Tình hình suy yếu của tổ chức khủng bố Nhà nước (IS) tự xưng ở Syria và Iraq càng làm gia tăng nguy cơ tấn công khủng bố ở Pháp. Trả lời báo Le Monde (Pháp) ngày 2-9 (giờ địa phương), công tố viên François Molins (ảnh) đã đưa ra điều nghịch lý như trên. Ông nhận định: “Chúng ta đã thấy rõ trong lịch sử khủng bố, khi các tổ chức khủng bố gặp khó khăn trên chiến trường, chúng sẽ tìm cơ hội để tổ chức tấn công ở bên ngoài”.
Ngoài ra, ông đã cảnh báo nguy cơ đe dọa từ các phần tử thánh chiến người Pháp quay trở về nước và âm mưu tấn công: “Tác nhân thứ hai gây lo ngại là điều chúng ta gọi là nguy cơ từ kẻ quay về. Lúc này hoặc lúc khác chúng ta sẽ phải đương đầu với một số lớn phần tử thánh chiến người Pháp cùng với gia đình quay về nước”.
Hiện nay có khoảng 2.000 công dân Pháp đến Syria, quá cảnh hay muốn đến Syria. Trong số này có 700 người có mặt trong khu vực khủng bố. Về pháp lý, cơ quan công tố đang theo dõi 324 hồ sơ so với 136 hồ sơ năm 2015 và 26 hồ sơ năm 2013. Chỉ có 25 hồ sơ đã được đưa ra xét xử hoặc chờ xét xử.
Công tố viên François Molins tán thành siết chặt chính sách hình sự đã quyết định hồi tháng 4-2016. Theo đạo luật ngày 21-7-2016, hình phạt dành cho tội danh hợp tác với bọn khủng bố từ 20 năm được tăng lên 30 năm tù, hình phạt của tội danh chỉ huy khủng bố từ 30 năm tù được tăng lên tù chung thân.
Theo luật mới, từ nay người nào đi đến các khu vực khủng bố từ tháng 1-2015 để tham chiến, tuần tra hoặc làm cảnh sát cho IS hay Mặt trận Al Nusra đều được xem là hợp tác với bọn khủng bố.
Cuối cùng, công tố viên François Molins đánh giá hoàn toàn không thể tạm giữ những người có tên trong danh sách theo dõi (phiếu S) nhằm mục đích ngăn chặn. Ông nhấn mạnh: “Đây là nền tảng của nhà nước pháp quyền. Chúng ta không thể giam giữ người nào đó trước khi người đó phạm tội”.
Cùng ngày 2-9, cơ quan tuyên truyền của IS Amad đưa tin một chiến binh IS là công dân Đan Mạch, 25 tuổi, đã tấn công cảnh sát ở Copenhagen (Đan Mạch) để hưởng ứng lời kêu gọi đánh các nước tham gia liên minh (do Mỹ đứng đầu).
Vụ tấn công xảy ra lúc 23 giờ ngày 31-8 tại khu phố Chistiania ở Copenhagen. Mesa Hodzic, người gốc Bosnia, chuyên mua bán ma túy đã bắn bị thương hai cảnh sát và một người qua đường vào lúc lực lượng chống ma túy đang truy bắt hắn. Ngay trong đêm, cảnh sát công bố nhân dạng. Sau khi xác định hắn có mặt trong một căn nhà ở ngoại ô, cảnh sát bao vây và đã bắn trả khi hắn định tẩu thoát. Mesa Hodzic bị thương và chết trong bệnh viện.
Cơ quan điều tra cho biết Mesa Hodzic dường như có liên hệ với nhóm khủng bố Millatu Ibrahim (có nguồn gốc ở Đức, hoạt động ở Đan Mạch) và bọn ủng hộ IS. Tuy nhiên, cơ quan điều tra không tin yếu tố này tác động đến vụ Mesa Hodzic nổ súng.