Israel-Hamas ngừng bắn và vai trò của Ai Cập

Ngày 20-5, Israel cùng hai nhóm vũ trang chính của Palestine ở Dải Gaza là phong trào Hồi giáo Hamas cùng Nhóm Thánh chiến Hồi giáo Palestine (Islamic Jihad) đồng ý ngừng bắn theo đề xuất của Ai Cập, mở ra cơ hội giải quyết xung đột sau 11 ngày giao tranh ác liệt. Lệnh ngừng bắn có hiệu lực từ 2 giờ sáng 21-5 (tức 6 giờ cùng ngày theo giờ Việt Nam).

Người dân Palestine hò reo bên đống đổ nát ở Dải Gaza sau khi Israel và Hamas (cùng Nhóm Thánh chiến Hồi giáo Palestine) chấp nhận ngừng bắn. Ảnh: SKY NEWS

Cộng đồng quốc tế hoan nghênh thỏa thuận giữa Israel và Hamas, đồng thời đánh giá cao vai trò quan trọng của Ai Cập trong quá trình đàm phán, theo hãng tin AFP.

Những nỗ lực không ngừng nghỉ

Thỏa thuận ngừng bắn này là kết quả nỗ lực không ngừng nghỉ của Ai Cập và cộng đồng quốc tế.

Ngay khi giao tranh nổ ra, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi chủ động giúp đỡ Palestine, yêu cầu mở cửa biên giới để những người bị thương ở Dải Gaza được sang Ai Cập chữa trị, thúc đẩy viện trợ nhân đạo. Ngày 12-5, hai ngày sau khi xung đột xảy ra, các quan chức Ai Cập đã trao đổi với các thủ lĩnh Hamas về phương án ngừng bắn với Israel.

Ngày 13-5, một phái đoàn Ai Cập đến Israel thuyết phục nhà nước Do Thái đàm phán ngừng bắn. Tuy nhiên, hãng tin Sputnik cho biết phái đoàn này đã rời Israel ngay trong ngày mà không có kết quả khả quan.

Cuối tuần trước, Ai Cập, Qatar cùng Liên Hợp Quốc (LHQ) thuyết phục Israel và Hamas cùng ngừng bắn để nhà máy điện duy nhất ở Dải Gaza được tiếp thêm nhiên liệu vận hành. Tuy nhiên, giao tranh chỉ lắng xuống vài giờ, trước khi Israel ném bom phá hủy nhà của thủ lĩnh Hamas - ông Yahya Sinwar.

Sau khi Mỹ - đồng minh quan trọng nhất của Israel nhiều lần ngăn cản Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ cùng lên án bạo lực ở Dải Gaza, Ai Cập tìm đến đối tác mới có cùng quan điểm. Ngày 17-5, Tổng thống Fattah el-Sisi cùng người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron ra tuyên bố chung “quan ngại sâu sắc trước tình trạng bạo lực đang diễn ra”. Hai bên cũng thống nhất nhanh chóng tìm kiếm thỏa thuận ngừng bắn.

Những tín hiệu tích cực bắt đầu xuất hiện từ ngày 19-5. Một nhà ngoại giao Ai Cập cho biết Cairo đang chờ Israel phản hồi về đề xuất ngừng bắn và để ngỏ khả năng tiếp tục điều chỉnh các điều khoản cho tới khi hai bên xung đột đồng ý. Phía Ai Cập cũng nhờ Pháp hối thúc Mỹ dùng ảnh hưởng của Nhà Trắng đối với Israel để xúc tiến lệnh ngừng bắn. Cùng lúc đó, Ai Cập đã sẵn sàng cùng các nước Ả Rập, các nước Hồi giáo và Trung Quốc đưa xung đột Israel-Hamas ra thảo luận tại Đại hội đồng LHQ - nơi không nước nào, kể cả Mỹ, có quyền phủ quyết.

Chỉ vài giờ trước khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực, ông Sisi đã điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã thảo luận với giới chức Ai Cập về vấn đề Israel-Hamas từ ngày 19-5 nhưng chi tiết cuộc nói chuyện này không được công bố.

Sau cuộc họp với giới chức an ninh Israel vào đêm muộn 20-5, văn phòng Thủ tướng Netanyahu tuyên bố đơn phương chấp thuận lệnh ngừng bắn do Ai Cập đề xuất. Hamas và Nhóm Thánh chiến Hồi giáo Palestine cũng chấp nhận ngừng bắn. Hiện nay, Ai Cập được giao nhiệm vụ giám sát thỏa thuận ngừng bắn này và đã cử hai phái đoàn đến Israel và Dải Gaza để thực hiện trọng trách này. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh rằng Israel và Hamas có trách nhiệm phải duy trì hòa bình và đối thoại.

Ai Cập - nước duy nhất có thể thuyết phục cả Hamas và Israel

Là quốc gia Ả Rập đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel (năm 1979), cùng với sự gần gũi về mặt địa lý, Ai Cập có nhiều điều kiện để trở thành trung gian hòa giải xung đột Israel-Hamas. Nhớ lại cuộc xung đột Israel-Hamas năm 2014, vào tháng 7 năm này, Ai Cập đã nhiều lần đề xuất ngừng bắn và nỗ lực này được quốc tế đánh giá cao vào thời điểm đó.

Dải Gaza là một vùng đất nhỏ giáp Địa Trung Hải bị Israel gần như bao trọn, chỉ trừ biên giới tây nam dài 12 km giáp với Ai Cập. Vùng biển của Dải Gaza luôn có tàu Israel tuần tra, sân bay duy nhất ở vùng lãnh thổ này đã bị phá hủy, cảng biển còn chưa được xây xong đã bị giao tranh tàn phá và công trường bị bỏ hoang hơn 20 năm qua.

Việc bị Israel “phong tỏa” biến Dải Gaza trở thành một “nhà tù mở” - GS Paul Rogers thuộc ĐH Bradford (Anh) nhận xét. Do đó, Ai Cập - với tư cách là cánh cửa duy nhất không bị Israel kiểm soát để Dải Gaza kết nối với thế giới - buộc phải hành động để giải quyết xung đột ở vùng lãnh thổ nhạy cảm này. Nói như chuyên gia Michael Hanna thuộc quỹ nghiên cứu The Century Foundation (Mỹ): “Ai Cập phải vào cuộc. Không còn cách nào khác - theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng”.

Hiện ngoài Ai Cập, Hamas đã mở rộng quan hệ thêm với một số đối tác mới như Qatar, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Còn Israel cũng đã thiết lập quan hệ ngoại giao thêm với nhiều nước ngoài Ả Rập. Tuy nhiên, theo ông Tareq Baconi - chuyên gia phân tích xung đột Israel/Palestine, Ai Cập có “lợi ích ưu tiên trong việc sử dụng vị trí địa lý gần Dải Gaza để tận dụng sức mạnh ngoại giao của mình”. Còn theo ông Dennis Ross, cựu quan chức ngoại giao Mỹ với nhiều năm kinh nghiệm về tiến trình hòa bình Trung Đông, Ai Cập vẫn là nước duy nhất có thể gây áp lực cho Hamas trong thời điểm hiện nay. Ông Ross cho rằng Ai Cập có đủ vị thế để lấy mối quan hệ với Israel ra yêu cầu hay thậm chí là đe dọa, buộc Hamas phải chấp nhận đề xuất ngừng bắn.•

Ông Biden nói sẽ cung cấp thêm hệ thống Vòm Sắt cho Israel

Sau khi thỏa thuận ngừng bắn được Israel và Hamas thống nhất, Đặc phái viên LHQ về hòa bình ở Trung Đông - ông Tor Wennesland ngày 20-5 đã viết trên Twitter rằng: “Tôi khen ngợi Ai Cập và Qatar vì những nỗ lực đã được thực hiện, liên hệ chặt chẽ với LHQ để giúp khôi phục sự yên bình”.

Giống như nhiều lãnh đạo quốc tế khác, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đánh giá cao vai trò trung gian hòa giải của Ai Cập và “gửi lời cám ơn chân thành” tới Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi cùng các quan chức Ai Cập. Ông Biden khẳng định rằng Washington đã tham gia vào các nỗ lực “đáng kinh ngạc” để giải quyết xung đột và nhấn mạnh Mỹ đã hành động “thầm lặng, không ngừng nghỉ”.

Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield biện hộ rằng Washington “đã không im lặng” mà trái lại, chính là nước “khẩn trương và nhiệt thành” nhất trong việc tìm ra giải pháp hòa bình.

Phát ngôn từ phía Mỹ đến trong bối cảnh nước này hứng nhiều ý kiến chỉ trích vì thái độ của mình trong đợt xung đột này giữa Israel và Hamas. Trong chưa đầy hai tuần, Mỹ đã bốn lần ngăn HĐBA ra nghị quyết lên án tình trạng bạo lực giữa Israel và Hamas và kêu gọi hai bên ngừng bắn. Diễn biến mới, dù Israel vừa ngừng bắn với Hamas, trong ngày 20-5, ông Biden tuyên bố rằng Mỹ sẽ cung cấp thêm hệ thống phòng không Vòm Sắt cho Israel để nước này đảm bảo năng lực phòng thủ an ninh trong tương lai. Ông Biden cũng tái khẳng định rằng Mỹ ủng hộ Israel thực hiện quyền tự vệ trước những đợt tấn công rocket bừa bãi. 

232 người thiệt mạng (phần lớn là dân thường) và hơn 1.900 người bị thương tại Dải Gaza trong 11 ngày xung đột. Israel tuyên bố tiêu diệt được ít nhất 160 tay súng Hồi giáo nhưng cũng chịu tổn thất 12 người, theo hãng tin Reuters. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm