdollahian cho biết đã có "cuộc họp dài nhưng tích cực" với ông Borrell.

Phát biểu tại họp báo chung với Ngoại trưởng Amir-Abdollahian ở thủ đô Tehran, ông Borrell cho biết: "Chúng tôi dự kiến ​​sẽ nối lại các cuộc đàm phán trong những ngày tới và phá vỡ sự bế tắc. Đã ba tháng rồi và chúng tôi cần đẩy nhanh công việc. Tôi rất vui về quyết định đã được đưa ra ở Tehran và Washington".

“Chúng tôi đã nhất trí nối lại các cuộc đàm phán giữa Iran và Mỹ trong những ngày tới để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng cuối cùng” – ông Borrell nói thêm.

"Và những ngày sắp tới có nghĩa là những ngày sắp tới. Ý tôi là, nhanh chóng, ngay lập tức" - ông Borrell nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông John Kirby - người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ - cho biết ông không thể nói về tình trạng của các cuộc đàm phán.

"Nhưng không có gì thay đổi về quan điểm của chúng tôi rằng một thỏa thuận hạt nhân là cách tốt nhất để ngăn chặn Iran đạt được trạng thái vũ khí hạt nhân. Chúng tôi muốn làm cho họ tuân thủ trở lại” - ông Kirby cho biết.

Iran nói sẽ tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân, trừ khi...

Trao đổi với ông Borrell, ông Ali Shamkhani - thư ký Hội đồng an ninh quốc gia Tối cao của Iran, cơ quan đưa ra quyết định trong các cuộc đàm phán hạt nhân – cho biết Iran sẽ phát triển hơn nữa chương trình hạt nhân cho đến khi phương Tây thay đổi các "hành vi bất hợp pháp".

"Các hành động trả đũa của Iran trong lĩnh vực hạt nhân chỉ là phản ứng hợp pháp và hợp lý đối với chủ nghĩa đơn phương của Mỹ cũng như sự không hành động của châu Âu, và các hành động này vẫn sẽ tiếp tục miễn là các hành vi bất hợp pháp của phương Tây chưa được thay đổi" – ông Shamkhani nói.

Tuy các cuộc đàm phán sắp được nối lại, song ông Borrell không chắc liệu có thể nhanh chóng đạt được một thỏa thuận hay không.

"Tôi không thể đoán trước được. Chúng tôi đang thúc đẩy điều đó. Tôi đánh giá cao thiện chí từ phía Iran. Ngoài ra còn có thiện chí từ phía Mỹ" - ông Borrell nói.

"Các cuộc đàm phán giữa Iran, Mỹ và EU sẽ không diễn ra ở thủ đô Vienna (Áo) vì chúng sẽ không được tổ chức dưới hình thức 4 + 1. Các cuộc đàm phán có thể sẽ diễn ra ở một nơi nào đó gần Vịnh Ba Tư và cụ thể hơn là ở một quốc gia thuộc Vịnh Ba Tư” - truyền thông Iran dẫn lời ông Borrell cho biết.

Năm 2015, Iran ký thỏa thuận hạt nhân với nhóm P5+1 (gồm năm nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức).

Tuy nhiên, tháng 5-2018, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận này và tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran, dẫn đến việc Tehran dần từ bỏ một số cam kết trong thỏa thuận.

Từ tháng 4-2021 đến nay, Iran và các bên còn lại tham gia ký kết thỏa thuận đã tổ chức nhiều vòng đàm phán trực tiếp tại thủ đô Vienna nhằm hồi sinh thỏa thuận này. Mỹ tham gia đàm phán gián tiếp thông qua EU.

Trong vòng đàm phán gần đây nhất tại Vienna hồi tháng 3, nước Cộng hòa Hồi giáo Iran đã đưa ra một số điều kiện, trong đó có yêu cầu Mỹ đưa Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ra khỏi danh sách tổ chức khủng bố.

Tuy nhiên, Washington từ chối các yêu cầu của Tehran và đàm phán rơi vào đình trệ.

AFP

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm