Tác động của nghị quyết HĐBA về Gaza với cuộc xung đột Israel-Hamas

(PLO)- Nghị quyết của HĐBA LHQ về việc ngừng bắn ở Gaza vẫn chưa phát huy tác dụng khi chiến sự vẫn tiếp diễn và phía Israel tuyên bố không tuân thủ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 25-3, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) đã thông qua nghị quyết kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức, theo đài CNN.

Nghị quyết được 14/15 thành viên của HĐBA bỏ phiếu thông qua, trong khi Mỹ bỏ phiếu trắng. Nghị quyết trên do 10 thành viên không thường trực của HĐBA đề xuất. Nghị quyết cũng kêu gọi thả ngay lập tức và vô điều kiện tất cả con tin, theo hãng tin Reuters.

Nghị quyết cũng "nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải mở rộng dòng hỗ trợ nhân đạo và tăng cường bảo vệ dân thường trên toàn Dải Gaza, đồng thời nhắc lại yêu cầu dỡ bỏ mọi rào cản đối với việc cung cấp hỗ trợ nhân đạo trên quy mô lớn".

Tác động của nghị quyết HĐBA đối với cuộc xung đột Israel-Hamas
Các đại biểu biểu quyết tại phiên họp HĐBA LHQ hôm 25-3. Ảnh: AP

Liệu nghị quyết này có tác động đến tình hình ở Gaza không?

Theo CNN, nghị quyết trên như một cú sốc với Israel, do Mỹ bỏ phiếu trắng thay vì phiếu chống. Các quan chức Israel chỉ trích nghị quyết này, nói rằng họ không có ý định thực thi lệnh ngừng bắn.

Hôm 26-3, các cuộc tấn công của Israel vào Gaza vẫn tiếp tục diễn ra.

Phía Israel cũng chỉ trích ngôn ngữ của nghị quyết, cho rằng nghị quyết này không có sự ràng buộc chặt chẽ lệnh ngừng bắn với việc thả các con tin bị giữ ở Gaza.

Đại sứ Israel tại LHQ Gilad Erdan chỉ trích HĐBA vì đã thông qua biện pháp kêu gọi ngừng bắn “mà không đặt ra điều kiện về việc thả con tin.

“Nó làm suy yếu những nỗ lực nhằm trả tự do cho họ” – ông Erdan nói.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Israel – ông Israel Katz cho biết Israel sẽ không tuân thủ nghị quyết.

“Nhà nước Israel sẽ không ngừng bắn. Chúng tôi sẽ tiêu diệt Hamas và tiếp tục chiến đấu cho đến khi con tin cuối cùng trở về nhà” – ông Katz viết trên X (tên gọi mới của Twitter).

Thủ tướng Israel – ông Benjamin Netanyahu cũng hủy chuyến thăm của phái đoàn Israel tới Mỹ do 2 cố vấn của ông thực hiện. Trước đó, phái đoàn Israel đã lên kế hoạch tới Mỹ vào tối 25-3 để thảo luận về kế hoạch của Israel nhằm tấn công TP Rafah (nam Gaza). Theo CNN, Tổng thống Mỹ Joe Biden là người yêu cầu tổ chức cuộc gặp này.

Bà Gabriela Shalev – cựu đại sứ Israel tại LHQ cho biết: “Trên thực tế hiện nay, tôi nghĩ rằng nghị quyết không có tác dụng ngay lập tức. Nhưng tất nhiên nó có tác động đạo đức và tổng thể”.

gettyimages-1997029642 (1).jpg
Hình ảnh những con tin bị Hamas bắt, tại quảng trường Con Tin, Tel Aviv (Israel). Ảnh: AFP

Nghị quyết này có ràng buộc đối với Israel không?

Sau khi nghị quyết được thông qua, phía Mỹ cho biết nghị quyết này không mang tính ràng buộc.

Trong cuộc họp báo sau khi nghị quyết được thông qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller khẳng định nghị quyết này không mang tính ràng buộc. Tuy nhiên, ông thừa nhận tính pháp lý của các nội dung chi tiết trong nghị quyết sẽ được các chuyên gia luật quốc tế xác định.

Tương tự, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby và đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield đều khẳng định rằng nghị quyết này không mang tính ràng buộc.

Sau khi nghị quyết được thông qua, đại sứ Trung Quốc tại LHQ Trương Quân cho rằng những nghị quyết như thế này thực sự có tính ràng buộc.

Phó phát ngôn viên LHQ Farhan Haq cho biết các nghị quyết của HĐBA là luật quốc tế, “vì vậy ở mức độ đó, chúng có tính ràng buộc như luật pháp quốc tế”.

Các chuyên gia cho biết việc một nghị quyết có mang tính ràng buộc hay không còn phụ thuộc vào ngôn ngữ được sử dụng trong nghị quyết.

“Mấu chốt của vấn đề là ngôn ngữ của nghị quyết và cách các quốc gia thành viên giải thích Hiến chương LHQ một cách khác nhau” – bà Maya Ungar, nhà phân tích tại tổ chức nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế (trụ sở tại Bỉ), cho biết.

“Mỹ đang cố gắng vạch ra ranh giới rõ ràng giữa chỉ trích và ủng hộ Israel. Bằng cách lập luận rằng nghị quyết này không mang tính ràng buộc, có vẻ như Mỹ muốn cho biết họ đã không dùng quyền phủ quyết nhưng không muốn bị Israel phản ứng dữ dội” – bà Ungar nói.

240326122630-al-shifa-hospital-0321-file.jpg
Khói bốc lên trong cuộc đột kích của Israel vào bệnh viện Al Shifa (bắc Gaza) hôm 21-3. Ảnh: REUTERS

Ông Yossi Mekelberg – nhà nghiên cứu của chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại tổ chức nghiên cứu Chatham House (Anh) cho biết ngay cả khi các chuyên gia pháp lý quyết định rằng nghị quyết này có tính ràng buộc, câu hỏi đặt ra là làm thế nào và ai có thể thực thi nó.

“Câu trả lời là không có ai cả” – ông Mekelberg nói.

Nghị quyết ảnh hưởng sao đến quan hệ Mỹ - Israel?

Bà Shalev cho rằng với việc bỏ phiếu trắng, Mỹ đã đi theo “con đường trung dung”, nhưng điều đó cho thấy Nhà Trắng “rất lo lắng và quan ngại về những gì đang xảy ra”.

Phía Mỹ cũng lên tiếng về quyết định của ông Netanyahu trong việc hủy chuyến thăm của phái đoàn Israel đến Mỹ. Ông Kirby cho biết Mỹ "rất thất vọng vì họ sẽ không đến", nhưng nhấn mạnh rằng việc bỏ phiếu trắng không phải là sự thay đổi chính sách của Mỹ đối với Israel.

Bà Shalev cho biết Israel đang phải đối mặt với “điểm rất thấp trong mối quan hệ với Mỹ”. Tuy nhiên, bà cho rằng mặc dù căng thẳng vẫn tồn tại ở cấp chính phủ nhưng hầu hết người dân Israel đều muốn mối quan hệ hai nước được cải thiện.

Việt Nam hoan nghênh nghị quyết về việc ngừng bắn tại Dải Gaza

Ngày 27-3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc HĐBA LHQ thông qua nghị quyết về việc ngừng bắn tại Dải Gaza, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định: Việt Nam hoan nghênh nghị quyết về việc ngừng bắn tại Dải Gaza được HĐBA LHQ thông qua ngày 25-3-2024 và kêu gọi các bên liên quan thực hiện ngay lập tức nghị quyết nhằm hướng đến một lệnh ngừng bắn lâu dài và bền vững tại khu vực, đẩy mạnh cứu trợ nhân đạo, bảo vệ thường dân và các cơ sở hạ tầng dân sự.

Việt Nam ủng hộ mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc thúc đẩy các bên kiềm chế, đối thoại, giải quyết các bất đồng bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan của HĐBA nhằm sớm đạt được giải pháp công bằng, thỏa đáng và lâu dài cho tiến trình hòa bình Trung Đông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm