Vài tuần gần đây, cộng đồng quốc tế liên tục lên tiếng lo ngại về kế hoạch của Israel đổ bộ vào Rafah - TP cực Nam Dải Gaza mà Israel cho là thành trì cuối cùng của Hamas. Nếu Israel đổ bộ, thảm cảnh nhân đạo khó tránh khỏi vì Rafah đang là nơi ẩn náu cuối cùng của cả 2/3 dân số Gaza.
Thời điểm sẽ là sau tháng lễ Ramadan
Nguy cơ này ngày càng hiển hiện khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 31-3 tuyên bố ông đã phê duyệt “kế hoạch hành động” cho chiến dịch đổ bộ Rafah. Ông Netanyahu nhấn mạnh việc đổ bộ Rafah là cần thiết để đạt được “chiến thắng” hoàn toàn trước Hamas.
“Điều này sẽ mất thời gian nhưng nó sẽ được thực hiện. Chúng tôi sẽ tiến vào Rafah và sẽ loại bỏ các tiểu đoàn Hamas ở đó vì một lý do đơn giản: Không có chiến thắng nếu không tiến vào Rafah và không có chiến thắng nào nếu không loại bỏ các tiểu đoàn Hamas ở đó” - đài RT dẫn lời ông Netanyahu. Trong tuần qua, ông Netanyahu cũng nhiều lần tuyên bố sẵn sàng tấn công Rafah.
Vẫn chưa rõ kế hoạch chi tiết về việc lực lượng Israel đổ bộ Rafah. Tuy nhiên, tờ Al-Akhbar (Lebanon) dẫn lời một số quan chức Ai Cập cho biết khả năng lớn lực lượng Israel sẽ đổ bộ Rafah sau tháng lễ Ramadan, có thể vào khoảng giữa tháng 4, muộn nhất là đầu tháng 5.
Theo tờ báo, chiến dịch đổ bộ sẽ kéo dài 4-8 tuần, bao gồm việc sơ tán dân thường đang trú ẩn ở Rafah đến khu vực miền Trung Gaza. Quá trình sơ tán sẽ được giám sát từ mặt đất và trên không để đảm bảo không có chiến binh Hamas hay con tin Israel nào di chuyển cùng thường dân Gaza. Chưa có xác nhận từ Israel về vấn đề này.
Đợt đàm phán mới về thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza sẽ diễn ra ở Doha (Qatar) và Cairo (Ai Cập) ”trong những ngày tới”, theo Văn phòng Thủ tướng Israel tuần rồi.
Dân Gaza đang chen chúc ở Rafah
Nếu Israel thực sự đổ bộ Rafah thì sẽ là thảm họa với gần 1,5 triệu người Palestine đang chen chúc ẩn náu tại đây. Trước xung đột, Rafah - được xem là trung tâm buôn bán của Dải Gaza, nơi giao thương với Ai Cập - là nơi sinh sống của khoảng 300.000 người, nhờ vào các nguồn lực từ biển và các trang trại trồng lúa mì, cam, chanh, khoai tây. Xung đột nổ ra, lượng lớn dân từ các khu vực khác đổ về Rafah để lánh nạn.
Theo tờ The Wall Street Journal, nhà cửa ở Rafah đã bị tàn phá nhiều vì các cuộc không kích của Israel. Người dân phải sống dồn trong các căn lều, căn hộ hoặc thậm chí sống trên đường phố, thiếu nước và thức ăn, không được tiếp cận các điều kiện vệ sinh và chăm sóc sức khỏe phù hợp. Giờ đây, viễn cảnh Israel đổ bộ càng ám ảnh người dân nơi đây.
Cô Feda’a Murjan đã đến Rafah khoảng hai tháng. Cô nhớ như in cảnh tượng vào tối 13-10, khi cô đang bật bếp gas nấu bữa tối thì lực lượng Israel không kích trúng ngôi nhà bên cạnh. Cuộc không kích làm đổ tường nhà cô, đè chết con gái tám tuổi của cô đang ngồi vẽ trong phòng khách. Cô Murjan cùng chồng và con trai chạy đến Rafah, sống trong một căn lều giữa thời tiết lạnh và ẩm ướt, không có điện, phải ăn đồ hộp cầm chừng. “Chúng tôi có thể đi đâu được chứ, đây (Rafah) là nơi cuối cùng rồi” - cô Murjan nói về tình cảnh của gia đình mình.
Nghe tin Israel sắp đổ bộ Rafah, anh Hazem Abuhabib gửi vợ và con gái đến Deir al-Balah (miền Trung Gaza). Nhưng rồi Deir al-Balah bị không kích ngày càng nhiều, anh Abuhabib lo lắng tính đưa gia đình mình trở lại Rafah.
“Họ (Israel) định tiến vào (Rafah) từ phía đông ư? Hay họ sẽ đến đây từ TP Khan Younis? Hay họ sẽ đến đây từ biển? Thành thật mà nói chúng tôi không biết” - anh Abuhabib bối rối, chưa biết phải làm sao cho gia đình mình được an toàn.
Theo ông Georgios Petropoulos - điều phối viên các nỗ lực nhân đạo của Liên hợp quốc tại Gaza, ngày càng nhiều người dân ở Rafah đổ về phía bờ biển với niềm tin lực lượng Israel sẽ không tấn công tới các khu vực bờ biển hoang vắng.•
Israel nói chuẩn bị sơ tán, quốc tế lo lắng
Theo ông Netanyahu ngày 31-3 thì quân đội Israel đã chuẩn bị cho “việc sơ tán dân thường và cung cấp hỗ trợ nhân đạo”, đồng tình rằng “đây là điều đúng đắn cả về mặt hoạt động và quốc tế”. Theo giới quan sát, có vẻ vị thủ tướng Israel muốn đề cập đến áp lực ngày càng tăng mà Israel phải đối mặt gần đây về các hành động của nước này ở Gaza và bị cáo buộc vi phạm quyền nhân đạo trong chiến dịch quân sự ở dải đất này.
Mỹ đã nhiều lần cảnh báo Israel không nên tấn công Rafah, cho rằng hành động này sẽ làm tình hình trở nên tồi tệ hơn đối với thường dân Palestine phải di dời. Tuần rồi, Mỹ quyết định không phủ quyết (bỏ phiếu trắng) một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza.
Từ tháng 3, phía Mỹ đã liên tục lên tiếng rằng Mỹ muốn được nhìn thấy chi tiết kế hoạch của Israel. Cụ thể, ngày 18-3, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cũng xác nhận rằng “Israel chưa trình bày với chúng tôi và thế giới về kế hoạch đảm bảo cho thường dân (ở Rafah) an toàn, chứ chưa nói đến việc cung cấp thức ăn, nơi ở cho họ và đảm bảo quyền tiếp cận những thứ cơ bản như điều kiện vệ sinh”.
Ông Sullivan cảnh báo rằng “cuộc tấn công vào Rafah sẽ gây thêm nhiều thương vong cho dân thường vô tội, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo vốn đã nghiêm trọng, làm sâu sắc thêm tình trạng hỗn loạn ở Gaza và tiếp tục cô lập Israel trên trường quốc tế”.
Ngày 24-3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron điện đàm với Thủ tướng Netanyahu và cảnh báo rằng việc ép người dân sơ tán khỏi Rafah sẽ cấu thành “tội ác chiến tranh”. Ngày 23-3, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah al-Sisi và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi không sơ tán người dân Palestine khỏi khu vực sống của họ và kêu gọi Israel không đổ bộ Rafah để tránh “hậu quả thảm khốc”.